Đi tìm “ngọc” trong di sản

ANTĐ - Nằm trong khu vực Vịnh Hạ Long với hoạt động du lịch vô cùng nhộn nhịp và nổi tiếng nhưng Quan Lạn, Minh Châu - 2 xã đảo thuộc huyện Vân Đồn lại tồn tại như một “viên ngọc thô” trên biển.

Không gian xã đảo yên bình

Đến với 2 xã đảo này, du khách có thể tìm thấy một không gian vô cùng yên bình, bởi nơi đây chưa có sự xâm lấn của dịch vụ du lịch. Chỉ có rất ít khách đến đây mỗi năm, phần do thiếu thông tin, phần vì chính sự thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Song, với những du khách yêu thích thiên nhiên hoang dã, Quan Lạn – Minh Châu lại là một “viên ngọc thô” tuyệt đẹp của Vịnh Hạ Long.

Quan Lạn – Minh Châu có những bãi biển dài, đẹp vào bậc nhất cả nước, với cát trắng mịn màng, làn nước trong vắt mát mẻ, những rặng phi lao thẳng tắp trải dài theo bãi cát lao xao trong gió hòa âm cùng tiếng sóng biển rì rào. Du khách cũng sẽ thỏa mãn với những món ăn đặc sản của biển cả mà chỉ có thể tìm thấy ở nơi đây như các món chế biến từ sá sủng, rượu trâm… Và một điều đặc biệt là khi đến đây, du khách sẽ không bị làm phiền khi bị người bán hàng chèo kéo và thảnh thơi tận hưởng cuộc sống và hòa mình vào thiên nhiên biển tuyệt đẹp.

Đi tìm “ngọc” trong di sản ảnh 1

Nghề đào sá sủng ở Quan Lạn

Quan Lạn – Minh Châu cũng là một mảnh đất có bề dầy lịch sử bởi đây là một trong những thương cảng biển đầu tiên của Việt Nam và còn là nơi ghi dấu trận đánh lịch sử của vua tôi nhà Trần chống giặc xâm lược phương Bắc. Những đền – đình – miếu thờ các vị vương tướng nhà Trần như Trần Khánh Dư, Trần Quốc Tảng… với kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ 700 năm trước vẫn còn đó, những cột gỗ to bằng 2 người ôm vẫn trường tồn qua hàng trăm năm minh chứng cho sự hào hùng của vùng đất biển đảo biên cương.

Phát triển du lịch xanh, thân thiện

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ninh cho biết: Phát triển du lịch sinh thái biển đảo với tiêu chí xanh, bền vững ở Quan Lạn – Minh Châu hiện nay đang có lợi thế lớn, vùng biển này thực sự hoang sơ, chưa có sự đầu tư khai thác du lịch. Trong thời gian vừa qua, UNBD tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện đảo Vân Đồn đã bắt đầu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, kết hợp với đào tạo, giáo dục chính những người dân địa phương, hướng họ hiểu rõ giá trị và lợi ích của việc phát triển du lịch bền vững, đặt họ ở vị trí trung tâm, nòng cốt trong quá trình xây dựng, khai thác và bảo vệ môi trường du lịch với những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường như du lịch làng nghề biển, du lịch văn hóa.

Trong chuyến khảo sát du lịch được tổ chức cuối tuần qua, các doanh nghiệp lữ hành cùng Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam đã tư vấn cho địa phương nhiều vấn đề như giá cả dịch vụ, vận chuyển hành khách, môi trường và đặc biệt là hướng tới những sản phẩm du lịch làng nghề kết hợp với du lịch biển. Nếu kết hợp tốt những sản phẩm du lịch này sẽ có thể kéo dài mùa du lịch của địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cũng như nâng cao ý thức của người dân địa phương về vấn đề bảo vệ môi trường du lịch, phát triển du lịch bền vững. Du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường đang là xu thế phát triển mới, bền vững của du lịch, và “viên ngọc thô” Quan Lạn – Minh Châu sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng cho du lịch biển phía Bắc.