Đi du học: Thận trọng kẻo mắc bẫy

ANTĐ - Hiện nay, số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài khá đông. Một số em khi đến một môi trường hoàn toàn mới, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, chưa thông thuộc tiếng bản địa nên đã dễ dàng mắc bẫy.

Du học sinh Việt Nam làm thêm tại một nhà hàng tại Nhật Bản

“Quýt làm, cam chịu”…

Mới đây, cộng đồng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài được phen xôn xao khi nghe tin du học sinh V.H.G ở Hà Lan có thể bị dẫn độ sang Mỹ do bị bạn cùng nhà sử dụng thông tin cá nhân của mình để thực hiện hành vi phạm pháp. Điều đáng nói, đây chỉ là một trong khá nhiều vụ du học sinh Việt Nam bị lừa khi đang theo học ở nước ngoài.  

Phan Hà Ngân – du học sinh đã từng tham gia học tập tại Hàn Quốc cho biết, phần lớn học sinh Việt Nam khi sang nước ngoài phải ở ghép với vài, ba bạn khác để tiết kiệm chi phí. Do mỗi bạn thường sở hữu từ hai chiếc thẻ ngân hàng trở lên, nên khi bị người cùng nhà, cùng lớp lấy trộm thẻ, họ rất khó phát hiện ra ngay, chỉ khi cần dùng đến hoặc nhận được tin nhắn từ ngân hàng báo đã có người rút tiền từ tài khoản của họ thì đã muộn. Trong khi đó, việc sử dụng những chiếc thẻ này khá đơn giản. Với hình thức thanh toán Paypass, thay vì phải thực hiện khâu quét dải từ, bỏ vào khay đọc chip, ấn mã PIN, ký tên xác nhận, người cầm thẻ chỉ cần chạm thẻ 2 giây vào đầu đọc là có thể đặt lệnh thanh toán hoặc chuyển tiền, rút tiền một cách khá dễ dàng. Ngoài ra, việc một số bạn du học sinh sơ ý làm lộ thông tin cá nhân trong các tờ khai cũng là một trong những lý do để đối tượng xấu lợi dụng.

Cũng theo Hà Ngân, hầu hết du học sinh khi đến môi trường mới thường thiếu kinh nghiệm sống và trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, đặc biệt là ở những nước không dùng tiếng Anh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Do vậy, đã có du học sinh Việt Nam khi mới nhập học được vài tháng đã bị đuổi học do bị bạn bè lôi kéo buôn bán hàng cấm hay ký tên ủng hộ một nhóm người chuyên nói xấu, xuyên tạc chống lại ngôi trường mà chính sinh viên đó đang theo học vì không hiểu toàn bộ nội dung trong văn bản mà mình đã ký. 

Còn với những du học sinh đã từng học tập tại Pháp, Anh, một trong những kinh nghiệm “xương máu” họ muốn chia sẻ cho những thế hệ du học sinh tiếp theo là cần cảnh giác với những đối tượng “cò mồi” nhà ở. Thông thường, khi đưa du học sinh Việt Nam sang nước ngoài, Công ty tư vấn du học hứa rằng khi tới sân bay sẽ có người ra tận nơi đón, dẫn đi thuê nhà trọ, hướng dẫn đăng ký học. Tuy vậy, không ít người đón du học sinh lại chính là “cò” của một công ty  môi giới nhà ở hoạt động bất hợp pháp ở nước sở tại. Khi gặp phải “cò”, các du học sinh không chỉ phải chi cho họ từ 200-300 euro mà còn “ngậm đắng nuốt cay” ở trong những căn nhà chật chội, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt, với giá thuê…“trên trời”.

Cần biết cách tự bảo vệ mình

Do hầu hết các du học sinh khi sang nước ngoài đều muốn tìm học bổng để giảm bớt gánh nặng về kinh tế nên một số công ty tư vấn ở nước ngoài đã tổ chức các cuộc hội thảo, phỏng vấn cho du học sinh để cấp học bổng.  Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, khi tham gia, các du học sinh phải nộp một khoản phí và nếu được học bổng thì số tiền đó thực chất đã được cộng vào những đóng góp của họ, nghĩa là họ là người cấp học bổng cho chính mình. 

Úc là một trong những quốc gia được nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn. Tuy vậy, khi sang đến đây, không ít bạn phải chấp nhận đối mặt với nhiều khó khăn. Ở Úc, tình trạng “cò” nhà ở cũng diễn ra khá phổ biến: Trên  một số website chuyên đăng tin cho thuê nhà, có nhiều quảng cáo hấp dẫn như “nhà đẹp, diện tích rộng, đủ tiện nghi, đi lại thuận tiện, giá cả phải chăng”. Cả tin, một số bạn đã gửi tiền đặt cọc vào tài khoản của “cò” và chứng cứ duy nhất họ giữ lại được là… hộ chiếu giả của đối tượng.

Ngoài ra, các du học sinh còn bị lừa mua điện thoại iPhone với giá rất rẻ. Song hầu hết số điện thoại này đều là hàng ăn trộm hoặc bị khóa, chỉ được sử dụng một thời gian và người sử dụng có thể bị cơ quan chức năng triệu tập điều tra. Lê Hoàng My – một du học sinh tại Úc thông tin, các du học sinh cũng dễ mắc lừa với những lời quảng cáo về công việc làm thêm như: “Công việc nhàn hạ, thu nhập cao”. Tuy vậy, sau khi nộp phí cho đơn vị môi giới, họ chỉ nhận được những công việc bấp bênh, thu nhập thấp với thời gian làm việc căng thẳng nên chỉ sau một thời gian ngắn, họ phải tự bỏ việc. Bên cạnh đó, đã có bạn rơi vào trường hợp “dở khóc, dở cười” khi cho bạn cùng lớp mượn giấy tờ cá nhân. Người bạn này lại sử dụng giấy tờ đó để đăng ký dịch vụ thuê bao điện thoại, internet... cho bản thân. Cuối cùng thì người thanh toán cước phí dịch vụ điện thoại, internet… là người cho mượn giấy tờ.  

Theo ông Vũ Mạnh Quang - Giám đốc một công ty tư vấn du học ở quận Ba Đình, Hà Nội, điều quan trọng nhất đối với những du học sinh khi ra nước ngoài  học tập là phải thông thạo ngoại ngữ, chuẩn bị đủ kinh phí phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt trong 5, 6 tháng đầu tiên do thời gian đầu, việc tìm kiếm việc làm khá khó khăn. Bên cạnh đó, các bạn tuyệt đối không để lộ thông tin cá nhân, đưa giấy tờ và thẻ ngân hàng cho người lạ. Trong trường hợp bị mất giấy tờ, các du học sinh cần phải  báo ngay với cơ quan có thẩm quyền. Các bạn cũng cần đề cao cảnh giác với những đối tượng “cò mồi”, những dịch vụ miễn phí, các sản phẩm công nghệ cao giá rẻ (iPhone, iPad…), công việc “dễ làm nhưng thu nhập cao”…

Cũng theo ông Quang, trước khi tiến hành bất cứ giao dịch nào, các du học sinh cần tìm hiểu kỹ các thông tin, không nên chuyển tiền khi chưa nhìn tận mắt giấy tờ liên quan và ngôi nhà mà mình định thuê. Các bạn cũng nên liên lạc với lãnh sự quán của các nước tại Việt Nam, người thân của mình ở nước sở tại để kiểm tra thông tin về trường sẽ học và các chương trình học bổng (nếu có), tránh tình trạng vừa bị mất tiền, vừa vô tình đẩy bản thân vào vòng lao lý mà mục tiêu học tập không đạt được.