Đi xuất khẩu lao động để… tái nghèo

ANTĐ - Câu chuyện bi hài này xảy ra với chị Nông Thị Thắm, một hộ gia đình nghèo đồng bào dân tộc Tày ở xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Điều trớ trêu là, những người “giúp” chị tái nghèo lại chính là những người trước đó đã cao giọng cho rằng, họ đưa chị đi XKLĐ để những người như chị có cơ hội thay đổi cuộc đời.

Trụ sở Công ty Lan Việt do bà Lan làm Giám đốc

Nghèo lại hoàn nghèo

Nói về hoàn cảnh khó khăn thì ở địa phương, gia đình chị Thắm thuộc diện nghèo kinh niên. Quanh năm quần quật bán mặt cho đất, nhưng chưa bao giờ chị Thắm có nổi 1 triệu đồng trong nhà. Thế nên, đầu năm 2011, khi nghe Hội phụ nữ xã thông báo: Có công ty Cổ phần cung ứng nhân lực và Thương mại VietCom (VietCom Human) ở Hà Nội về tuyển người đi làm việc tại Cộng hòa Síp, chị cùng nhiều phụ nữ nghèo khác mừng rỡ vô cùng. Giấc mơ sang xứ người làm việc để giúp đỡ gia đình càng nhân lên khi có nhiều lời hứa được đưa ra như: Thời hạn làm việc 4 năm, lương 450 euro/tháng, chi phí đi được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi. 

Thấy vậy chị Thắm về bàn với gia đình rồi sau đó nộp hồ sơ xin đi XKLĐ. Nhận giấy báo trúng tuyển, chị Thắm về Hà Nội học ngoại ngữ và lo các thủ tục cần thiết khác. Giữa chị Thắm và VietCom Human đã ký hợp đồng số 08/2011/HĐ-VVNH/VietComHuman. Điều khoản chung trong hợp đồng là chị Thắm sẽ làm công nhân trang trại, thời hạn 4 năm, lương 450 euro/tháng, ngày làm việc từ 6 đến 10 tiếng, làm 6 ngày/tuần, làm thêm sẽ thêm lương. Tổng chi phí cho chuyến đi (theo hợp đồng) hết 117 triệu đồng. Người đại diện Công ty VietCom Human ký hợp đồng với chị Thắm là ông Tổng Giám đốc Lê Văn Quyền. Chị Thắm cho biết, ông Quyền là người ký hợp đồng nhưng trên thực tế mọi thủ tục để chị Thắm xuất ngoại đều do bà Đỗ Thị Phương Lan, Giám đốc chi nhánh của VietCom Human lo liệu. Và số tiền trên hợp đồng là 117 triệu đồng nhưng những chi phí thực tế lên đến gần 150 triệu đồng.

Mọi việc diễn ra trôi chảy cho đến ngày 18-10-2011, chị Thắm bay sang Cộng hòa Síp và được nhận việc ngay. Tuy nhiên, so với những gì người ta hứa hẹn thì điều kiện lao động ở đây lại là một trời một vực. Dù là phụ nữ nhưng chị phải lao động 12h/ ngày với mức lương chỉ là 380 euro/tháng. Dù vậy nhưng chị vẫn chấp nhận. 10 tháng sau, ngày 23-8-2012 chị Thắm bất ngờ bị chủ sử dụng yêu cầu phải về nước. Tại sân bay, cảnh sát cho chị Thắm hay, nguyên nhân chị bị trục xuất về nước là người ta đã đưa chị sang lao động tại Síp bằng visa du lịch có thời hạn 7 tháng. Như vậy, chị Thắm đã quá hạn đến 3 tháng. Sau 15 ngày “tạm trú” ở đồn cảnh sát, chị Thắm đã phải về nước trước thời hạn hợp đồng với món nợ khổng lồ treo lơ lửng trên đầu. 

Trách nhiệm chạy vòng quanh

Tường trình với phóng viên An ninh Thủ đô, chị Thắm cho biết: “Sau khi về Việt Nam, tôi đã đến gặp bà Đỗ Thị Phương Lan, thế nhưng đáp lại, bà Lan trả lời: Chị không phải trình bày nhiều, bây giờ công ty sẽ thông cảm và hỗ trợ chị 7 triệu đồng. Nếu đồng ý thì ký nhận tiền để thanh lý hợp đồng”. Nghe vậy chị Thắm chết điếng, rõ ràng hợp đồng của chị vẫn còn hơn 3 năm. Sai sót lại không phải do mình, thế nên chị nhất định không chịu 

Một tuần sau, chị Thắm lại xuống Hà Nội, đến công ty để gặp bà Lan. Lần này bà Lan “nâng” mức bồi thường thêm 1 triệu đồng nữa kèm theo một… cái bẫy: “Do biết gia đình em khó khăn nên công ty sẽ hỗ trợ thêm một triệu nữa, nếu đồng ý thì ký vào biên bản”. Đáng ngờ ở chỗ, biên bản này lại có nội dung: “Lý do phải về nước trước thời hạn là do không đảm đương được công việc” và “Sau khi nhận tiền hỗ trợ xong thì không được kiện tụng, tố cáo công ty”.  Chị Thắm bảo: “Dù em ít học nhưng cũng thấy biên bản quá vô lý. Nếu em nhận 8 triệu ấy thì nghiễm nhiên công ty VietCom Human biến em từ đúng trở thành sai”. Ăn chực nằm chờ mãi mà không “bắt đền” được công ty, cực chẳng đã chị Thắm đành phải tới Báo An ninh Thủ đô cầu cứu.

Một bất ngờ khác là tại buổi làm việc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quyên - Trưởng phòng hành chính của VietCom Human khẳng định: “Chúng tôi đã kiểm tra và chắc chắn công ty không làm thủ tục XKLĐ cũng như thu tiền của lao động nào tên là Nông Thị Thắm”. Thế nhưng khi phóng viên đưa ra tờ hợp đồng do đích thân ông Tổng Giám đốc Lê Văn Quyền ký, bà Quyên mới thừa nhận: “Đây đúng là hợp đồng do công ty ký nhưng là hợp đồng để lao động có điều kiện vay vốn ngân hàng tại địa phương. Sau khi vay được vốn, lao động này có đi hay không, hoặc do đơn vị nào đưa đi thì chúng tôi không biết”. Khi phóng viên đề nghị được làm việc với bà Đỗ Thị Phương Lan, bà Quyên cho hay: “Chị Lan trước đây là Giám đốc trung tâm Đào tạo xuất khẩu lao động số 6 trực thuộc VietCom Human. Nhưng thực tế trung tâm này đã giải thể từ tháng 12-2011 và hiện chị Lan làm ở đâu chúng tôi không biết”.

Như vậy, khi đưa lao động sang Síp làm việc, trung tâm của bà Lan vẫn thuộc quyền quản lý của VietCom Human. Rõ ràng VietCom Human đã ký hợp đồng để chị Thắm vay tiền và sau đó giao cho bà Lan lo các thủ tục để chị Thắm đi lao động nhưng sau đó lại chối rằng “không biết” là rất khó chấp nhận. Khi được chất vấn về trách nhiệm của VietCom Human đối với trường hợp này, bà Quyên cho hay: “Chúng tôi đã liên lạc với chị Lan nhưng rất tiếc là chị ấy đang ở nước ngoài. Chắc chắn công ty sẽ có một buổi làm việc với chị Lan để làm rõ mọi vấn đề”. 

Theo địa chỉ chị Thắm cung cấp, Phóng viên An ninh Thủ đô đã đến trụ sở công ty (số 4, ngõ 12, đường 800A, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy) thì công ty này hiện có tên là Công ty cổ phần Thương Mại và Du lịch Lan Việt. Một nhân viên của công ty cho biết, Giám đốc Lan đang ở nước ngoài. Hiện không có ai có trách nhiệm để trả lời về vấn đề này. Không biết, ngoài chị Thắm, sẽ có bao nhiêu lao động khác cũng đã bị đưa “lậu” ra nước ngoài như trường hợp trên? Chúng tôi sẽ tiếp tục vấn đề này khi có thông tin mới nhất.