Đi lại dịp nghỉ lễ Quốc khánh: Vé còn nhiều nhưng giá không rẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ còn 1 tuần nữa cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày. Bởi vậy, nhu cầu đi lại của người dân được nhận định là tăng mạnh, nên vé tàu, vé xe khách và máy bay đã “nóng, nhiều đường bay chỉ còn vé có mức giá khá cao.

Đường sắt bán ra 66.000 vé

Đang học tập tại một trường đại học trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), chị Nguyễn Phương Trang (trú tại Ninh Bình) lo ngại việc đi lại trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh tới đây bởi xe cộ đông đúc, nhồi nhét, đường sá thì ùn tắc, đó là chưa kể dù các nhà xe đều thông báo không tăng giá, nhưng khi lên xe lại vẫn thu đắt hơn so với mức vé công bố. “Tôi là sinh viên nên 3 năm qua đều chọn đi xe khách về quê các dịp nghỉ lễ, Tết. Từ Cầu Giấy tôi phải di chuyển ra bến xe Giáp Bát mới có xe về Ninh Bình. Để di chuyển từ Cầu Giấy ra Giáp Bát tôi phải sử dụng xe buýt, mà xe buýt những ngày nghỉ lễ như vậy rất đông, đường sá thì ùn tắc, phải mất 1 giờ mới ra được đến bến xe Giáp Bát” - chị Trang bày tỏ.

Nhu cầu đi lại của người dân qua các bến xe khách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh tăng cao

Nhu cầu đi lại của người dân qua các bến xe khách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh tăng cao

Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Thành Long (trú ở xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, tranh thủ dịp nghỉ lễ cuối của năm trước khi các cháu bước vào năm học mới, gia đình anh dự định đi Đà Nẵng 4 ngày. Tuy nhiên do vé máy bay đắt đỏ vượt chi phí dự kiến nên đành chuyển hướng mua vé tàu đi nghỉ ở Quảng Bình.

Thông tin về tình hình phục vụ người dân đi lại dịp nghỉ lễ Quốc khánh tới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, nhu cầu đi lại của người dân trước và sau kỳ nghỉ lễ tăng cao hơn so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trong các ngày từ 29-8 đến 3-9 ngành Đường sắt tổ chức chạy tăng cường hàng chục đôi tàu trên các tuyến. Theo đó, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, ngoài việc tổ chức chạy thường xuyên 12 đôi tàu (gồm SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, SE11/SE12 (Sài Gòn - Hà Nội), SE21/SE22 (Sài Gòn - Đà Nẵng), SNT1/SNT2 (Sài Gòn - Nha Trang), SPT1/SPT2 (Sài Gòn - Phan Thiết), SE19/SE20 (Hà Nội - Đà Nẵng), HĐ1/HĐ2, HĐ3/HĐ4 (Huế - Đà Nẵng), NA1/NA2 (Hà Nội - Vinh), thì sẽ tổ chức chạy thêm 1 đôi tàu SE9/SE10 trên tuyến Hà Nội - TP.HCM và ngược lại, cùng hàng chục đôi tàu từ Sài Gòn đến các Nha Trang, Quy Nhơn, từ Nha Trang đến Đà Nẵng, từ Hà Nội đến Quảng Bình, Lào Cai, Hải Phòng…

Cụ thể, tuyến TP.HCM - Quy Nhơn, chạy thêm tàu SE29, SE30; tuyến TP.HCM - Nha Trang, chạy thêm tàu SNT4, SNT5, SNT7, SNT8 và SNT12; tuyến Nha Trang - Đà Nẵng, chạy thêm tàu SE41, SE42; tuyến Hà Nội - Đồng Hới, chạy thêm tàu QB1, QB2 và tàu SE17. Khu vực phía Bắc, tuyến Hà Nội - Lào Cai, chạy thêm tàu SP7, SP8; tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, chạy thêm tàu TH1, TH2; tuyến Hà Nội - Vinh, chạy thêm NA3, NA4; tuyến Hà Nội - Hải Phòng, chạy thêm các tàu LP9, LP10, HP3, HP4 và tàu HD2 xuất phát ga Hải Dương. Theo thống kê, tính đến 12h ngày 23-8, toàn ngành đường sắt đã bán gần 66.000 vé, chủ yếu từ Hà Nội và TP.HCM đi các tỉnh ngày 30 và 31-8, về ngày 3-9.

Ngành đường sắt tăng tải hàng chục đôi tàu trên các tuyến, đặc biệt là các chặng “hot”

Ngành đường sắt tăng tải hàng chục đôi tàu trên các tuyến, đặc biệt là các chặng “hot”

Trong dịp cao điểm này, ngành Đường sắt vẫn duy trì áp dụng chính sách giảm giá vé khứ hồi lượt về từ 5% - 7% và giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội như Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người cao tuổi, học sinh, sinh viên, đoàn viên công đoàn…

Vé máy bay dồi dào nhưng giá cao

Theo báo cáo của các hãng hàng không, trong giai đoạn từ ngày 30-8 đến 3-9, về tổng thể các hãng sẽ khai thác 4.257 chuyến bay, bình quân 840 chuyến/ngày, tăng 3% so với tuần trước nghỉ lễ Quốc khánh và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số chuyến bay nội địa bình quân là 600 chuyến/ngày, tăng 5% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023; số chuyến bay quốc tế bình quân là 241 chuyến/ngày, giảm 2% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Với riêng hoạt động khai thác trên các đường bay nội địa, đường bay trục Bắc Nam (các đường bay kết nối 3 thành phố lớn: Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM), các hãng đẩy mạnh khai thác những chuyến bay tăng cao, với bình quân 241 chuyến/ngày, tăng 8% so với tuần trước lễ và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khảo sát dữ liệu giá vé của các hãng hàng không ngày 20-8, giá vé trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh có tăng hơn so với ngày thường trước kỳ nghỉ lễ là khoảng 20%. Trên đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé cao nhất ghi nhận là khoảng 2,6 triệu đồng/chiều của Vietnam Airlines, cung ứng ngày 30-8 vào khung giờ ban ngày (đã gồm suất ăn), tăng 8% so với 1 tuần trước đó. Cũng với thời gian bay này, Vietjet Air có mức giá khoảng 2,3 triệu đồng/chiều, tăng 25% so với một tuần trước.

Hàng không vé còn dồi dào nhưng giá không hề rẻ

Hàng không vé còn dồi dào nhưng giá không hề rẻ

Trên đường bay Hà Nội - Nha Trang, giá vé được các hãng công bố từ 2,4 - 3,0 triệu đồng/chiều, tăng khoảng 24% so với tuần trước nghỉ lễ… Giá vé có chiều hướng tăng, tuy nhiên xuất hiện chủ yếu vào ngày bắt đầu và kết thúc kỳ nghỉ lễ. Với những ngày giữa kỳ nghỉ, giá vé tương đối ổn định, giữ mức tương đương với các ngày trước kỳ nghỉ. Khảo sát vào ngày 24-8, hầu hết các đường bay đều còn vé nhưng số lượng vé phổ thông còn hạn chế, hơn nữa giá cũng đã tăng nhẹ so với vài ngày trước đó. Cụ thể như, đường bay Hà Nội - TP.HCM của Vietnam Airlines vào dịp nghỉ lễ dao động từ 3 - 9 triệu đồng/chiều trong các khung giờ đẹp. Khách muốn có giá rẻ hơn từ 2,3 triệu đồng/chiều thì bay khung giờ muộn hoặc đêm. Còn với Vietjet trên đường bay này vào thời điểm nghỉ lễ giá vé dao động từ 1,6 triệu đồng - 5 triệu đồng/chiều.

Trên đường bay Hà Nội - Đà Nẵng vé máy bay cũng còn dồi dào, dao động từ 2,3 - 4 triệu đồng/chiều với Vietnam Airlines, với Vietjet Air trên đường bay này giá cũng tương tự.

Đường bay Hà Nội - Phú Quốc nếu đặt vé vào sáng 24-8 thì các chuyến bay đều còn ghế, nhưng giá dao động từ 4 - 12 triệu đồng/vé đối với Vietnam Airlines. Nếu bay với Vietjet Air thì số chuyến bay còn chỗ không nhiều, đặc biệt trong sáng 31-8 chỉ còn duy nhất 1 chuyến còn chỗ với giá khoảng 4,5 triệu đồng/chiều.

Xe khách không tăng giá so với ngày thường

Với xe khách, tại 3 bến xe lớn gồm Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm sẽ tăng tải hơn 700 xe để phục vụ nhu cầu đi lại tăng mạnh của người dân. Theo nhận định của ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, lễ Quốc khánh năm nay được nghỉ 4 ngày nên nhu cầu đi lại, vui chơi của người dân tăng cao. Dự kiến lượng khách và lượng xe sẽ tăng cao từ chiều 30-8, sau đó giảm về mức bình thường vào ngày 1 và 2-9. Lượng khách sẽ tăng trở lại từ chiều ngày 3 và sáng 4-9.

Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 20.000 khách/ngày, tăng 350% so với ngày thường, lượt xe dự kiến từ 850 - 900 lượt xe/ngày. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa... Tại bến xe Gia Lâm lượt khách cao nhất khoảng 5.000 khách/ngày, tăng khoảng 250% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 400 xe/ngày, chủ yếu tập trung các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang… Tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 22.000 khách/ngày, tăng lên hơn 350% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 950 xe/ngày, chủ yếu tập trung ở các tuyến đường đi Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng... Ông Phạm Mạnh Hùng cho biết, đến thời điểm ngày 24-8, các bến xe chưa nhận được thông báo tăng giá vé của các nhà xe trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh tới đây.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng - Giám đốc bến xe Giáp Bát cho hay, để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ Quốc khánh tới đây, bến Giáp Bát đã tăng cường quản lý điều hành, kiểm tra giám sát về điều kiện hoạt động đối với phương tiện, tuyên truyền đến người điều khiển phương tiện chấp hành Luật Giao thông đường bộ; tuân thủ các quy định về ATGT nhằm hướng đến mục tiêu đưa dịch vụ vận tải hành khách tiếp cận với hành khách đi xe được an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, văn minh, thân thiện. Đặc biệt, nếu trong quá trình di chuyển, hành khách gặp các vấn đề như bị “chặt chém”, nhồi nhét có thể phản ánh về đường dây nóng của bến xe, bến xe sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.