Địa phương làm sai, người dân chịu thiệt

ANTĐ - Do không có đất ở, hàng chục hộ dân của 2 xã Cự Khê và Thanh Mai (huyện Thanh Oai, Hà Nội) kiến nghị với cấp trên xin được cấp đất giãn dân. Mọi quy trình xét duyệt đã xong thì đột ngột việc cấp đất bị dừng vô thời hạn với lý do: Danh sách của xã đưa lên có một vài trường hợp… không đúng đối tượng. Sự cố “treo” quyết định này khiến những hộ dân đáng lẽ được hưởng quyền lợi chính đáng phải chờ đợi nhiều năm trời…

Trong khi chờ được cấp đất giãn dân, nhiều hộ gia đình vẫn phải dựng những căn nhà tạm bợ
bên sông Nhuệ

“Treo” quyết định cấp đất

Nhiều năm phải sống trong cảnh tạm bợ, vất vưởng nên năm 2008, khi nghe tin gia đình mình nằm trong số 18/26 hộ dân của xã được UBND huyện cấp đất giãn dân, chị Tống Thị Liên mừng lắm. Ở thôn Khúc Thủy (xã Cự Khê) ai cũng biết gia đình chị thuộc diện khó khăn. Do không có đất ở nên nhiều năm nay gia đình chị Liên đã phải ra mép bờ sông Nhuệ dựng nhà, sống chung với dòng nước đen sì hôi thối. 

Theo dự kiến ban đầu của UBND xã thì những gia đình được xét cấp đất phải đảm bảo là người địa phương, đặc biệt khó khăn về nơi ăn chốn ở như phải ở nhờ, ở thuê, hoặc sống trong gia đình có nhiều thế hệ và diện tích tối thiểu tính trên đầu người quá chật hẹp. Sau khi danh sách các hộ được thông qua và quyết định cấp đất được đưa về, 18 hộ dân đôn đáo đi vay tiền để chuẩn bị san nền, dựng nhà theo như thông báo của huyện, thế nhưng…

Chị Liên thở dài: “Trong tổng số 18 hộ được cấp đất, UBND huyện Thanh Oai phát hiện có 2 trường hợp xã xét sai đối tượng. Vì thế việc cấp đất bị yêu cầu dừng lại chờ thanh tra. Nhưng không biết thanh tra thế nào mà đến bây giờ 5 năm trôi qua, những hộ thuộc diện “đúng đối tượng” như nhà em vẫn chưa được cấp đất. Đáng lẽ việc xét duyệt sai là lỗi của xã và quyết định dừng cấp đất chỉ áp dụng đối với các đối tượng bị sai. Đằng này vì 2 cá nhân mà 16 hộ khác cũng bị ảnh hưởng là không công bằng. Nhiều năm nay gia đình em vẫn chịu cảnh ăn chực nằm chờ và không biết đến bao giờ mới có thể an cư lạc nghiệp”.

Nếu ở xã Cự Khê chỉ có 26 hộ dân bị “treo” quyết định cấp đất thì xã Thanh Mai con số này lên tới gần 60 hộ dân và câu chuyện cũng đã kéo dài tới gần 20 năm. Năm 1992-1993, UBND xã Thanh Mai và huyện Thanh Oai đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cho phép chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp dọc quốc lộ 21B sang đất ở cho gần 60 hộ dân. Theo tờ trình của xã thì đây là những trường hợp có nhu cầu bức xúc về nơi ăn chốn ở. Chấp thuận đề xuất của địa phương, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định 57/QĐ-UB, cho phép huyện Thanh Oai chuyển đổi 6.500m2 đất thành đất thổ cư, để giải quyết cho nhân dân. Ngay sau khi được xét duyệt, 56/59 hộ dân nộp tiền theo quy định. Thế nhưng khi xã mới giao đất cho 39 hộ thì rắc rối lại xảy ra. Vẫn câu chuyện để lọt một số cá nhân không đúng đối tượng được cấp nên UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định 410/QĐ-UB thu hồi Quyết định 57, chuyển 6.500m2 đất ở trở lại nguyên trạng ban đầu. Oái ăm ở chỗ Quyết định 410 chỉ thu hồi đất, nhưng không có biện pháp trả lại tiền cho những hộ đã nộp. Vì thế 39 hộ dân xã Thanh Mai may mắn được giao đất trước khi có quyết định thu hồi, lập tức tiến hành làm nhà, thậm chí một số hộ nhanh tay… bán cho người khác. 

Chị Liên với đống giấy tờ nhiều năm nay đi đề nghị được giao đất giãn dân

Sai một ly, đi một dặm

Năm 1994, để được cấp 1 suất đất giãn dân (80m2), mỗi hộ gia đình ở Thanh Mai được xét duyệt phải nộp khoản tiền là 14,5 triệu đồng/suất. Đây là khoản tiền khá lớn vào thời điểm đó và nhiều gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi mới có được. Tuy nhiên, đến nay 20 năm đã trôi qua, những hộ dân đã nộp tiền nhưng chưa nhận đất thì nay vẫn chẳng đòi lại được đồng nào, bởi số tiền đó xã đã mang đầu tư vào các công trình phúc lợi cho địa phương. Ông Lê Văn Trung, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: “Đây là vấn đề rất đau đầu đối với chúng tôi. Còn với người dân thì họ quá thiệt thòi. Từ năm 1994 đến nay đã trải qua 5 đời chủ tịch nhưng xã vẫn chưa thể giải quyết được. Gần đây, chúng tôi đã nhận được chỉ đạo từ cấp trên và đang tiến hành rà soát lại. Tiền đã thu của dân và chi vào các công trình phúc lợi nhưng không giao đất đó là điều vô lý”. 

Theo ông Trung thì hiện thành phố đã chỉ đạo UBND huyện Thanh Oai rà soát lại đối tượng được cấp. Nếu không có vướng mắc thì cho phép huyện Thanh Oai tiếp tục thực hiện việc giao đất giãn dân theo Quyết định 57 cho các hộ dân đã nộp tiền tại vị trí dự định được giao trước đây. Nếu có vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng thì cho phép huyện bố trí quỹ đất khác phù hợp. 

Còn ông Vũ Thanh Ngọc - Chủ tịch xã Cự Khê cho biết, mới đây UBND huyện Thanh Oai đã cử đoàn công tác về địa phương này ra soát lại đối tượng và quyết định cấp đất giãn dân làm 2 đợt. Đợt 1 gồm 10 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi hộ 60 m2 đất. Tuy nhiên các hộ dân nằm trong đợt 2 lại phản ứng quyết liệt. Họ cho rằng, gia đình mình cũng rất khổ và xứng đáng được duyệt đất ngay. Chưa hết, thời điểm có quyết định cấp đất, thì giá đất ở Cự Khê rẻ như bèo nên các hộ dân trong xã vui vẻ ủng hộ cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Còn bây giờ, đất ở Cự Khê có giá 13 triệu đồng/m2  nên các hộ thuộc diện “khó khăn vừa vừa” phản ứng dữ dội. “Trước đây do xét duyệt sai đối tượng dẫn đến khiếu kiện và bị UBND huyện hủy quyết định cấp đất. Nay đã rà soát lại và việc xét duyệt đã hoàn thành lại xảy ra tình trạng người dân tị nạnh, khiếu kiện liên miên. Thậm chí anh chị em ruột, người trong họ tộc còn khiếu kiện nhau nói gì đến người ngoài” - ông Ngọc nói.

Câu chuyện ở Cự Khê và Thanh Mai đến tận bây giờ vẫn rối như mớ bòng bong. Chỉ vì một vài việc thiếu công tâm từ chính quyền mà đến nay hàng chục hộ dân vẫn phải gánh chịu thiệt thòi. Hậu quả để lại chắc chắn sẽ còn nhiều “biến chứng” và chưa biết đến bao giờ mới dứt điểm.