Địa phương phải báo cáo ngay nếu “khan hàng, sốt giá”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ Tết...
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng "té nước theo mưa"

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng "té nước theo mưa"

Bộ Công Thương cũng đề nghị Sở Công Thương các địa phương đánh giá nguồn cung, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và cho các khu vực phải thực hiện cách ly; có phương án về phối hợp hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác khi cần thiết.

Đồng thời, phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, bảo đảm các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân được lưu thông thông suốt.

Đối với các chuỗi siêu thị lớn, Bộ Công Thương yêu cầu: Cần có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống; phối hợp với các địa phương điều phối, cung ứng hàng hóa liên tỉnh để kịp thời cung cấp hàng hóa cho các địa phương thiếu hàng.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh lây lan (như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…) để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, ngày 29/1, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cũng có văn bản yêu cầu Cục QLTT các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, “găm hàng”, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.

“Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhưng lưu ý không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh”- Văn bản nêu rõ.

Trong trường hợp xuất hiện dấu hiệu khan hiếm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị vật tư y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas... thì báo cáo UBND, Ban Chỉ đạo 389 địa phương và Bộ Công Thương để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Làm việc với Tổng cục QLTT sáng nay (29/1), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An lưu ý: “không được lơ là các kế hoạch cao điểm khác”, bởi “đây cũng là cao điểm của nạn buôn lậu hoành hành”.

Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục QLTT phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước để theo dõi sát diễn biến của cung cầu hàng hóa. Trong trường hợp nhận thấy mất cân đối cung cầu phải xử lý ngay. “Khan hiếm nguồn cung phải giải quyết bằng nguồn cung”- ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.