Đi tìm những bàn tay “nâng”…ông Táo chầu Trời

ANTĐ - Mỗi khi gần đến dịp cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp, Âm lịch), mọi người nô nức đi mua cá chép đỏ về nhà để thực hiện nghi lễ truyền thống. Nhưng có mấy ai biết được đằng sau những chú cá khỏe mạnh, quẫy đuôi nổi bọt sóng đó là cả một làng nghề với không ít công phu, vất vả để chăm nuôi “tín vật” cho ông Công, ông Táo chầu trời.

Bén duyên nghề nuôi cá chép đỏ

Cứ vào dịp gần 23 tháng Chạp, bà con làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lại tất bật với việc bắt cá để phục vụ thị trường. Đến làng Thủy Trầm vào những ngày này, thấy công việc sôi nổi, ai ai cũng mải miết thu hoạch cá. Mặc cho thời tiết có rét như kim châm, họ vẫn sẵn sàng ngâm mình trong nước hàng tiếng để bắt cá.

Nghề nuôi cá ở xã Tuy Lộc manh nha từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Dù vậy, xã Tuy Lộc nói chung và làng Thủy Trầm nói riêng có nghề nuôi cá chép thực sự “thăng hoa” như hiện nay thì mọi sự mới bắt đầu từ năm 1986.

Ông Trần Văn Sáu - người đầu tiên mang cá chép đỏ về làng - chia sẻ:  “Tôi vốn là lái buôn giống cá cho cả làng. Tôi vẫn thường xuyên lên Hoài Đức (Hà Nội) để nhập cá về. Thấy nhà chủ có cá đỏ, nhìn nó vừa lạ vừa đẹp nên tôi đã nảy ra ý định xin về nhà nuôi. Phải sau vài lần ngần ngừ, tôi mới dám cất lời xin. Lúc đó, tôi xin bốn con cá chép đỏ đem về, song tới làng, chỉ còn ba con sống sót. Sau một thời gian nuôi thả, gia đình tôi đã có một bầy cá chép đỏ. Từ đó mà cả làng Thủy Trầm mười nhà thì cả mười nhà đều nuôi cá chép đỏ.

Ông Trần Văn Sáu, người nuôi cá chép đầu tiên tại Thủy Trầm

Đến nay, nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm đã trở thành nghề mưu sinh chính của người dân nơi đây. Bước tới cổng làng, một không khí rộn ràng hiện lên trước mắt khách thập phương: Cảnh người cất vó, người gánh cá, người mua kẻ bán với đủ các phương tiện để vận chuyển cá đi toàn miền Bắc.

Hiện tại, Thủy Trầm được chia thành 3 khu hành chính, trong đó có khoảng 400/500 hộ dân nuôi cá chép đỏ và riêng khu 3 có tới 170/224 hộ dân nuôi cá chép đỏ. Mỗi gia đình tại làng có 3 đến 4 ao nuôi cá, trong đó họ dành ít nhất 1 đến 2 ao nuôi cá chép đỏ phuc vụ vào ngày ông Công, ông Táo.

Phóng viên đến thăm gia đình anh Nguyễn Danh Dũng (27 tuổi, khu 3, Thủy Trầm) đúng lúc anh đang bận rộn bắt cá với nét mặt tràn đầy phấn khởi.

Anh cho biết: “Nhà tôi vốn cung cấp các loại cá cho hầu hết các tỉnh phía Bắc, song vẫn dành 2 ao để nuôi cá chép đỏ bởi nó hiệu quả hơn, trồng 8 vụ lúa mới bằng 1 vụ nuôi cá chép đỏ. Tôi trông cá cả năm, chỉ mong tới dịp 23 này nếu không bán nhanh thì công lao coi như đổ xuống sông, xuống biển. Năm nay, riêng 2 ao cá chép đỏ với diện tích 720m2, tôi đã thu được gần 20 triệu đồng. Tôi cũng tự hào vì mình vừa làm giàu kinh tế gia đình, vừa làm đẹp tín ngưỡng cho địa phương”.

Cùng nuôi cá chép đỏ hiệu quả trong làng Thủy Trầm là anh Trần Văn Thắng (47 tuổi). Anh chia sẻ: “Nhà tôi hôm nay vừa bán được 3 tạ cá chép đỏ, với mức giá 100.000 đồng/kg, vậy là thu được 30 triệu đồng, Tôi vui lắm, từ ngày có cái nghề cá này, cả làng ăn nên làm ra”.

Bí quyết để “Tín vật” đến tay khách hàng

Để cá chép đỏ đến tay của khách hàng, người nuôi cá phải có nhiều kinh nghiệm từ việc lựa chọn giống cho tới khâu chăm sóc. Muốn cá chép đỏ được đẹp, đều và khỏe thì người dân phải rất kỹ trong khâu chọn giống. Khi cá đã sinh sản, người dân tát ao, sau đó đưa cá con vào bể chứa rồi tiến hành lọc cá. Mỗi mét vuông, người dân nuôi khoảng 150 con, tương ứng mỗi sào từ 4.000- 5.000 con cá chép đỏ.

Điều đặc biệt là làng Thủy Trầm chỉ mong cá lớn chậm và đều. Do đó, chế độ chăm sóc, thu hoạch cũng phải khác so với các loại cá khác. Những con cá chép con có màu đỏ, nhỏ như hạt ngô sẽ được chọn nuôi từ tháng 6 âm lịch cho tới giáp ngày ông Công, ông Táo thì thu hoạch. Lúc cá còn nhỏ, người dân thường nghiền đỗ tương cho chúng ăn. Tới thời điểm cá lớn, người dân cho cá ăn cám công nghiệp nhưng giảm về số lượng vì mục đích tăng mỡ giúp cá chịu rét tốt hơn.

Cô Trần Thị Duyên kéo vó thu hoạch cá chép đỏ

Muốn vận chuyển cả trăm km mà cá không chết thì phải phụ thuộc vào khâu đánh bắt của người dân địa phương. Cá chép đỏ lúc bắt lên phải cho nhịn ăn từ 1-2 ngày tùy theo quãng đường vận chuyển cá. Bởi nếu cá ăn no trong khi vận chuyển thì sẽ bị chết. Đặc biệt, trước khi đưa cá đi nơi khác, người ta phải dùng túi nilông để đựng cá, sau đó bơm khí oxy cho cá không bị chết ngạt.

Đồng thời, người nuôi sẽ tiến hành đưa cá vào trong các bể chứa nhỏ (lồ ép) nhằm tăng sức dẻo dai cho cá khi tiếp xúc với môi trường khác. Đến dịp thu hoạch, người nuôi thắp đèn trên các bể chứa ở các cánh đồng trong thôn, làm cho làng Thủy Trầm sáng rực như đêm bận rộn trên thành phố.

Khi được hỏi về kinh nghiệm chọn cá, ông Bùi Đình Trữ - trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm - chia sẻ: “Mắt cá phải xanh đen, màu cá đỏ như màu cờ, đỏ đều mà không có đốm đen, độ dài của cá dao dộng từ 6-10 cm, rộng khoảng 3 cm. Kích cỡ cá khoảng 2 ngón tay là đẹp, hay 35-40 con/kg. Tùy theo thị hiếu của khách hàng, có thể lựa chọn cá với kiểu đuôi khác nhau, như cá để cúng thì người ta thường chọn cá đuôi ngắn, còn đuôi dài phục vụ người chơi cá cảnh”. 

Ngày nay, nhu cầu thờ, cúng mỗi dịp ông Công, ông Táo ngày càng nhiều nên hiện các thương lái rất tích cực về tận làng Thủy Trầm để mua cá. Nhiều thương lái ở các nơi như Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội… không quản đường sá xa xôi, lặn lội về tận làng để mua cho được những chú cá chép đỏ đẹp mắt để đưa tới tay người tiêu dùng.