Đi từ bức xúc của dân

ANTĐ - Thảo luận xoay quanh Báo cáo Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ ra các hình thức lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) tại các bệnh viện ngày càng tinh vi, khó phát hiện và kiểm soát nhưng chưa có biện pháp và công cụ hiệu quả. Bệnh nhân có thẻ bảo hiểm bị phân biệt đối xử, chỉ được hưởng những dịch vụ cơ bản, y đức chưa được cải thiện, khiến người dân không mặn mà tham gia bảo hiểm. 

Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên được Chủ nhiệm Ủy ban này “mổ xẻ” là đa số các bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, mở rộng xã hội hóa, sử dụng nhiều thiết bị kỹ thuật y tế theo mô hình trả góp, dành 5-10% số giường làm dịch vụ để thu phí cao. Tuy đạt được nhiều thành quả, song xã hội hóa khâu khám chữa bệnh đã hình thành hai chế độ trong một bệnh viện Nhà nước. Bệnh nhân BHYT phải nằm ghép 2-3 người 1 giường; bệnh nhân theo yêu cầu thì được nằm phòng riêng, có điều hòa với đầy đủ thiết bị và được phục vụ “nhiệt tình”, chu đáo. Phản ánh bức xúc của cử tri, một số ủy viên các ủy ban của Quốc hội cho biết, người dân đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm mà không có tiền thì không được đối xử công bằng như người không có thẻ nhưng sẵn tiền. Khám chữa qua loa, được cấp toàn thuốc rẻ tiền, thậm chí tiêm thuốc cũng bị đau hơn.

Còn một thực trạng phổ biến là bệnh viện tuyến huyện không chịu chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh dù bệnh rất nặng. Lý do là nếu chuyển thì BHYT cũng phải “chạy” lên theo. Tuyến nào cũng muốn giữ rịt bệnh nhân lại để còn thanh toán tiền bảo hiểm dẫn đến bệnh thêm trầm trọng. Phó Chủ tịch nước đánh giá Báo cáo Giám sát mới chỉ dừng lại ở mức mô tả tình hình khám chữa bệnh, sử dụng BHYT, chưa chỉ ra được nơi nào làm tốt, nơi nào chưa tốt, nhất là trách nhiệm của bệnh viện, cá nhân.

Do đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị phải chỉ ra những mảng tối trong BHYT. Hiện nay số kết dư quỹ BHYT tới 13.000 tỷ đồng chưa chắc đã là tốt. Bởi, liên quan đến việc chi trả cho người bệnh, mặc dù sửa đổi Luật BHYT nhưng những bất cập nổi cộm vẫn chưa thấy sửa, đa phần người có bảo hiểm đến bệnh viện đều kêu ca. Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật BHYT cần quan tâm tính khả thi của quy định bắt buộc tham gia BHYT. Khi chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc, liệu có chỉnh sửa mức thu và quỹ có an toàn không?

Chia sẻ khó khăn của ngành y tế đi từ những bức xúc của dân, song nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bắt buộc mua BHYT là chưa hợp lý. Ngay cả BHXH bắt buộc còn thu không được, nói gì đến BHYT. Tham gia BHYT là giúp người dân, nhất là bệnh nhân nghèo được hưởng lợi nhiều hơn. Vậy nhưng còn có rất nhiều người dân chưa mặn mà với BHYT.