Chất vấn tại kỳ họp thứ 14 - HĐND TP khóa XIV:

Đi thẳng vào những vấn đề sát sườn

ANTĐ - Hôm qua (3-12), Kỳ họp thứ 14 - HĐND TP khóa XIV dành 1 ngày để chất vấn tại hội trường. Nhiều vấn đề nóng như nợ thuế, phí có chiều hướng gia tăng; sai phạm trong quản lý nhà chung cư, tái định cư; an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm… được các ĐB HĐND TP quan tâm.

Đi thẳng vào những vấn đề sát sườn ảnh 1Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, CATP đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế Hà Nội xác minh hơn 300 công ty bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh

Xử lý nghiêm doanh nghiệp mua bán hóa đơn trái phép

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) đề nghị cơ quan thuế cho biết, số doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh đến nay là bao nhiêu? Các doanh nghiệp này sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, theo thống kê hiện nay, có tới gần 2.500 tỷ đồng nợ thuế của đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng, tạm nghỉ. Có 3 loại doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh. Thứ nhất là các doanh nghiệp thành lập ra chỉ để buôn bán hóa đơn, làm ăn bất hợp pháp. Đối tượng này thành lập xong thì giải thể ngay, rất khó phát hiện. Cơ quan thuế đã phát hiện gần 400 tỷ đồng nợ thuế của nhóm đối tượng doanh nghiệp này và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Bước đầu, năm 2015 đã xử lý một số trường hợp.

Đi thẳng vào những vấn đề sát sườn ảnh 2

Đai biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) đề nghị cho biết doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh bị xử lý như thế nào?

Đối tượng thứ hai là những doanh nghiệp thành lập ra nhưng gặp khó khăn phải ngừng nghỉ. Đối tượng thứ ba là các đối tượng bỏ doanh nghiệp này để lập doanh nghiệp khác với ý đồ chiếm đoạt tiền thuế. Cục Thuế đang phối hợp với cơ quan công an để nhận diện, kiến nghị biện pháp xử lý các đối tượng này. 

Cũng về vấn đề nêu trên, ĐB Lê Văn Thành (Thanh Xuân) cho rằng, việc thành lập công ty để xuất hóa đơn trái phép là vấn đề rất nghiêm trọng. Để công bằng giữa các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần phải xử lý vi phạm đến nơi đến chốn và phải xem xét thận trọng việc cấp phép thành lập. 

Đi thẳng vào những vấn đề sát sườn ảnh 3

ĐB Lê Văn Thành (Thanh Xuân): “Thực phẩm bẩn là “kẻ giết người thầm lặng” nhưng vì sao chưa bị xử lý thích đáng?” 

Trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu, đồng thời làm rõ hơn tình trạng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, CATP đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế TP Hà Nội để xác minh hơn 300 công ty sau khi đăng ký kinh doanh bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan truy thu thuế các công ty này.

Đi thẳng vào những vấn đề sát sườn ảnh 4

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền: “ATTP là vấn đề nóng và cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng song chưa đáp ứng được yêu cầu”

Trong năm 2014, CATP phát hiện 16 công ty do 1 đối tượng thành lập đã bán hóa đơn cho 2.295 doanh nghiệp với số tiền ghi trên hóa đơn lên đến 5.428 tỷ đồng. CATP đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP hoàn chỉnh hồ sơ truy tố các đối tượng trước pháp luật. 

Đối với 2.295 doanh nghiệp mua hóa đơn, CATP đã phối hợp với Cục Thuế Hà Nội xác minh, làm rõ có 3 loại hình. Đó là các công ty mua hóa đơn để hợp thức hóa chi tiêu, hợp thức hóa đầu vào với các công trình xây dựng; mua hóa đơn để rút tiền mặt và có dấu hiệu tham nhũng. Cùng với đó, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng chỉ rõ những sơ hở trong quản lý cần phải khắc phục như: khâu xác minh nhân thân các đối tượng thành lập công ty; cơ chế quản lý tiền mặt trong hệ thống ngân hàng và việc quản lý hóa đơn do doanh nghiệp tự in. 

Sớm khắc phục tình trạng “ba không” 

Chuyển sang nội dung chất vấn nhóm vấn đề về quản lý đô thị, nhà ở, đất đai. Các câu hỏi của đại biểu tập trung vào vấn đề xử lý vi phạm trong trật tự xây dựng và phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là tại các khu nhà tái định cư, chung cư cao tầng. Đại biểu Bùi Huyền Mai (Đông Anh) đặt câu hỏi: “Việc thực hiện công tác đầu tư cho lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã tương xứng với nhu cầu thực tiễn hay chưa?”.

Trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố đã đầu tư 1.200 tỷ đồng cho PCCC và hiện đang chuẩn bị đầu tư cho các đơn vị PCCC cơ sở 707 tỷ đồng. Hệ thống quy định pháp luật về PCCC hiện rất đầy đủ, rõ trách nhiệm của các ban, ngành, đơn vị và người dân. Tuy nhiên, nếu từng người không có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn tài sản của mình thì việc đầu tư cho PCCC bao nhiêu cũng không đủ. 

Tiếp tục chất vấn về vấn đề này, ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) nêu vấn đề: “Qua giám sát cho thấy, tại các chung cư tái định cư, hệ thống PCCC rất yếu kém. Các ngành chức năng có biết tình trạng này và bao giờ được khắc phục?”.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, quy định pháp luật nêu rất rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khi lập dự án, quản lý đầu tư nhưng thực tế vẫn có độ vênh giữa pháp luật và thực tiễn. Trong trường hợp đại biểu nêu tình trạng “ba không” về phòng cháy thì Cảnh sát PCCC sẽ tham mưu với thành phố để có giải pháp khắc phục. 

Nêu một trường hợp cụ thể có biểu hiện tắc trách trong PCCC, ĐB Nguyễn Hoài Nam hỏi thêm: “Đề nghị thành phố cho biết bao giờ mới khắc phục xong?”. Với ý kiến tái chất vấn này, Phó Chủ tịch UBND Lê Hồng Sơn xin được tiếp thu và khẳng định: “Với các trường hợp cụ thể, các đơn vị liên quan phải báo cáo để thành phố có phương án khắc phục. Đây là vấn đề thành phố rất quan tâm. Trong thời gian tới, sau khi có báo cáo phương án cụ thể, chúng tôi sẽ báo cáo HĐND TP”.

Không dễ kiểm soát thực phẩm bẩn

Tại phần chất vấn về nhóm vấn đề văn hóa xã hội, các đại biểu đã nêu ra nhiều câu hỏi liên quan tới việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Dẫn chứng tỷ lệ người mắc ung thư ngày càng tăng, thậm chí một nhà 6 người có tới 4 người bị ung thư, ĐB Lê Văn Thành (Thanh Xuân) cho rằng, thực phẩm bẩn là nguyên nhân quan trọng, song “kẻ giết người thầm lặng” đó lại chưa bị xử lý thích đáng. 

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, lĩnh vực ATTP là vấn đề nóng vì liên quan đến sức khỏe của nhân dân và “dù đã có nhiều cố gắng song thực sự vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”. Theo Giám đốc Sở Y tế, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ký quyết định thí điểm thành lập thanh tra chuyên ngành về ATTP tại 5 quận, huyện, 10 xã, phường, giải pháp này được kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP trên địa bàn.

Ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về thực phẩm, cần sự cam kết của các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức về tiêu dùng thực phẩm an toàn. Liên quan đến sản phẩm thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt chia sẻ, vừa qua, Sở NN&PTNT đã thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu của một số cơ sở để kiểm nghiệm.

Qua kiểm tra, 1.000 mẫu sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố đều âm tính với các chất cấm ngoài danh mục; 70 mẫu khác do các cơ quan Trung ương lấy cũng âm tính. Riêng chất tạo nạc mà dư luận quan tâm hầu hết được đưa vào qua đường buôn lậu, rất khó kiểm soát, quan trọng nhất là phải ngăn chặn ngay được từ cửa khẩu, biên giới.

Một nội dung khác được các ĐB HĐND TP quan tâm chất vấn là tiến độ cung cấp nước sạch nông thôn. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, đến 2015, tỷ lệ người dân nông thôn của Hà Nội được sử dụng nước hợp vệ sinh đã nâng lên 99% và tỷ lệ được cung cấp nước sạch đạt 35,5%. Hà Nội rất quan tâm đến công tác này và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ nhưng khó khăn là nguồn vốn đầu tư rất hạn hẹp. 

Sẽ theo sát việc thực hiện lời hứa

Trao đổi với báo chí bên lề phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, UBND TP đã làm rõ các vấn đề cũng như mạnh dạn chỉ ra các việc chưa làm được và quan trọng nhất là đã phân tích được các nguyên nhân tồn tại.

Phần trả lời của các đồng chí thành viên UBND TP đi thẳng vào vấn đề và có đưa ra được hướng khắc phục tồn tại trong thời gian tới. Tại phiên chất vấn lần này, một số vấn đề đã được chất vấn từ những kỳ họp trước nhưng chưa chuyển biến mạnh. HĐND TP sẽ tiếp tục theo sát những vấn đề này để phản ánh với cử tri việc thực hiện lời hứa của các thành viên UBND TP.