Di vật bị “phơi”, có ngày biến mất

ANTĐ - Ảnh hưởng của môi trường đối với Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học (diễn ra từ 26 đến 28-11 tại Hà Nội). 

Hiện trạng Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng thành Thăng Long

Với diện tích khai quật lên tới hơn 19.000m2, đây là quy mô khai quật khảo cổ học lớn nhất ở Việt Nam và cũng vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á. Tại đây đang lưu giữ một phức hợp di tích phong phú bao gồm các loại di tích khảo cổ học dưới lòng đất cùng các công trình kiến trúc trên mặt đất. Có thể nói, gần như đây là một “bộ lịch sử sống” chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long - Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay. Thế nhưng, theo nhận định của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, công tác bảo vệ hiện nay đối với khu vực này còn nhiều bất cập. Những phương pháp đang áp dụng không thực sự hạn chế được sự tác động của môi trường đối với những hiện vật, di vật lịch sử tại đây.

Trước những dẫn chứng và nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của môi trường đối với Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, các nhà khoa học đang chỉ ra sự cấp thiết phải có ngay những biện pháp bảo vệ. Theo TS. Lại Văn Tới - Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, phương pháp che phủ bạt hiện nay mặc dù tạm thời giữ ẩm cho di tích nhưng không hoàn toàn ngăn chặn được các hiện tượng rêu mốc và xuất hiện muối bề mặt. Bên cạnh đó, phương pháp xử lý rêu mốc bằng cách dùng nạo để nạo phần đất bề mặt chứa rêu không phải là một biện pháp tối ưu, mà chỉ là áp dụng tạm thời khi chưa có biện pháp xử lý, vì lâu dài nếu tiếp tục dùng phương pháp này bề mặt di tích sẽ bị mất đi ngày càng nhiều lớp đất ảnh hưởng đến công tác bảo tồn. Các nhà khoa học đã kiến nghị dùng phương pháp phun thuốc bề mặt để bảo vệ di tích mà tính hiệu quả lại cao. 

và hình ảnh lúc mới khai quật

Về việc bảo quản các di vật gỗ ngoài di tích (dấu vết các cột gỗ còn lại), một số nhà khoa học đã nêu ra những hiện tượng co ngót, biến dạng của những di vật này. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, cần được xử lý kịp thời bởi di vật gỗ khi đã xảy ra hiện tượng co ngót và biến dạng, dù có bảo tồn thế nào thì cũng rất khó để có thể mang lại hình dáng ban đầu được. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn chưa thực sự để ý đến. Sẽ rất khó khăn cho những người làm công tác bảo tồn, tôn tạo di tích nếu không có các biện pháp duy trì độ ẩm cho các di vật gỗ này. Cũng trong hội thảo, nhiều ý kiến bức thiết về việc phải ngay lập tức xây dựng các mái che bằng tôn lạnh thay cho mái che bằng nhựa đã được nêu ra nhằm hạn chế nguy cơ bốc hơi nước bề mặt nhanh gây hiện tượng sa mạc hóa và muối hóa… trên bề mặt di tích. 

Từ những nghiên cứu đánh giá của các nhà khoa học, có thể thấy, khu Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đang phải đối mặt với những nguy cơ tiềm tàng, ảnh hưởng to lớn đến bản thân di tích. Mặc dù đã có những phương án bảo vệ, đồng thời nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền nhưng khu di tích vẫn phải đối mặt với tác động từ sự biến đổi khí hậu khó lường. Nếu không có những biện pháp kịp thời và hữu hiệu chỉ trong thời gian ngắn nhiều di vật tại đây sẽ bị biến dạng thậm chí biến mất.