Dị ứng thực phẩm ở trẻ và cách xử trí chống sốc phản vệ

ANTD.VN - Với thể nhẹ, dị ứng thực phẩm có thể gây mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa, thế nhưng cũng có trẻ bị giảm huyết áp, khó thở, sốc phản vệ, thậm chí là tử vong sau đó.

Thức ăn mà trẻ bị dị ứng thường là tôm, cua, cá, lạc, đậu nành, trứng...

Dị ứng thực phẩm là hiện tượng xảy ra khá nhiều ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Với các diễn biến khó lường, tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Thậm chí, nếu cấp cứu không kịp, trẻ còn có thể bị thiệt mạng do sốc phản vệ. 

Khó phán đoán nguyên nhân

Về bản chất, dị ứng thực phẩm là hiện tượng cơ thể phản ứng lại một số chất có trong thức ăn. Theo đó, cơ thể trẻ nhận biết các chất này như một tác nhân gây bệnh, gây ra các phản ứng trên cơ thể để cảnh báo cho chúng ta biết. Các phản ứng này có thể xảy ra chỉ sau vài phút, nhưng đôi khi là vài tiếng sau khi ăn khiến quá trình phán đoán nguyên nhân trở nên phức tạp hơn.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, phát hiện ra trẻ có bị dị ứng hay không là vấn đề khá nan giải, nhất là khi biểu hiện ở mỗi bé lại khác nhau. Nhẹ thì có thể chỉ là nổi ban, mẩn ngứa, nặng hơn là buồn nôn, nôn, ngứa dữ dội. Trẻ có thể bị khó thở, huyết áp giảm, sốc phản vệ, thậm chí là tử vong sau đó…  

“Phát hiện ra trẻ có bị dị ứng hay không là vấn đề khá nan giải, nhất là khi biểu hiện ở mỗi bé lại khác nhau. Nhẹ thì có thể chỉ là nổi ban, mẩn ngứa, nặng hơn là buồn nôn, nôn, ngứa dữ dội. Trẻ có thể bị khó thở, huyết áp giảm, sốc phản vệ, thậm chí là tử vong sau đó”. 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) 

Các thống kê cho thấy có 80% trẻ bị dị ứng có biểu hiện ở da, 20% có biểu hiện triệu chứng đường hô hấp (thở co kéo, khò khè…), 20% có biểu hiện ở hệ tiêu hóa, các triệu chứng khác chỉ chiếm vài phần trăm. Về tỷ lệ trẻ bị dị ứng, báo cáo tại các bệnh viện chỉ ra rằng có đến 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn. Tỷ lệ này còn lên tới 50-80% ở những trẻ có cả bố và mẹ có tiền sử dị ứng thức ăn. Thậm chí ở những trẻ cha mẹ không hề bị dị ứng, thì tỉ lệ trẻ bị dị ứng cũng là 5-15%.

Các thức ăn mà trẻ bị dị ứng thường là tôm, cua, cá, lạc, đậu nành, trứng... Bên cạnh đó, nếu bố mẹ bị dị ứng, chúng ta cũng có thể dựa vào danh sách các thực phẩm đó để phòng tránh cho trẻ. Ngoài ra, các thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, xúc xích, các loại đồ hộp… thường chứa nhiều chất phụ gia có thể gây dị ứng cho trẻ. 

Cân bằng, đa dạng các loại thực phẩm cho trẻ

Cũng bởi dị ứng với thực phẩm ở trẻ có thể xảy ra vài phút sau ăn, nhưng cũng có thể là vài giờ sau đó, thế nên, nếu thấy những bất thường ở cơ thể trẻ, đặc biệt là những trẻ chưa biết nói, ta cần nghĩ ngay đến dị ứng thực phẩm và chú ý theo dõi sát sao các biểu hiện cũng như cho trẻ đến ngay bệnh viện khi các bất thường có dấu hiệu gia tăng. Trong trường hợp này, nếu lơ là, chủ quan bỏ qua các dấu hiệu, trẻ dễ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Lê Trọng Hưng cho biết, nếu nghi ngờ con dị ứng với thực phẩm, khi cho bé ăn vào lần sau, bạn nên cho một lượng nhỏ, ít một để dò phản ứng. Đây cũng là cách giúp cơ thể trẻ thích nghi dần với những loại thức ăn gây dị ứng. Thực tế, dị ứng thực phẩm có khi sẽ xảy ra trong suốt cuộc đời trẻ, nhưng đa phần, nó sẽ tự hết khi trẻ trưởng thành, khi hệ miễn dịch và đường tiêu hóa phát triển hoàn thiện hơn. Các số liệu điều tra chỉ ra rằng có 85% trẻ em dung nạp được với trứng sau 3-5 năm và khoảng 50% trẻ hết các phản ứng dị ứng ở độ tuổi 8-12 tuổi.

Những đứa trẻ này tiếp tục sẽ hết dị ứng thức ăn khi lớn lên. Điều đó có nghĩa là, dù trẻ bị dị ứng thực phẩm, thế nhưng, chúng ta vẫn nên cho trẻ tiếp tục ăn loại thực phẩm đó nhưng với liều lượng ít hơn để cơ thể trẻ làm quen. Hơn nữa, khi đi học, nếu quá kén thức ăn, trẻ sẽ khó hòa nhập với môi trường. Và điều quan trọng nữa là, để cơ thể có thể phát triển toàn diện, cơ thể trẻ cần một chế độ ăn cân bằng, đa dạng các loại thực phẩm.