Chất chứa sau bức tường vôi xám (2)

Đi tù vì bị cúng “bùa chài”

ANTĐ - Trong số hàng nghìn phạm nhân hiện đang phải thụ án ở Trại giam Hồng Ca thì Tẩn Chín Quan là một trong số ít phạm nhân gây sự chú ý đặc biệt. Bởi tội ác gã gây ra không chỉ man rợ mà còn chất chứa khá nhiều tình tiết ly kỳ và huyễn hoặc.

Tội ác Quan gây ra chỉ vì quá mê tín, quá tin vào bùa ngài

(Ảnh minh họa)

“Thay” vợ như thay áo…

Nằm trong “biên chế” của đội 4, phân trại 1, Tẩn Chín Quan (SN 1976) đến từ thôn Tà Lé, xã Nậm Pung, Bát Xát, Lào Cai. Ngày 12-5-2010, Quan bị TAND tỉnh Lào Cai xử phạt 20 năm tù về tội “Giết người”. Đau đớn và oái oăm, nạn nhân dưới tay Quan lại chính là đứa con gái bé bỏng vừa tròn 12 tháng tuổi của gã. “Được” cái nắng, cái gió vùng Tây Bắc “tôi luyện” nên mặt mũi Quan đen bóng, thân hình săn chắc. Gã tỏ ra khá giảo hoạt, nhanh nhẹn và nói chuyện bằng tiếng Kinh rất lưu loát.

Trước khi gặp phạm nhân này, chúng tôi chỉ biết Quan giết con đẻ vì một động cơ rất vớ vẩn, điên rồ. Vậy nhưng khi được nghe kể lại quãng đời trước đây của gã mới thấy dường như nếp sống, nếp nghĩ của đồng bào dân tộc người Dao ở vùng núi Tây Bắc vẫn chưa có sự đổi thay nhiều. Đầu năm 2000, Quan đem lòng yêu thương cô gái tên Lò Tà Mẩy, ở xã Bản Xèo bên cạnh. Ngay khi cưới xong, Quan gửi lại mẹ già và đám nương rẫy cho người vợ trẻ trông nom để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hai năm sau, Quan trở lại bản Tà Lé với niềm vui khôn xiết vì người vợ ở nhà đã sinh cho gã một thằng “cu con”. Thế nhưng niềm vui ấy vừa lóe lên đã lại tắt ngấm. Không chỉ có mẹ Quan mà hầu hết những người dân trong bản đều biết rõ vợ gã ở nhà không chịu đựng được nỗi cô quạnh nên thường hay “vào rừng” với một số người đàn ông trong xã. Lò Tà Mẩy thú nhận chuyện “ăn cơm” của nhà khác, Quan tức tối bỏ vợ ngay. 

Tẩn Chín Quan bảo rằng đã bao đời trôi qua, nhưng người Dao vẫn chưa bỏ được lối “sống thoáng” trong hôn nhân và quan hệ giữa đàn ông, đàn bà. Cũng chính vì lẽ đó mà ngay năm ấy gã sang tận Lai Châu để “bắt về” một cô vợ khác, Tẩn San Mẩy theo mối lái của người thân. Vậy nhưng Quan cũng chỉ ăn ở với người vợ thứ hai này trong vòng 3 năm thì Tẩn San Mẩy lại ôm con quay về quê cũ. Theo Quan bảo thì Tẩn San Mẩy rất lười biếng nên gã không chịu đựng được. Năm 2005, Quan lại tìm đến xã Lù, cùng huyện Bát Xát “sắm” cô vợ kế. Người vợ thứ ba của gã tên Chảo Sử Mẩy cũng rất xinh xắn. Một hôm, cô vợ của Quan nói đi bẻ bắp thuê cho người ta. Đến tận nửa đêm Chảo Sử Mẩy mới mò về nhà trong trạng thái rượu say túy lúy. Bực tức gã hỏi tiền công đâu rồi? Chảo Sử Mẩy vừa xòe tờ tiền 5.000 đồng ra cho chồng xem liền bị Quan “tặng” cho cái bợp tai. Không chịu “dưới phân”, cô vợ thứ ba của gã chộp lấy cây gậy và lao vào “chiến đấu” với chồng. Chừng nửa tháng sau, Quan có việc sang Lai Châu, người vợ thứ ba của gã đã lẳng lặng gói ghém quần áo rời khỏi nhà chồng. 

Và rồi tháng 9-2006, khi những ngọn lúa cuối cùng trên nương được gặt về thì cô vợ thứ tư tên Chảo San Mẩy, ở xã Bản Khoan, huyện Sa Pa cũng chấp nhận theo Quan về làm dâu. Quan lý giải cái thế hệ từ gã trở về trước chẳng mấy ai lấy vợ lại đến xã đăng ký kết hôn. Điều quan trọng là phải mổ thật nhiều lợn, nhiều gà để đãi dân làng. Lặng im giây lát, gã thốt lên: “Chính vì con Chảo San Mẩy nên tôi mới phải vào tù”.  

Tẩn Chín Quan tại Trại giam Hồng Ca

Đập chết con vì bị cúng ma

Quan nói về các sự kiện “quá vãng” của mình như thể kể về câu chuyện của một người khác. Có lẽ Quan là người dân tộc thiểu số và học chưa hết lớp 5 nên nhận thức của gã về pháp luật, về giá trị nhân bản của mỗi con người và tình phụ tử rất hạn chế.  

 Thật như đếm, gã bảo: “Trước hôm giết hại con gái Tẩn Lở Mẩy, tự nhiên tôi cứ nghe thấy có nhiều người hò hét bên tai rằng “Chiều nay mày phải đi xa rồi. Mày mang con mày đi theo luôn”. Nhưng nhìn ra thì chẳng thấy ai, đưa tay quờ quạng xung quanh cũng chẳng thấy gì”. Theo gã thì đó chính là biểu hiện của một người sắp phải chết, một người đang bị “con ma rừng” về lấy mạng. Chiều hôm ấy, Quan kiếm cả lít rượu uống nhằm quên đi nỗi sợ hãi. Thế nhưng đến đêm nằm ngủ, gã lại thấy những tiếng hò hét hồi chiều xuất hiện. Sáng hôm sau tỉnh dậy, cứ gặp ai đi qua nhà là gã lại gọi vào bảo: “Tao sắp chết rồi! Anh em ở lại mạnh giỏi nhé”. Biết Quan đang bị “con ma” rừng vây bắt, trưa 20-12-2009, Tẩn Chỉn Heng (anh họ Quan ở cùng thôn) vội làm cơm rượu mời gã sang ăn uống. Tẩn Chỉn Quan nhớ lại: “Hôm ấy, uống rượu mà miệng cay xè, không nuốt nổi. Tôi uống chưa hết hai chén thì bỏ dở. Đúng lúc ấy thì Chảo San Mẩy bế đứa con nhỏ sang gọi chồng về.

Tại căn bếp nhà Quan, sau khi bé Tẩn Lở Mẩy no sữa mẹ đã nhoài người bám bố. Vợ Quan chuyền tay, gã cũng vội vàng đón lấy. Đúng lúc những tiếng hò hét “đòi mạng” bên tai Quan lại ập đến và lần này rất dữ dội. Mắt gã bỗng dưng tối sầm lại. Sau tiếng ú ù kêu lên, Quan liền cầm 2 chân con đưa lên ngang vai, rồi đập đầu bé gái này xuống nền bếp. Phát thứ nhất, phát thứ hai, rồi… sau phát thứ sáu, gã mới chịu đặt xác đứa con bé bỏng xuống đất. Gã chạy lên nhà lấy tấm chăn quấn chặt xác con và sau đó cứ ngồi bó gối ở cạnh cho đến khi công an ập đến bắt giữ. Lúc bị “ma rừng” sai khiến giết hại con, vợ Quan cùng một người phụ nữ hàng xóm đang ngồi cạnh, nhưng khi thấy gã kêu lên ú ù thì co cẳng bỏ chạy. Mẹ Quan cũng ngồi gần đấy, song sức già của bà không thể ngăn được thằng con đập chết đứa cháu nội đáng thương.                              

Không chỉ những ngày tháng ở trại mà ngay sau khi bị bắt, Quan đã tự xâu chuỗi các sự kiện để lý giải động cơ giết con gái mang màu sắc rất dị đoan. Vợ gã không hợp với mẹ chồng nên hai người thường xuyên cãi vã nhau. Trước ngày gây án không lâu, bố mẹ vợ Quan sang nhà đòi cất cho Chảo San Mẩy một cái chòi trên nương để ở riêng. Quan không đồng ý, khiến bố mẹ vợ tức tối. Ít lâu sau Quan sang nhà vợ ăn cỗ cưới người họ hàng thì bị ai đó lén cắt lấy một mảnh vải bằng bao thuốc trên chiếc áo người Dao truyền thống. Theo Quan thì chính người cắt trộm mảnh áo kia đã nhờ thầy cúng cúng “bùa chài” để “con ma rừng” đến lấy mạng gã. Khi được hỏi, cứ cho là “con ma rừng” muốn lấy mạng anh thì sao anh lại nỡ giết chết con mình, Quan ngập ngừng: “Trước đó, vợ tôi đòi bế đứa lớn bỏ đi, để lại đứa nhỏ cho tôi nuôi. Nó còn đang bú sữa thì sao tôi nuôi được. Tôi chết rồi thì nó cũng sẽ chết thôi…”. Chúng tôi hỏi tiếp, sao giờ “con ma rừng” không đến bắt anh nữa, gã nhoẻn miệng cười và bảo: “Chắc nó sợ cán bộ trại giam”.

(Còn nữa)