Đi tìm ánh sáng cuối đường hầm

ANTĐ - Bóng đá Việt Nam đang chìm trong cơn bĩ cực không biết đến bao giờ mới thoát ra được. Nhưng đâu đó vẫn le lói lên những tia sáng cuối đường hầm nếu những người trong cuộc biết định hướng rõ ràng.

Đầu tư mạnh mẽ hơn cho bóng đá nữ là một cách tốt để thúc đẩy bóng đá Việt Nam phát triển hơn

Đầu tư mạnh hơn cho lớp trẻ

Ở một đất nước yêu bóng đá hàng đầu thế giới như Việt Nam, với dân số hơn 88 triệu dân (số liệu của Tổng cục Thống kê), không tìm ra được một đội tuyển đủ mạnh là một điều đáng buồn. Và còn đáng buồn hơn nữa nếu như cái đội tuyển ấy không có nổi lớp trẻ kế cận đủ sức để vươn lên bằng các đàn anh, chứ chưa nói đến những chuyện cao xa hơn.

Hôm nay 5-12, bốn cầu thủ 17 tuổi được coi là những mầm non sáng giá của bóng đá Việt Nam là trung vệ Trần Hữu Đông Triều, các tiền vệ Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Công Phượng sẽ lên đường sang Anh để gia nhập đội trẻ Arsenal, thử việc bên cạnh những tài năng sáng giá trong lò đào tạo được chính HLV Wenger chăm bẵm. Tất nhiên, còn quá sớm để nói về việc họ có tồn tại và phát triển được không trong môi trường hoàn toàn khác, nhưng như thế cũng là đáng mừng, bởi thà muộn còn hơn không cho một nền bóng đá đã hơn 10 năm lên chuyên nghiệp.

Dù sao, bóng đá Việt Nam cũng không thể hoàn toàn trông chờ vào 4 cầu thủ ấy. Chúng ta luôn có nhiều tài năng trẻ khác cần được học tập và cọ xát trong môi trường đỉnh cao để có thể tạo nên một thế hệ thật sự đủ khả năng để hy vọng. Thái Lan, Malaysia hay Indonesia hàng năm luôn dành “đất” cho các cầu thủ trẻ cọ xát với những MU, Arsenal, Liverpool hay Chelsea… Chưa bàn về trình độ hay thể hình của các cầu thủ trẻ Đông Nam Á, riêng việc được thi đấu với những Rooney, Lampard hay Gerrard cũng đủ để cầu thủ trẻ của họ tự tin hơn mỗi khi bước ra sân. Trong khi ở Việt Nam, nếu có cơ hội mời những đội bóng lớn sang giao hữu, thì ĐTQG luôn được ưu tiên, bởi VFF chỉ nghĩ làm sao để bán được thật nhiều vé và thu được thật nhiều tiền. 

Quan tâm thực sự đến bóng đá nữ

Trong 12 năm qua, nếu như bóng đá nam chỉ đem về duy nhất chức vô địch AFF Cup 2008, thì bóng đá nữ cũng chỉ mất có chừng ấy thời gian để mang về phòng truyền thống của VFF 5 HCV SEA Games và 2 chức vô địch Đông Nam Á. Giàu về thành tích, nhưng những cô gái hy sinh tất cả để theo nghiệp quần đùi áo số lại bị đối xử hết sức bất công so với những đồng nghiệp nam. Người ta chỉ thấy ai đó vạch ra lộ trình đi World Cup cho bóng đá nam, chứ chưa thấy ai mảy may nhắc đến điều này một cách nghiêm túc với bóng đá nữ. Nhìn sang Thái Lan và Myanmar, họ đang đầu tư rất mạnh để phát triển những nhân tố mới trong những năm gần đây, bằng những chính sách xã hội hóa như đưa bóng đá nữ vào trường học, xây dựng lò đào tạo, trung tâm huấn luyện… trong khi Việt Nam bao năm qua vẫn cứ loanh quanh với bài toán thiếu kinh phí tập huấn, và thậm chí nhiều tuyển thủ phải kiếm nghề tay trái để đủ sống. Ấy thế mà thành tích của bóng đá nữ Việt Nam vẫn “ăn đứt” họ. Bởi chúng ta có tố chất và nội lực, nếu được đầu tư kỹ càng, chắc chắn bóng đá nữ còn tiến xa hơn. Và khi ĐT nữ được dự World Cup, nó sẽ là liều thuốc kích thích đặc biệt để ĐT nam phấn đấu, như con đường mà ĐT nam Nhật Bản đang hướng tới sau khi ĐT nữ của họ vô địch thế giới.

Nhận thức thấu đáo về “văn hóa xin lỗi”

Chắc không đâu như ở Việt Nam, ông Chủ tịch VFF lại sung sướng tận tay nhắn tin cho đông đảo phóng viên về mức thưởng sau từng trận đấu, mức thưởng cho thành tích ghê gớm nào đó  của đội tuyển (như vào chung kết chẳng hạn) ở một giải đấu được chú ý. Bởi đó là khi mà tất cả đang cùng vui, cùng bay bổng… nhưng khi không may, đội tuyển gặp cảnh trớ trêu, thì tìm một vị lãnh đạo hỏi cho ra nhẽ còn khó hơn… lên Trời. Còn nếu có gặp được, cũng chỉ là vài lời xin lỗi qua loa cho có, rồi lại để đấy. Thất bại ở chung kết SEA Games tại Lào năm 2009, ông Nguyễn Trọng Hỷ đăng đàn “xin lỗi người hâm mộ và sẽ sửa sai”, nhưng rồi, lời xin lỗi ấy vẫn cứ lặp lại y nguyên ở AFF Cup 2010, rồi sau đó đến SEA Games tại Indonesia năm 2011… mà không thay đổi. Lãnh đạo VFF cần phải hiểu rằng “xin lỗi” là một từ rất dễ để nói ra, nhưng lại rất khó cho những ai thực sự hiểu thấu đáo rằng: đằng sau việc xin lỗi phải là những hành động chuộc lỗi. Lúc này, khi ĐTVN thua tan nát ở AFF Cup 2012, người hâm mộ Việt Nam có lẽ không còn chờ một lời xin lỗi nào từ VFF nữa. Họ chờ vào một nhận thức mới, một tư duy mới, một cách làm mới để thay đổi bóng đá Việt Nam thực sự, chứ không chỉ trên những lời nói.