Dị ứng với hương thơm nhân tạo

ANTĐ - Nước xả làm mềm vải có thể giữ được mùi thơm cả tháng trời là điều dường như ngoài sức tưởng tượng nhưng hiện đã có bán trên thị trường. Tuy nhiên với nhiều người, mùi hương quá thơm từ quần áo mới giặt khiến họ buồn nôn, gặp các vấn đề về đường hô hấp, thậm chí còn hoa mắt, chóng mặt.

Trang phục mỗi khi ra đường của bà Yuko Ozawa - người bị dị ứng với mùi nước xả vải 

Ngất vì… thơm

Với bà Yuko Ozawa, nữ giáo viên nghỉ hưu ở thành phố Gifu, miền Trung Nhật Bản, đâu đâu cũng ngửi thấy chất làm mềm vải siêu thơm khiến cuộc sống của bà như địa ngục. Mỗi khi hít phải hương thơm nhân tạo, kể cả hương thơm từ quần áo, dầu gội, mỹ phẩm hay nước hoa, bà Yuko Ozawa lại chóng mặt, khó thở, nên ra đường bà thường đeo chiếc mặt nạ khí để phòng ngừa. “Bọn trẻ nhìn thấy thì khóc thét lên hoặc nhìn chằm chằm vào tôi”, người đã 2 lần ngất đi khi đi ngang qua một phụ nữ ăn mặc thời trang, người thơm nức cho biết. Ngoài cửa nhà bà có biển báo không tiếp khách nếu có “mùi thơm quá mạnh”. 

Bà Ozawa là một trong số trường hợp bị buồn nôn và xuất hiện các triệu chứng bất thường khác khi tiếp xúc với chất làm mềm vải siêu thơm. Cô giáo về hưu Ozawa giờ đây phải tránh xa nhà hát, khách sạn, cửa hàng bách hóa , xe buýt , xe lửa… Dù được mệnh danh là “quá nhạy cảm” nhưng phụ nữ này đã thành công trong việc vận động Hội đồng thành phố đưa ra khuyến cáo công dân hạn chế sử dụng nước thơm, bởi “những mùi quá mạnh đó có thể gây ra dị ứng và cơn hen suyễn đối với những người nhạy cảm”. Nhiều thành phố khác cũng đưa ra khuyến cáo tương tự. 

Cuộc chiến bảo vệ khứu giác

Trong khi các sản phẩm có mùi thơm ngày càng phổ biến thì tại Nhật Bản hiện nay, phong trào chống lại việc lạm dụng các sản phẩm này cũng tăng lên mạnh mẽ. Một số tổ chức ở Nhật Bản đã gọi chúng là “ôn dịch” hay “chất ô nhiễm công nghiệp”…  Đầu mùa hè năm 2013, Bộ Môi trường Nhật Bản khuyến khích phụ nữ sử dụng nước xả vải, nhưng do phản ứng quyết liệt từ những người chống lại các sản phẩm có mùi thơm nhân tạo này mà Bộ này phải rút lại, chỉ gợi ý người tiêu dùng “làm mới cơ thể bằng những thực phẩm và đồ uống mát mẻ”.

 Trong năm qua, các cuộc gọi đến đường dây nóng của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng quốc gia Nhật Bản tăng vọt khi phàn nàn rằng mùi thơm của nước làm mềm vải và nước hoa gây ra triệu chứng từ đau đầu đến buồn nôn, rằng họ chỉ muốn được hít thở không khí bình thường. Cơ quan này đã tiến hành xét nghiệm để phát hiện liệu chúng có nguy hiểm cho sức khỏe hay không. Hiện chưa có kết luận cuối cùng nhưng tháng 9-2013, cơ quan này cảnh báo nếu quá lạm dụng nước làm mềm vải, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến chính khứu giác của người mặc và “hãy nhớ rằng với bạn là thơm nhưng người khác lại cảm thấy khó chịu”.

Một phát ngôn viên của Hiệp hội Xà phòng và bột giặt Nhật Bản cho biết, họ có thể yêu cầu các nhà sản xuất giảm lượng chất thơm trong mỗi sản phẩm. Cũng có doanh nghiệp đưa ra sáng kiến sẽ đính kèm khuyến cáo trên sản phẩm chất làm mềm của họ với nội dung:  “Xin vui lòng tuân thủ khuyến cáo để không ảnh hưởng đến người khác”. Người phát ngôn chi nhánh tập đoàn P&G của Mỹ, doanh nghiệp sở hữu một trong những nhãn hàng xả vải được tiêu thụ mạnh nhất Nhật Bản từ chối bình luận về vấn đề nhạy cảm này.