Dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở Tây Nguyên: Những ca tử vong đã được cảnh báo trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ hơn một tháng qua, tại các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 34 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, 3 ca tử vong. Vậy đâu là nguyên nhân khiến dịch bất ngờ bùng phát mạnh trong năm nay?

Dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở Tây Nguyên: Những ca tử vong đã được cảnh báo trước ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên

Nhiều người lành mang trùng, tỷ lệ tiêm chủng thấp

Theo thông tin cập nhật mới nhất từ ngành y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh Tây Nguyên đã có 58 ca nhiễm bệnh bạch hầu, 3 trường hợp tử vong. Trong đó, tỉnh Kon Tum có 23 ca, Gia Lai 10 ca và Đắk Nông 25 ca. Hiện các địa phương trên đã cách ly hàng nghìn người để theo dõi, phòng bệnh.

Trên thực tế, tại những tỉnh này, các năm vừa qua vẫn rải rác ghi nhận ca bệnh bạch hầu trong cộng đồng nhưng chưa bao giờ dịch bùng phát mạnh với số mắc tăng vọt như trong khoảng một tháng vừa qua. Bệnh nhân mắc hầu hết là trẻ trên 7 tuổi, 92% là người dân tộc thiểu số và ở vùng “lõm” về tiêm chủng, tức có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp. 

Thống kê từ Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên bình quân rất thấp, thậm chí tại các ổ dịch bạch hầu xảy ra ở Đắk Nông mới đạt tỷ lệ phủ vaccine là 48-52%. Đây là một thực trạng báo động từ nhiều năm qua nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để cải thiện, và điều đó cũng cho thấy dịch bệnh bạch hầu bùng phát mạnh như hiện nay là thực trạng đã được cảnh báo trước.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp trong nhiều năm liền, vì thế trong cộng đồng vẫn còn những người lành mang trùng (người mang bệnh). Các nguồn lây đã có sẵn trong cộng đồng. Đến đầu mùa mưa, thời tiết lạnh, ẩm thấp là môi trường rất tốt để bệnh bạch hầu phát triển. Còn ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, lý do chính khiến các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào thiểu số vẫn chưa thực hiện tốt công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu vì người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dịch này, thường né tránh, ít quan tâm hoặc không có điều kiện đi tiêm.

Phân tích sâu hơn về thực trạng này, TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, có quá nhiều vùng lõm tiêm chủng vaccine là nguyên nhân chính khiến cho bệnh bạch hầu quay trở lại ở Tây Nguyên. “Tình hình dịch bạch hầu tại Tây Nguyên sẽ xảy ra theo tình trạng xôi đỗ, tức là những vùng lõm về tiêm chủng nếu gặp phải tác nhân thì sẽ xuất hiện ca bệnh” - TS Viên Đình Chiến nhận định.

Khẩn cấp tiêm bổ sung vaccine bạch hầu tại 35 tỉnh, thành phố

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. 

Trước thực trạng số mắc bạch hầu tăng nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cử đội đáp ứng nhanh hỗ trợ địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời chỉ đạo ngành y tế địa phương tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ; tổ chức tiêm vaccine phòng chống dịch tại khu vực ổ dịch.

Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bạch hầu đạt thấp cần đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình và tại địa phương để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nhất là tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu bảo đảm đủ mũi, đúng lịch.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, để phòng chống dịch bạch hầu diễn biến phức tạp, từ nay đến quý IV-2020, chương trình tiêm miễn phí vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều (vaccine Td) cho toàn bộ trẻ 7 tuổi (sinh từ ngày 1-1-2013) hoặc đang học lớp 2 tại 35 tỉnh, thành nguy cơ cao, bao gồm toàn bộ các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Bắc và TP.HCM.

Hà Nội chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu nào. Ngược lại, thành phố hiện có hơn 600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số ca mắc có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận 201 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ năm 2019. Bệnh nhân bắt đầu gia tăng nhanh trong 2 tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và tại các khu chung cư.

(Còn nữa)