Dị nhân không mạch, không huyết áp, 17 lần bị thương vẫn sinh con bình thường

ANTĐ - Đó là một người đàn ông đặc biệt, ông đã từng 17 lần bị thương, thế nhưng ông vẫn khỏe mạnh mặc dù nhiều lần đi bệnh viện không ai đo được mạch, không có huyết áp, và hy hữu là ông vẫn có thể sinh được nhiều đứa con dù có vết thương hành hạ ở bộ phận sinh dục.

Tuổi cao, nhưng sức khỏe ông Khi vẫn tốt ngày ngày vẫn làm việc đồng áng

Bệnh viện đuổi về vì không đo được mạch, không có huyết áp

Tình cờ, một cán bộ y tế ở Trung tâm y tế huyện Điện Bàn (Quảng Nam) chia sẻ với chúng tôi về một trường hợp bệnh nhân hiếm gặp khi ông không có huyết áp, không bắt được mạch mà vẫn khỏe mạnh như thường. Tò mò, chúng tôi tìm hiểu và vô cùng bất ngờ khi biết đó là câu chuyện có thật. Người đàn ông tên Lê Văn Khi ấy vẫn đang sống rất bình thường tại thôn 3 (xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam). Người dân vẫn gọi ông là “kỳ nhân”.

Bây giờ ông đã lên hàng lão, ở cái tuổi 75 nhưng sức khỏe vẫn rất dồi dào. Ngày ngày ông vẫn vác cuốc ra vườn trồng rau, trồng lạc để giữ sức khỏe. Nói chuyện với chúng tôi, giọng ông vẫn sang sảng, ông kể về thời thanh niên sôi nổi hăng hái tham gia cách mạng của mình. 

Đã từng 17 lần bị thương, nhưng chỉ nằm điều trị vài ngày là ông lại tìm cách bỏ về. Chừng ấy lần bị thương với một con người không phải là ít. Nhưng ông  bảo không hề hấn gì. Ngay cả bây giờ, trong người ông vẫn còn 4 viên đạn chưa lấy ra. Nở nụ cười tươi cố giấu đi hàm răng đã móm mém của người cao tuổi, ông kể: kỳ lạ là thời gian gần hai mươi năm trở lại đây, mỗi lần ông đến bệnh viện các bác sỹ đều không bắt được có mạch, không đo được huyết áp.

Ông đến bệnh viện nào để điều trị là bệnh viện đó nháo nhác, bởi từ y tá đến bác sĩ “thi nhau” đo huyết áp, bắt mạch cho ông để chẩn bệnh, nhưng càng đo, càng bắt thì họ lại càng lúng túng, càng không tin nổi sự thật về con người kỳ lạ này bởi ông không có mạch, cũng chẳng có huyết áp mà đo. Đưa tay cho chúng tôi kiểm chứng, ông Khi cười khề khà bảo: “Lần đầu tiên đến bệnh viện khám, nhân viên Trung tâm y tế huyện Điện Bàn lúc ấy toát mồ hôi vì tìm hoài không ra mạch và đo hoài không ra huyết áp của tôi mà chẩn bệnh. Nhân viên báo cáo lên Giám đốc. Đến cả Giám đốc trực tiếp bắt, rồi đo, tận dụng tất cả những trang thiết bị hiện đại nhất lúc ấy nhưng càng bắt, càng đo, càng... sợ.

Ca bệnh này “lạ” quá, lần đầu tiên gặp nên Giám đốc Trung tâm y tế có phần lúng túng. Họ nghĩ tôi chết đến nơi rồi, chứ người sống ai lại không có mạch, không có huyết áp. Vậy nên Giám đốc bảo tôi lên tuyến trên khám. Tôi ra bệnh viện ngoài Đà Nẵng, các bác sĩ cũng đành bó tay vì không ai biết tôi bị gì nữa!” - ông Khi kể lại và há miệng cười khùng khục. Vì ông là thương binh, được chính sách khám chữa bệnh nên mỗi năm đi khám vài lần. Đến chỗ nào các y bác sĩ cũng “lắc đầu” vì lần đầu tiên gặp phải ca bệnh “khó xơi” như thế. Bên phòng chính sách xã hội huyện Điện Bàn cũng lắc đầu, thôi thì không ai biết bệnh của mình, ông nhận tiền, nhận thuốc rồi về.

Mỗi năm, ông đi an dưỡng một lần theo chế độ thương binh 3/4, nhưng lần nào cũng thế, ông chỉ ở đúng một ngày rồi lại tìm đường “chuồn” về nhà vì không chịu nổi khi xa vợ con. Ông Khi cười kể lại sự việc hy hữu, ấy là vào cuối năm 2012, đêm ấy ông bị đau tức ngực dữ dội. Ông được con cái chở đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (Vĩnh Điện, Điện Bàn), nhưng ở đây các y bác sĩ được một phen nháo nhác. Mọi người xúm lại “vật lộn” với mạch và huyết áp của ông đến mấy giờ đồng hồ nhưng vẫn bó tay. Sau cùng, các bác sĩ cùng hội chẩn và kết luận rằng tình trạng mạch và huyết áp của ông là “chưa từng gặp”, rồi Bệnh viện cấp tốc chở ông ra Bệnh viện Đa khoa TP.Đà Nẵng. Tại đây, nhân viên bệnh viện này lại thêm một phen “khốn đốn” với mạch và huyết áp của ông và cuối cùng đành cho ông về nhà. Không chỉ lần ấy, thời gian gần đây ông vẫn đều đặn đến các bệnh viện kiểm tra sức khỏe theo chế độ, nhưng ở bệnh viện nào ông cũng chỉ ở được một ngày là được “đuổi về”. 

Dù ông không có mạch, không có huyết áp nhưng ông vẫn rất khỏe. Ngay cả mấy năm trở lại đây, dù tuổi đã cao nhưng ông làm công việc đồng áng đám thanh niên không theo kịp. “Mọi việc chân tay trong nhà, ngoài vườn, dù nặng dù nhẹ, một mình ông cáng đáng, kể cả xây nhà, ông tự làm tuốt. Có lẽ ông khỏe vì… cười nhiều, và vì “bệnh lạ” như thế!”, vợ ông cười móm mém khoe nụ cười hồn hậu, với đôi mắt nhắm tít lại. Chỉ có điều ông lại mắc bệnh mất ngủ. Ông uống thuốc, rồi uống cả bia… cho say để ngủ, nhưng vẫn không ngủ được. Đêm không ngủ, nhưng ngày ông vẫn làm việc bình thường. Khoảng hơn một năm nay ông thi thoảng bị đau tức ngực, ông mới thấy mình xuống sức. “Nhưng tôi vẫn còn mạnh lắm, ít ai bì kịp nhé!” ông xởi lởi chuyện trò.

Các sổ khám bệnh của ông Khi

Bị đạn bắn vào chỗ hiểm, thắt ống dẫn tinh vẫn sinh 6 con như thường

Ngoài chuyện không có mạch, không có huyết áp mà sức khỏe vẫn như thường, thì chuyện ông bị thương ở “vùng kín”, đến tận bây giờ viên đạn vẫn còn nằm ở “chỗ hiểm” ấy. Trong Giấy chứng nhận bị thương do UBND huyện Điện Bàn cấp, phần các vết thương có ghi rõ: ông bị 1 vết ở đầu, 1 vết ở ngực, 3 vết ở chân trái, 1 vết ở dương vật còn mảnh đạn chưa được lấy ra.

Lúc ông bị thương thì vợ chồng ông mới chỉ có được 2 đứa con gái, ông muốn sinh thêm thằng cu để nối dõi tông đường nhưng lại bị đạn bắn vào trúng chỗ hiểm, làm sao còn sinh con được. Ông băn khoăn mãi rồi quyết định vẫn “thử”. Ai ngờ thử rồi thành thật. Lần lượt mấy đứa con sau ra đời. “Lúc tôi bị thương, tôi đã nghĩ thôi thế là hết. Hồi ấy y tế còn khó khăn, chuyện phẫu thuật lấy đạn ra là điều không tưởng ở khu vực Điện Dương này nên tôi cứ để kệ như thế, tới đâu thì tới. Thi thoảng “nó” vẫn đau lắm. Nhưng được cái “chức năng” thì không hề gì!  Tuy mỗi lần trái gió trở trời vẫn nhức một chút, nhưng chẳng sao cả!” nói đến đây ông lại cười. Vào năm 1988, sau khi sinh được 7 người con gái, cuộc sống khó khăn quá nên ông đi thắt ống dẫn tinh. Oái ăm thay, ông thắt xong, một năm sau, vợ lại mang bầu. Bản tính hiền lành, chất phác, ông coi chuyện đó là bình thường, trong khi làng xóm xì xầm, người trong họ tộc đều nghi ngờ, phẫn nộ. Chuyện ông mang bi sắt trong chỗ hiểm, rồi đi thắt ống dẫn tinh mà vẫn có con đã khiến nhiều người bán tín bán nghi. Mọi ánh mắt nghi ngờ đều đổ dồn về phía vợ ông là bà Trương Thị Thuẩn. Thế nhưng sau này, mọi chuyện vỡ lở ra khi biết phía trung tâm y tế đã “thắt nhầm” dây tinh cho ông. Nhưng cũng chính vì chuyện “nhầm” hi hữu ấy mà ông đã có được một mụn con trai để chống gậy. Câu chuyện về ông lão cựu chiến binh với những sự kỳ lạ ấy thu hút rất nhiều sự hiếu kỳ của người dân nơi đây. 

Cho đến tận bây giờ, mặc dù đã đi khá nhiều các trung tâm y tế cũng như các bệnh viện lớn ở khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng nhưng vẫn chưa có ai có thể kết luận được nguyên nhân về người đàn ông này. Chính vì thế, trong sổ khám bệnh của ông vẫn để trống nhiều phần. Còn ông, ngày ngày vẫn vui thú điền viên, sống khỏe và an nhàn như một lão nông tri điền thực thụ. Ông quả là một con người kỳ lạ, hiếm có.

Trao đổi về tình trạng của ông Khi, bác sĩ Võ Đôn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết: “Trường hợp của ông Khi quả là rất đặc biệt. Ban đầu chúng tôi cũng rất bối rối khi bắt gặp một ca bệnh như thế. Việc đầu tiên chúng tôi thực hiện là cho nhân viên bắt mạch, đo huyết áp ông Khi để nắm vài thông tin về sức khoẻ nhưng tuyệt nhiên chưa một lần nào chúng tôi đo được. Trong y văn thế giới có nhắc đến trường hợp này, từ chuyên môn gọi là “vô mạch”. Thế giới chắc là có nhưng rất hiếm gặp, còn trong nước mình có hay không, tôi không biết, nhưng cá nhân tôi trừ trường hợp ông Khi thì chưa gặp bao giờ!”. Nhiều bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam có nhận định rằng những người mắc bệnh này có thể là do máu chảy rất chậm, yếu, dẫn đến thiếu máu ở các chi nên tay, chân thường lạnh và không thể đo được bằng các phương tiện y khoa.