Dự án tiền khả thi khảo sát xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng:

Di sản sẽ chết nếu tham và thiếu tính toán

ANTĐ -  Việc UBND tỉnh Quảng Bình cho phép khảo sát làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng - vị trí thuộc vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng đã khiến dư luận lo ngại về những nguy hiểm mà di sản phải đối mặt. 
Di sản sẽ chết nếu tham và thiếu tính toán ảnh 1

Cáp treo đơn dài nhất thế giới

Theo báo cáo tiền khả thi, toàn tuyến cáp treo dự kiến dài 10,6km. được chia ra làm 4 đoạn. Đoạn 1 xuất phát từ nhà ga, trước cửa động Tiên Sơn, vượt dãy núi cao trên động và băng qua thung lũng Sinh Tồn đến khu vực cầu Trạ Ang trên đường Hồ Chí Minh. Đoạn này dài 6,78km, công suất trung bình 1.500 người/102 cabin, công suất tối đa 2.400 người/164 cabin.

Đoạn 2, từ nhà ga Trạ Ang bẻ góc 150 độ đi đến cửa sau hang Sơn Đoòng, dài 3,82km. Đoạn 3, từ nhà ga ở cửa sau hang Sơn Đoòng vượt trên sống lưng núi Sơn Đoòng đến nhà ga ở miệng hố sụt thứ hai của hang, dài 1,75km; độ chênh cao 250m; thời gian đi 6 phút; công suất thiết kế 500 người/14 cabin; công suất tối đa 1.000 người/28 cabin. Đoạn 4 từ ga ở miệng hố sụt thứ hai của hang Sơn Đoòng sẽ đưa khách xuống đáy hố sụt thứ hai. Ở đây, du khách ngồi trong cabin hoặc được ra ngoài chiêm ngưỡng vườn địa đàng, là một rừng cây mọc trong hố sụt. Tổng thời gian đi từ ga đầu đến hết ga cửa sau Sơn Đoòng là 80 phút. Tuyến cáp treo này nếu được xây dựng sẽ là cáp treo đơn dài nhất thế giới.

Thế giới không dùng cáp treo để khám phá hang động

PGS.TS Tạ Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - địa tầng Việt Nam, người từng trực tiếp vào khảo sát và đi xuyên hang Sơn Đoòng năm 2013, đồng thời là nhà khoa học có các công trình nghiên cứu sâu về “khối đá vôi” Phong Nha Kẻ Bàng cho biết, cáp treo được sử dụng phổ biến trên thế giới, nhưng người ta không áp dụng trong việc khám phá hang động. Lý do bởi, những hang lớn như Sơn Đoòng, hệ sinh thái rất dễ bị tổn thương do sự thăm viếng của quá nhiều người.

Đặc biệt, từ góc nhìn địa chất dễ dàng nhận thấy, hố sụt có đường kính trên 100m này nằm ở giao điểm của hai đứt gẫy địa chất, là nơi xung yếu nhất trong cấu trúc địa chất khu vực, vì vậy nó mới bị sập trần. Quá trình khoan, thi công, vận hành gây ra rung lắc… có thể gây sập lan tỏa bất cứ lúc nào. Điều này không chỉ tàn phá kết cấu địa chất khu vực này mà còn phá hủy cả hệ sinh thái rừng nhiệt đới hình thành dưới đáy hố sập, đe dọa mạng sống của du khách bất cứ lúc nào. Khi có cáp treo, du khách đến nơi đây sẽ rất đông, vì thế không tránh khỏi ô nhiễm môi trường, mà ý thức của khách du lịch Việt Nam thế nào thì mọi người chúng ta ai cũng rõ. Đây là quà tặng quý giá mà thiên nhiên đã ưu đãi cho Việt Nam. Vì thế, cần phải gìn giữ như báu vật.

“Khi có hệ thống cáp treo, tính hấp dẫn du lịch mạo hiểm của hang Sơn Đoòng sẽ không còn nữa và Quảng Bình không bao giờ có thể lấy lại vị trí thứ 8 trong 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh trong năm 2014 như kết quả xếp hạng của tạp chí New York Times. Có trang mạng còn bình chọn Sơn Đoòng là 1 trong 3 điểm đáng đến nhất của du lịch thế giới, bên cạnh đỉnh Everest và Hẻm Vực Lớn (Grand Canyon) của Hoa Kỳ” - PGS.TS Tạ Phương phân tích. “Tất cả những người làm khoa học chân chính đều không thể ủng hộ dự án này”, Chủ tịch Hội Cổ sinh - địa tầng Việt Nam khẳng định.  

Phát triển kinh tế trên cơ sở bảo vệ các giá trị văn hóa 

- Về việc UBND tỉnh Quảng Bình đang nghiên cứu xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng, có rất nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đó là việc làm có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến di sản thiên nhiên của quốc gia. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên: Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này là chúng ta phát triển kinh tế luôn luôn trên cơ sở bảo vệ các giá trị văn hóa. Những dự án phát triển kinh tế của từng địa phương, từng ngành đều phải tính toán yếu tố này. Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi xem việc làm của địa phương, trách nhiệm bảo tồn di sản như thế nào.

Ông Phan Đình Tân - Người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL: “Không phải cứ muốn là làm được”

Chuyện làm cáp treo ở Sơn Đoòng, không phải cứ muốn là làm được. Đây là Di sản thiên nhiên thế giới, vì thế phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế, Luật Di sản Văn hóa và cả những điều Chính phủ Việt Nam đã từng cam kết khi xây dựng Hồ sơ UNESCO Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp cùng việc đầu tư phát triển du lịch làm giàu cho địa phương. Nhưng không thể vì lợi nhuận trước mắt mà quên rằng phát triển phải bền vững, nếu không cái giá phải trả trong tương lai sẽ lớn gấp nhiều lần lợi nhuận thu được hôm nay. Sơn Đoòng hấp dẫn du khách, bởi có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và kỳ bí. Tôi cho rằng, giá tour từ 3.000 đến 6.000 USD là cách “lọc” rất tự nhiên. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, không thể phát triển du lịch đại trà ở Sơn Đoòng trong thời điểm này được. Tất nhiên, cũng không thể đóng cửa di sản, nhưng hoạt động thế nào, phổ biến đến đâu đều phải tính toán kỹ. Không cực đoan, nhưng cũng không thể dễ dãi trong công tác quản lý di sản. Trong xã hội văn minh đương nhiên phải khai thác thành tựu khoa học kỹ thuật, nhưng nếu đặt nhầm chỗ là phá hoại. 

Tour đã phủ kín hết năm 2015

Năm 2009, đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã tìm thấy hang thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng, có chiều rộng 200m, cao hơn 150m, dài ít nhất 5km. Hang Sơn Đoòng được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Với kích thước như trên, hang Sơn Đoòng đã vượt qua hang Deer ở Malaysia (với chiều cao 100m, rộng 90m, dài 2km) để chiếm vị trí là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Đến tham quan hang không phải dễ, khách du lịch phải đăng ký tham gia một tour du lịch mạo hiểm, quãng đường đi bộ hết 1 ngày rưỡi với giá tour cho chương trình 5 ngày 4 đêm khoảng 3.000USD (nhưng hiện danh sách chờ lên đến gần 1.000 người, tức là khách đặt tour đã phủ kín năm 2015). Ðây là một trong những tour hiếm hoi ở Việt Nam và các nước khu vực ASEAN mà khách phải chờ để được trải nghiệm.