Đi đò, “đạp vịt” phải mặc áo phao: Quy định có cũng như không

ANTĐ - Nhiều vụ chìm tàu, thuyền và  những cái chết thương tâm đã xảy ra nhưng hành khách đi thuyền, đò vẫn cố tình không mặc áo phao. Ngay trong nội thành, các khu vui chơi giải trí ở hồ Tây, Trúc Bạch, Thủ Lệ… dù đã có quy định bắt buộc phải mặc áo phao nhưng xem ra, quy định chỉ ở trên giấy.

Đò Thọ An qua sông Hồng cũng chẳng ai quan tâm đến áo phao

Bất chấp quy định

Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2003, xảy ra hàng loạt tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến các hoạt động vận chuyển hành khách ngang, dọc sông, trong lòng hồ, các khu vui chơi giải trí và một số tuyến đường thủy nội địa. Trước tình trạng này, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa, tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động vận chuyển hành khách đường thủy nội địa. 

“Cương quyết không cho phương tiện xuất bến khi trên phương tiện vẫn còn hành khách không mặc áo phao cứu sinh hoặc không sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân”, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu.

Quy định là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại một số khu vui chơi giải trí có hoạt động bến thủy nội địa như hồ Tây, Trúc Bạch, Thủ Lệ cho thấy, hành khách tham gia dịch vụ đạp vịt, vui chơi trên thuyền nổi không mặc áo phao. Đặc biệt, tại hồ Tây diện tích mặt nước và độ sâu nguy hiểm trên địa bàn TP lại tấp nập các dịch vụ vui chơi giải trí như “đạp vịt”, cà phê, ăn uống trên thuyền song, tuyệt nhiên không ai tuân thủ quy định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phương Văn Vĩnh, Phó trưởng Ban Quản lý hồ Tây cho biết, hiện trên hồ Tây có 6 doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ mặt nước với 10 thuyền nổi và khoảng hơn 100 thuyền “đạp vịt”. “Kiểm tra các quy định về an toàn thì các doanh nghiệp tại đây đều chấp hành đầy đủ”. Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến thực tế kể trên, ông Vĩnh cho rằng, khi kiểm tra thì không thấy như vậy! 

Chưa bị phạt, còn chủ quan

Mặc dù lãnh đạo Ban quản lý hồ Tây khẳng định, việc mặc áo phao là bắt buộc phải tuân thủ vì an toàn tính mạng của người tham gia nhưng Ban quản lý hồ Tây không có chức năng xử phạt các doanh nghiệp hay hành khách vi phạm. “Chúng tôi chỉ quản lý, kiểm tra, tham mưu cho quận Tây Hồ cùng các sở, ngành liên quan. Khi thấy doanh nghiệp vi phạm, không đảm bảo an toàn… chúng tôi sẽ kiến nghị để xử lý”, ông Vĩnh cho biết.

Nguy hiểm hơn, trên các tuyến đò ngang qua sông, người dân cũng ngày ngày “đánh đu” với tử thần. Hà Nội có 36 bến đò dọc và 1 bến đò ngang trải dài trên 200km đường sông, nhưng việc chấp hành các quy định về an toàn còn bị xem nhẹ. Bến đò Thọ An (Km35 đê hữu sông Hồng) thuộc địa phận xã Thọ An, huyện Đan Phượng, hàng ngày vẫn chở khách qua sông Hồng nhưng quy định về mặc áo phao hay dụng cụ nổi chỉ tồn tại trên giấy.  Hay tại bến Vân Phúc (Km28 bờ hữu sông Hồng) thuộc địa bàn xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, mặc dù không được phép chở ô tô qua sông, nhưng bến đò này vẫn chuyên chở ô tô, xe máy, xe thô sơ… Và,  đều không có bất kỳ hành khách nào mặc áo phao.

Theo Đại tá Khuất Duy Kiều, Trưởng phòng CSGT đường thủy, Công an TP Hà Nội cho biết: “Tới đây, quy định xử phạt của Chính phủ đã được ban hành. Tuy nhiên, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, Thanh tra GTVT là rất quan trọng, vì với lực lượng mỏng của CSGT đường thủy cũng khó lòng xử lý hết vi phạm”. 

Điều 55 của Nghị định 93 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, có hiệu lực từ 15-10 tới đây quy định: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.