Đi tìm những đêm nhạc đẳng cấp

ANTĐ - Sát giờ liveshow Bằng Kiều - “Nơi tình yêu bắt đầu” diễn ra giá vé “leo” cao chóng mặt - 14 triệu đồng cho một cặp vé VIP, 4 triệu đồng cho một cặp vé thường. Đêm diễn của ca sĩ Chế Linh tại Hà Nội cuối năm 2011 giá vé cũng chỉ thấp hơn so với Bằng Kiều một chút. Cho dù các ca sĩ chỉ mang đến cho khán giả toàn “chuyện cũ”, nhưng 3.800 chỗ ngồi của Trung tâm Hội nghị Quốc gia không còn một chỗ trống. 
Có nhiều lý giải được đưa ra, đa phần đổ cho thị hiếu, nhưng cũng có người bảo, đó là do chúng ta quá thiếu những đêm nhạc đẳng cấp mà thôi.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn đệm đàn cho “ca sĩ” Nguyễn Cường

Ranh giới giữa đỉnh cao và chiêu trò

Đêm Bằng Kiều trở về hát ở Hà Nội, không khí hồ hởi, phấn khởi của ca khúc mở màn qua đi, nhiều khán giả ngồi dưới bắt đầu tỏ ra sốt ruột khi đợi mãi vẫn thấy một Bằng Kiều… không khác gì 10 năm trước. Nhiều người xem xong bảo: “Chưa mãn nhãn, mãn nhĩ”.  Sau liveshow, có trang báo mạng thống kê, người Anh sống ở đất nước có nền kinh tế mạnh nhất, nhì châu Âu, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 (theo công bố của Ủy ban châu Âu) là 35.860 USD, nhưng lại tỏ ra phẫn nộ khi giá vé xem chương trình biểu diễn của ban nhạc huyền thoại The Rolling Stones được đưa ra là 375 bảng Anh/cặp vé (tương đương hơn 600 USD). Trong khi đó, người Việt Nam thu nhập đầu người chỉ khoảng hơn 1.000 USD/người/năm lại dám bỏ ra gần nghìn USD để được gặp thần tượng một thời. 

Sau sự kiện giá vé khủng của những đêm nhạc Chế Linh, Bằng Kiều, nhiều người cho rằng, sở dĩ giá vé bị đẩy đến mức đó là do ta thiếu những đêm nhạc đẳng cấp, được tổ chức thường xuyên. Khán giả lâu lâu mới được ăn một món lạ. Mà phàm cái gì lạ chả ngon. Nhìn đi nhìn lại, thì đúng thế thật. Những đêm nhạc được xếp hạng đẳng cấp diễn ra mỗi năm một lần “điểm danh” có: Đêm nhạc Hennessy, Hòa nhạc Toyota. Tất thảy đều của nước ngoài nhưng lại cũng chỉ phục vụ những người có gu âm nhạc nhất định, không đưa ra biểu diễn đại trà được.

Theo nhạc sĩ Bảo Chấn: “Âm nhạc hiện nay vẫn nặng về phần nhìn nhiều hơn phần nghe. Thích hoành tráng, thích chiêu trò. Chúng ta đang loay hoay giữa đỉnh cao và chiêu trò. Thực ra, giải trí bằng mắt cũng đúng, vì nó là sân khấu. Chừng nào phần nghe cân xứng với phần nhìn thì mới đáp ứng được đòi hỏi của công chúng”. Trong khi đó, ca khúc hay không nhiều, khán giả vẫn cứ phải đi tìm những giá trị xưa cũ ở dòng nhạc xưa, còn người trẻ thì đến với những cái thức thời, tức là cái dễ nghe, dễ nhớ. 

Nhạc sĩ Giáng Son, ca sĩ Khánh Linh - “cặp đôi” ăn ý trong nghệ thuật

Cần một nền nghệ thuật tử tế

Tháng 4-2011, số đầu tiên của “Không gian âm nhạc” trình làng trong một khán phòng chỉ với 280 chỗ ngồi. Gương mặt khi đó được mời “xông đất” cho chương trình là Tùng Dương và Lê Cát Trọng Lý. Ngay từ đêm nhạc đầu tiên, “Không gian âm nhạc” đã khiến người nghe và xem hài lòng bởi cân bằng được cả hai yếu tố nghệ thuật và thương mại. Đều đặn, mỗi tháng một chương trình, nhưng đến chương trình thứ 11 thì ngừng hoạt động. Nhiều người tiếc cho một chương trình chững chạc, đang vào guồng thì phải dừng bởi nhiều lý do.

Cũng trong đêm 28-10, tại Nhà hát Lớn “Đêm nghệ thuật Viettel” gần như là 4 liveshow thu nhỏ của những cặp đôi ca sỹ - nhạc sỹ nổi tiếng Nguyễn Cường -  Siu Black; Giáng Son - Khánh Linh; Bảo Chấn - Tấn Minh và Ngọc Anh; Lê Minh Sơn - Tùng Dương đã thổi bùng cảm xúc của khán giả. Ban tổ chức không giấu ý định đưa “Đêm nghệ thuật Viettel” trở thành chương trình nghệ thuật thường niên, cạnh tranh cùng những chương trình đẳng cấp vẫn được tổ chức hàng năm. Tổng đạo diễn chương trình- nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng, trong đời sống nghệ thuật hiện nay nhiều sự kiện âm nhạc đỉnh cao lại thuộc về hoạt động thường niên của các thương hiệu (như Hennessy Classic và Hennessy Artistry; Toyota Concert và Toyota Classic…). Cái được của việc làm hình ảnh bằng nghệ thuật không chỉ dành riêng cho thương hiệu ấy mà còn giúp công chúng hưởng lợi bởi có thêm môi trường văn hóa và mặt bằng thẩm mỹ. 

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng bày tỏ mong muốn “Đêm Viettel” sẽ trở thành hoạt động thường niên vì “Nghệ thuật Việt có sự kiêu hãnh và vẻ đẹp của nó, sao chúng ta chỉ vọng ngoại? Tôi rất thích tiêu chí “thuần Việt” mà nhà tổ chức đưa ra: tinh hoa của âm nhạc Việt Nam không liên quan đến những thứ lăng nhăng của giới giải trí”. Còn Nhạc sĩ Bảo Chấn khi đánh giá về đêm nhạc này lại cho rằng : “Hãy cứ làm một cách tử tế, chúng ta sẽ có nghệ thuật tử tế”.