Đi qua khó khăn một cách bình yên

ANTD.VN - PGS. TS Ngô Văn Giá được coi là người có “nhiều trong một” nếu kể đến những vai trò đang gánh vác: nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình... Thế nhưng giữa “trường văn trận bút” nhiều chuyện bi hài, anh giống như một chàng Đông ki sốt lãng mạn, một mình một ngựa trên đường đi tìm lại vị trí cho những vẻ đẹp, những giá trị bị lãng quên.

“Kêu oan” cho người xưa

PGS. TS Văn Giá gắn bó với nghiệp văn chương như một định mệnh, anh từng học khoa Ngữ văn tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc), dạy văn trên vùng Tây Bắc, khi chuyển về giảng dạy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, anh vẫn dành phần lớn thời gian để nghiên cứu văn học.

Cuốn sách Văn Giá say mê, đọc đi đọc lại nhiều lần chính là “Thương nhớ mười hai”, từng lời văn như những tâm sự rút ruột của nhà văn Vũ Bằng đã ám ảnh, thôi thúc anh đi tìm câu trả lời về thân phận một con người tài hoa nhưng phải chịu nhiều điều tiếng là kẻ đứng về phía “bên kia”.

Những năm 1990 thế kỷ trước ở Hà Nội rất khó kiếm tài liệu về Vũ Bằng nên Văn Giá phải “vận trù học” bằng cách: khi vào TP.HCM giảng dạy, anh tranh thủ thời gian đến các thư viện của thành phố để tìm kiếm sách báo, tư liệu; nhờ các mối quan hệ quen biết để được phép sao chụp những tài liệu chưa bao giờ công bố. Suốt mấy năm trời đi đi lại lại giữa Hà Nội - TP.HCM, khi có trong tay số lượng bản thảo khá đầy đủ, Văn Giá đã dành nhiều công sức tổ chức, sắp xếp để in cuốn chuyên luận “Vũ Bằng - bên trời thương nhớ”, trong đó có những bài Văn Giá viết về Vũ Bằng cùng một số tác phẩm lần đầu xuất hiện.

Không chỉ in sách, Văn Giá còn cất công đi tìm 2 nhân chứng (thời điểm đó vẫn còn sống) đã có thời gian hoạt động cùng Vũ Bằng để xác nhận ông là người chung chiến tuyến với họ. Anh cùng nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lên gặp lãnh đạo trong lực lượng Quân đội nhân dân đề nghị tìm lại hồ sơ hoạt động của Vũ Bằng để chứng minh ông là người trung thành với cách mạng. 

Khi nhìn lại toàn bộ hành trình đi tìm lại những giá trị đích thực của một nhà văn tiền bối, Văn Giá vẫn không khỏi xúc động, anh từng chia sẻ: “Khi đọc “Thương nhớ mười hai” tôi cứ đau đáu một điều: Người yêu miền Bắc, yêu đất mẹ đến thế và yêu tiếng Việt như thế thì không thể nào lại là kẻ phản bội Tổ quốc được, chắc hẳn phía sau cuộc đời ông còn nhiều điều khuất lấp khiến nhiều người hiểu sai.

Và tôi quyết định mình phải tìm ra sự thật về thân phận của ông”. Cuối cùng, sự nhiệt thành của Văn Giá đã đóng góp rất lớn trong việc giúp bạn đọc và công chúng nhìn nhận đúng về nhà văn Vũ Bằng và những tác phẩm của ông đã được vinh danh bằng Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Những hệ lụy nghề nghiệp

Nhiều người bảo, dính dáng đến văn chương chữ nghĩa ở thời nào cũng khó tránh khỏi những hệ lụy, thậm chí là tai họa tự chuốc vào thân. Văn Giá cũng không ít lần gặp phải những chuyện phiền lòng. Mấy năm trước, khi dư luận ồn ào về một luận văn tốt nghiệp của một học viên ngành Văn học chỉ vì cô ấy đi vào một đề tài còn khá mới mẻ, lời khen không ít mà tiếng chê lại quá nhiều.

Trước hai “làn đạn” trái chiều ngày một gay gắt, Văn Giá viết một bài bày tỏ ý kiến một cách khách quan, công tâm của một nhà nghiên cứu văn học, đồng thời cũng là người trực tiếp đọc công trình của học viên. Ý kiến được ghi nhận, nhưng tiếp sau đó là những ngày “chiến tranh lạnh” giữa các đồng nghiệp, họ bắt đầu “cảnh giác” với anh và cắt đứt mối quan hệ hợp tác đào tạo từng có trước đó. Điều này không làm Văn Giá buồn lâu, vì theo anh thì mỗi việc làm đều có cái giá phải trả, quan trọng nhất là anh cảm thấy thanh thản khi làm đúng với lương tâm, trách nhiệm của mình.

Làm Chủ nhiệm khoa Viết văn - Báo chí, trường ĐH Văn hóa Hà Nội từ năm 2006, Văn Giá phải vận dụng nhiều kỹ năng “mềm” để có thể dung hòa được những cá tính quá mạnh của các sinh viên có phần đặc biệt. Có sinh viên nữ học đến năm thứ ba bỗng dưng bỏ trường đi biệt cả tháng trời, không ai biết được tung tích, tìm về tận quê trong Tây Nguyên cũng không gặp, bạn bè cùng lớp hoang mang nghĩ đến những tình huống xấu nhất.

Nhưng bằng linh cảm của một người thầy, Văn Giá tin rằng sinh viên ấy sẽ quay về sau phút “bốc đồng” kiểu nghệ sĩ trẻ, anh bình tĩnh làm các thủ tục cần thiết để khi quay trở lại, sinh viên vẫn được phép thi học kỳ và tiếp tục theo học đến hết khóa. Hiện nay, cô sinh viên nông nổi ngày đó đã làm mẹ và có cuộc sống hạnh phúc, bình yên bên một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng tại vùng đất Đà Lạt…

Thấm thoắt đã 30 năm gắn bó với nghề, PGS. TS Văn Giá vừa giảng dạy về văn học, báo chí lại vừa làm báo, viết văn (anh đã xuất bản 2 tập truyện ngắn được nhiều bạn đọc biết tiếng), nhìn lại phía sau thấy nhiều việc tưởng chừng khó có thể đương đầu thì Văn Giá đã đi qua một cách bình yên nhất. Có được điều đó, chắc chắn rằng mọi việc anh làm đều xuất phát từ sự thành tâm của một người thầy, một nhà văn, nhà báo chân chính.