Địa phương áp dụng chính sách phòng, chống dịch khắt khe, doanh nghiệp gặp khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương áp dụng biện pháp kiểm dịch, phòng bệnh nhưng các quy định này lại gây ra một số khó khăn nhất định cho doanh nghiệp. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Người dân phải tuân thủ các quy định phòng dịch Covid-19

Người dân phải tuân thủ các quy định phòng dịch Covid-19

Đầu tháng 6- 2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh phía Nam nên một số địa phương áp dụng chính sách phòng dịch khá nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo phản ánh của doanh nghiệp ngành nhôm có trụ sở tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai về việc cách ly 21 ngày đối với người về từ TP HCM gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi hơn 50% cán bộ quản lý của công ty này sinh sống tại TP HCM, hằng ngày đi làm tại Đồng Nai.

Tương tự, doanh nghiệp ngành gỗ cũng cho biết, doanh nghiệp tại TP HCM muốn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài qua cảng Cái Mép thì cần qua địa phận tỉnh Đồng Nai. Trong trường hợp này, doanh nghiệp chưa biết phải xử lý ra sao?

Trước phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 6196/UBND-KGVX về việc thực hiện các biện pháp trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai cho phép chuyên gia, công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp đi xe đưa đón đăng ký danh sách, thực hiện 5K và đăng ký cụ thể với công an tỉnh Đồng Nai.

Trường hợp các chuyên gia, người lao động đi xe riêng thì thực hiện các biện pháp kiểm dịch đầy đủ theo quy định.

Tuy nhiên, đối với hàng hóa qua địa phận tỉnh Đồng Nai lại chưa có hướng dẫn.

Ngày 9-6, theo phản ánh của một doanh nghiệp ngành dệt may, các quy định kiểm dịch phòng bệnh của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng gây khó khăn cho việc chở hàng là chỉ may của doanh nghiệp từ tỉnh Long An.

Việc quy định thử Covid-19 đối với lái xe gây tốn kém thêm chi phí và hiện lái xe chở hàng khá hiếm, nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất. Mặt khác, phía doanh nghiệp cũng cho biết việc tìm kiếm lái xe hiện tại khá khó khăn.

Tại các tỉnh miền Bắc như: Bắc Giang, Bắc Ninh… mặc dù việc vận chuyển hàng hóa, nông sản được hỗ trợ rất nhiều song có nhiều thời điểm, ách tắc vẫn xảy ra do công tác kiểm dịch.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng, trong bối cảnh dịch bùng phát, mỗi địa phương đều xây dựng các kịch bản chống dịch để đảm bảo sự an toàn cho địa phương mình nhưng từ đợt dịch lần 2 tới lần 4 này, rất nhiều các quyết sách của các địa phương lại tạo nên tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gián đoạn chuỗi liên kết sản xuất hoặc các chuỗi xuất khẩu.

“Để hạn chế tối đa tình trạng trên, chúng tôi cho rằng bên cạnh các kịch bản y tế cho con người thì phải có thêm các kịch bản cụ thể đảm bảo duy trì các chuỗi cung ứng/sản xuất, đặc biệt các chuỗi gắn với các mặt hàng thiết yếu hay các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ đạo.

Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ GTVT và các tỉnh nằm trong các chuỗi liên kết hàng hóa lớn xây dựng sẵn các phương án lưu thông hàng hóa, các tuyến đường dự phòng cho vận chuyển hàng hóa khi dịch bệnh xảy ra.

Việc này thời gian qua vẫn là tự thân các doanh nghiệp phải ứng phó nên rất lúng túng, trong bối cảnh mệnh lệnh và yêu cầu hành chính các địa phương còn rất khác nhau”- đại diện Ban IV nói.

Trước đó, sau khi nghe phản ánh của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 789/CĐ-TTg gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế thực hiện "mục tiêu kép".