Đi trên đường 20 Quyết Thắng

ANTĐ - Đường 20 Quyết Thắng. Mới chỉ nghe qua, người nghe không khỏi tò mò bởi cái tên đường có phần kỳ lạ và dữ dội, cũng bởi mỗi mét trên con đường này là mỗi mét xương máu của chiến tranh.

Ngã ba Trạ Ang trên đường 20 Quyết Thắng

Đường 20 - Quyết Thắng bắt đầu từ bản làng Phong Nha xinh đẹp, bên dòng sông Son xanh thẫm một màu rừng núi Trường Sơn. Trải hết chiều dài 123km cắt ngang khu bảo tồn thiên nhiên rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng rồi đi sang nước bạn Lào và dừng lại ở ngã ba Lùm Phùm thuộc tỉnh Khăm Muộn, Lào, đường 20 - Quyết Thắng là tuyến giao thông mang tầm chiến lược trong việc vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Binh đoàn 559, đơn vị xây dựng đã đặt cho con đường cái tên 20 bởi lẽ bộ đội, TNXP, công nhân và dân công ba sẵn sàng đã tham gia mở, xây dựng và bảo vệ con đường này hầu hết đều ở lứa tuổi 20. Đây là con đường huyết mạch phá thế độc đạo, nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn, giành thế chủ động thắng lợi trên mặt trận giao thông - vận tải nên còn có tên gọi: Đường 20 - Quyết Thắng. Cũng bởi vị trí quan trọng mang tầm lịch sử như vậy mà trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứ mỗi mét đường là mỗi mét máu xương của những tuổi 20 mãi mãi nằm lại nơi đây... 

Ngày nay, đi trên đường 20 Quyết Thắng, xen lẫn màu xanh bạt ngàn của núi rừng Trường Sơn, xen lẫn những danh thắng đã trở thành di sản như Phong Nha Kẻ Bàng, động Thiên Đường… thì vẫn còn đó những dấu ấn, di tích chiến tranh, những địa danh lịch sử từng ghi dấu ấn oai hùng… 

Di tích hang Tám Cô

Hang Tám Cô nằm trên km16 của con đường 20 Quyết Thắng huyền thoại ấy, một phần của đường Trường Sơn lịch sử, nơi bom đạn Mỹ đánh phá ngày đêm nhằm chặt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và cũng là nơi lực lượng TNXP đổ máu để giữ cho tuyến đường thông suốt. Ngày 14-11-1972, trước cửa hang Tám Cô, tám anh chị TNXP đang san lấp hố bom để thông đường thì máy bay Mỹ ập đến. Họ vội chạy vào hang để tránh bom. Mỹ đánh bom làm sập cửa hang. Cả tám anh chị đều là người huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cùng lứa tuổi từ 20-25, cùng nhập ngũ ngày 20-6-1971 vào Đại đội thanh niên xung phong 163 đã anh dũng hy sinh. Cái chết bi hùng của các anh, các chị đã làm xúc động lòng người, nhất là đối với lứa tuổi thanh niên. Đồng đội đã dựng bia khắc tên các anh các chị bên một hang đá. Hiện nay, tại khu di tích Hang Tám Cô, miếu thờ tám cô tại đây vẫn còn ghi lại những dấu ấn năm xưa chưa hề phai nhạt, dấu ấn về một lịch sử oai hùng.

Rồi những ngã ba Trạ Ang, ngầm Ta Lê, đèo Pu-La-Nhích, cua chữ A... và còn nhiều nữa những địa danh như thế, mỗi mét đường là mỗi mét xương máu hi sinh để giữ lại trên con đường 20 Quyết Thắng một màu xanh thẳm của núi rừng, của Trường Sơn, của những con người lứa tuổi 20 bất tử.