Đi hội chợ “sắm” cô dâu

ANTĐ - Không giống những phiên chợ bình dân khác, “chợ cô dâu” ở cộng đồng Kalaidzhi (Bulgaria) “bán” một thứ hàng hóa đặc biệt: khoảng 2.000 thiếu nữ xúng xính áo quần, trang điểm kỹ càng và đeo nữ trang nổi bật; đứng trên nắp ô tô nhún nhảy theo tiếng nhạc Gypsy để cố gắng thu hút ánh nhìn của những chàng trai trẻ mặc áo bó chẽn và khoác áo da. Từ bao đời nay, người Kalaidzhi luôn xem đây là một cách chọn vợ công khai, sòng phẳng. 

Hàng hóa đặc biệt 

Phiên “chợ cô dâu” của cộng đồng Kalaidzhi thường được diễn ra vào mùa xuân. Vào những tuần đầu tiên của năm mới, hơn 2.000 người Roma ở Bulgaria cùng kéo về làng Kalaidzhi để tham dự phiên chợ độc đáo. Từ sáng sớm tinh sương, trên khắp các nẻo đường trong làng bắt đầu thấp thoáng bóng người đi chợ. Đây là cơ hội cho những người dân sống du cư được gặp gỡ, chuyện trò và làm mai mối cho con trai, con gái của họ. 

Tiết trời lạnh giá nhưng Todorka Dimitrova vẫn diện áo váy sặc sỡ, đi đôi dép xăng đan màu vàng nổi bật, đứng núp sau lưng người cha Vasil, 52 tuổi. Theo lời của Todorka, khi cô đang học lớp 9 thì bỗng một ngày bố mẹ tuyên bố cô phải nghỉ học, ở nhà lấy chồng vì “sợ ế”. Nỗi lo lắng của ông bà Vasil cũng giống như nhiều phụ huynh khác sinh sống ở làng Kalaidzhi. Khi con gái đến tuổi cập kê, các ông bố, bà mẹ phấp phỏng lo âu. Cho nên, khi thấy con gái phổng phao một chút, họ đã tính tới việc làm sao con gái mình vừa có “giá” vừa có “tiếng”.

Các bậc phụ huynh ở Kalaidzhi khi đánh tiếng tìm chồng cho con thường có cách làm riêng, độc đáo và khá bận rộn. Đầu tiên, cha mẹ nào muốn gả con gái cho người ta cũng phải chuẩn bị vật hồi môn thật có giá trị. Của hồi môn thường là đồ trang sức. Của hồi môn càng nhiều, càng đắt giá bao nhiêu thì người cha người mẹ càng khiến con gái mình “có giá” bấy nhiêu. Tiếp theo, trong suốt mấy tháng ròng rã, gia đình giao cho người mẹ nhiệm vụ “rèn kỹ năng, tài năng” cho con gái. Đây là công việc vất vả và cũng thiêng liêng, cao cả nhất của người mẹ trước khi đưa con gái ra chợ gả bán. Trong suy nghĩ của họ, của hồi môn là của cha mẹ, còn tài năng “bán mình” hoàn toàn thuộc về người con gái. Chính vì vậy, người con gái phải được học rất nhiều kỹ năng trước khi được đem ra “chợ cô dâu”. Mức độ thuần thục của người con gái đó càng cao thì khả năng được người đàn ông “mua” với giá cao càng lớn. 

Todorka cũng không nằm ngoại lệ. Những kỹ năng dạy cho Todorka được mẹ và “gia sư” khi viết thành giáo án khá chi tiết, nghiêm túc. Mỗi ngày, Todorka phải dành trung bình 4 tiếng để học. Nội dung học của Todorka bắt đầu từ cách đi đứng, ăn mặc, nói năng đến các tài lẻ. Theo lịch cứ 1 tuần 1 lần, Todorka phải trình diễn những gì học được trước toàn thể các thành viên khác trong gia đình.

Giá cao ngất ngưởng

Sự tồn tại của phong tục này trong cộng đồng Kalaidzhi đang làm gia tăng lo ngại về quyền của phụ nữ trong cộng đồng cũng như tình trạng ép hôn hay mang thai khi chưa đến tuổi trưởng thành. Cái giá phải trả để cưới được một cô vợ trong phiên chợ “cởi mở“ này cũng không hề rẻ. Một cô gái trẻ có nhan sắc sẽ không thể lên xe hoa nếu như cha mẹ cô không nhận được đôi ba chục nghìn euro. 

Suốt 2 năm qua, Donka Dimitrova, 18 tuổi phải làm việc chăm chỉ, sống tiết kiệm, để có tiền tham gia phiên chợ cô dâu năm nay. Khó khăn lắm Donka mới chọn được một cô gái ưng ý. Cô gái xinh đẹp tên Hristos Georgiev, bằng tuổi với anh. Song lúc cả Donka và Hristos đang lúng liếng đưa đẩy ánh mắt đầy tình ý, thì đến phần ngã giá bỗng bị chững lại. Bố mẹ Hristos đòi Donka phải trả 25.000 euro mới được phép đưa con gái họ về làm vợ. Nhưng Donka chỉ có 20.000 euro. Nhà gái không nghe, đòi đúng 25.000 euro, không thì thôi. Donka vội về nhà nằng nặc đòi bố mẹ đi vay tiền để… mua vợ, nếu không sẽ không lấy ai khác và thề là sẽ sống độc thân suốt đời. Thấy con rầu rĩ, bố mẹ đành chiều lòng cậu con trai duy nhất.

Thiếu may mắn hơn, một trí thức nghèo như Petko Kolev dù rất si mê một cô gái nhưng đành lặng lẽ rút lui vì gia đình cô gái đó khá giả, sắm trang sức khá nhiều, nhất quyết đòi Kolev phải trả giá bằng hoặc cao hơn giá trị của số trang sức ấy mới chịu gả cho. Với mức lương chưa đầy 500 euro/tháng, nếu muốn lấy vợ ở phiên chợ cô dâu với giá 20.000 euro, có lẽ Kolev phải mất tới 10 năm. 

“Thuận mua vừa bán”?

Theo truyền thống Kalaidzhi, các thiếu nữ bị nghiêm cấm một cách hà khắc việc giao tiếp với bạn trai. Họ chủ yếu bị ép bỏ học từ năm lên 11 - 12 tuổi, do các bậc phụ huynh lo sợ con gái sẽ “ăn cơm trước kẻng” khi giao du rộng. Vậy nên, đối với cả nam nữ thanh niên Kalaidzhi, “chợ cô dâu” trở thành một cơ hội hiếm hoi để được vui đùa cùng bạn bè khác giới.

Hristova, 19 tuổi cho biết, kể từ năm 8 tuổi, bố mẹ đã cấm cô không được chơi với con trai. Những lời răn dạy như: đi học không được ngồi cùng bàn con trai, không được để con trai, bất kể là ai chạm vào người. Đặc biệt khi Hristova vào tuổi dậy thì, mức độ “răn dạy” cô con gái của bà và mẹ càng tăng. Mẹ Hristova dọa nếu chạm vào con trai là sẽ… có thai như chơi và mang ô nhục về cho gia đình. 

Velcho Krustev, một nhà nhân chủng học Bungaria, cũng là người nghiên cứu về phiên chợ cô dâu trong nhiều năm nhận định: “Chúng ta không thể nói đây là hôn nhân sắp đặt bởi các cô gái không bị lạm dụng dưới bất kỳ hình thức nào. Giữa hai bên có sự đồng thuận 100%. Cô gái rao bán, còn chàng trai trả giá. “Thuận mua vừa bán”, rõ ràng không ai ép ai”.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, phiên chợ cô dâu đang bị dư luận chỉ trích, thậm chí ngay cả những người trong cộng đồng Kalaidzhi, họ cho rằng không thể chấp nhận việc coi các cô gái trẻ như một món hàng hóa. Ông Lazar - bố của Kalinka và Galina, hy vọng có thể kiếm được 20.000 euro sau khi gả hai cô con gái. Không chút hài hước, ông bố ấy vẫn giữ vẻ mặt khó đăm đăm: “Đó là cái giá của tôi. Tôi sẽ không gả hai đứa nếu không có tiền”. Và những người như Lazar còn tồn tại rất nhiều.