Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng

Đi đến mọi nơi nông dân cần!

ANTĐ - Vóc dáng lên bệ vệ, giọng khàn hồn hậu, cười rất tươi, đứng bên ruộng lúa là hình ảnh của chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng đọng lại trong trí nhớ tôi. Con người nhiệt huyết, nhiều cống hiến cho nông nghiệp này là nhà nông nghiệp mà số lượng công trình, phát minh được ứng dụng gấp ít nhất 2 lần tuổi đời.

“Đụng” đến bất cứ người con nào của GS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân (1906 - 2003), không ai có thể nói ngắn gọn. Bởi trong xã hội Việt Nam đương đại, gia tộc Nguyễn Lân có lẽ là chi họ duy nhất mà truyền thống học hành khoa bảng sáng rạng 4 đời với lực lượng trí thức đông đảo.

Đến tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Nguyễn Lân Hùng ở dãy H7, ai cũng biết. Nhà 30m2 xây 4 tầng, phòng khách bộn bề sách. Giáo sư đang viết trên bàn phòng khách, ông đã có vài ngàn bài in báo. Nếp sống của một nhà khoa học thấy rõ: bộn bề tài liệu, lại ngăn nắp và luôn đúng hẹn. 7 anh em trai ông đều được mang tên cha trong tên mình. Cùng anh Lân Tuất, Lân Cường, Lân Hùng là một nhạc sĩ viết trăm ca khúc, hợp xướng. Ông là Tổng thư ký Hội các ngành sinh học VN, ủy viên BCH Hội Nông dân VN.

- Thưa nhà sinh vật học, nhà nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng, biết ông là người khiêm nhường, hay giấu mình, song hôm nay, tôi nhất thiết muốn chiều độc giả ANTĐ. Đông đảo nhân dân biết đại gia đình ông là đội hình trí thức thành đạt, nhưng một số bị lẫn lộn thứ tự và không tường mình đầy đủ về công việc của anh em ông. Ông có thể nhắc lại?

- Cha mẹ tôi sinh được 8 con. Người con gái duy nhất là chị Tề Chỉnh (1936 - 1993), là TS sinh học, qua đời vì tai nạn giao thông. Chị cũng thành đạt, vì mất sớm mà ít được nhắc đến. Cha tôi là nhà giáo dục, cả đời dốc sức dạy học, soạn giáo trình, viết sách. Chúng tôi kế thừa con đường ấy, đều là nhà giáo, với các nghiên cứu, công trình đi vào cuộc sống, có ích cho cộng đồng, đất nước. Anh cả là GS, nhạc sĩ, nghệ sĩ Công huân LB Nga Nguyễn Lân Tuất (1935). Anh sang Nga học từ 1959, lấy vợ Nga, sinh 1 con gái, cháu không biết tiếng Việt, dạy đàn hạc có 2 con. Chị Chỉnh có 4 con, 8 cháu. GS, TS, NSND Nguyễn Lân Dũng (1938), lấy vợ là PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu (nguyên Phó Giám đốc BV 108, con gái GS Nguyễn Văn Huyên). PGS.TS Nguyễn Lân Cường (1941) - Phó Tổng thư ký hội khảo cổ học Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Lân Tráng (1948), giảng viên Điện, ĐH Bách Khoa. GS.TS NGND Nguyễn Lân Việt (1952, nguyên Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội), hiện là Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia. PGS.TS Nguyễn Lân Trung (1954), Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG), Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

- Trong đội hình này, ông là người thầm lặng nhất thì phải?

- Hùng - Tráng thầm lặng hơn các anh em mình, còn tôi được bà con khắp các nơi yêu mến. Đi công tác đoàn, tôi luôn được chú ý nhất, bà con ra chụp ảnh cùng, taxi không lấy tiền. Anh lái xe có phạm luật giao thông, tôi xuống, công an cho đi. Đấy là phần thưởng lớn.

- Gia đình ông gắn bó lâu năm với Hà Nội, trừ người anh cả. Nhưng ông lại sinh ra ở Huế... 

- Mỗi đứa con được đặt tên, ra đời tại đâu cũng gắn với cuộc đời cha tôi, một trí thức cộng sản giản dị, tận tụy. Sinh tại Mỹ Hào, Hưng Yên, cha tôi lên Hà Nội học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương rồi dạy học trường tư thục Thăng Long, Hồng Bàng. Từ 1935 - 1945, cha dạy học ở Huế, qua 3 trường: Quốc học, Đồng Khánh, Bách Công. Ở cố đô, ông tham gia cướp chính quyền. Sau Quốc khánh 1 tháng, cuộc dịch chuyển đầu tiên của tôi thực hiện khi còn đỏ hỏn, chưa đầy 1 tháng tuổi đã theo cha mẹ từ Huế ra Hà Nội. Hai em Việt - Trung là tên kỷ niệm bố tôi dạy tại khu học xá Trung ương, Nam Ninh, Trung Quốc (1951 - 1956).

- Một số nhà trí thức tên tuổi đồng tình nhận định: Nước ta có quá nhiều GS. TS, mà nền khoa học yếu, nông dân bao đời vẫn cắm mặt xuống ruộng cấy cày, lam lũ. Cũng giống như quá đông NSND, NSƯT mà nền nghệ thuật nước nhà lúc này ít tác phẩm gây tiếng vang. Hay tại lệ nước ta đã đăng ký bảo vệ của luận văn, luận án là được cho điểm 9, 10, không ít luận án copy, đạo văn lọt lưới?

- Giám đốc lâu năm của Trung tâm Sinh học Thực nghiệm, tôi là chủ đề tài nhiều công trình dự án được áp dụng khắp các tỉnh, thành. Nghiên cứu khoa học khác với làm luận án để lấy bằng cấp dán mác cho ai hay nhằm thăng chức. Nghiên cứu phải đích thực, thật tốt và triển khai càng phải thật tốt. Chức danh rởm, bằng cấp rởm, báo cáo, đề tài rởm sẽ không giúp ích gì cho xã hội. Tôi coi trọng những giá trị chân chính và tự hào nói: Tôi là bạn của nông dân, chơi thân với nông dân cả nước.

- Từ 2010 đến nay đều đặn thứ 5 hàng tuần, trên báo Nông thôn ngày nay có mục “1001 cách làm ăn“ do ông viết. Tôi “choáng” vì kiến thức kinh nghiệm nuôi, trồng động thực vật của ông thật đa dạng, diễn đạt dễ hiểu, hóm hỉnh.

-  Tôi vốn hóm hỉnh mà. Kể qua nhé, tôi bày cách cho bà con trồng năng suất cao: thanh long, bơ, ca cao, cà phê, chôm chôm, trám, ngô, mít, vải; nuôi: lươn, bồ câu, cừu, tắc kè, rắn, tu hài, nghêu ngao, giun; cách diệt chuột, làm hầm biogas, làm kẹo mạch nha, trồng nấm, mộc nhĩ. Tôi cứ làm và triển khai chứ không nệ vào báo cáo, bảo vệ. Chẳng hào hứng gì khi bảo vệ công trình trước kẻ dốt hơn, hay chỉ theo những hào quang ảo.

- Nhà ông có truyền thống gắn với sinh học?

- Đúng vậy. Từ khoa Sinh, Đại học Sư phạm anh Lân Dũng, chị Tề Chỉnh và tôi đều học, là giảng viên. Đến con trai tôi - Nguyễn Lân Hùng Sơn (1976) cũng thế, Sơn là PGS, TS, phó chủ nhiệm khoa  trẻ nhất trong lịch sử khoa này. Cuộc đời tôi luôn bận và đi. Ra trường 1967, tôi về Vinh dạy 10 năm. Năm 1968, tại Thanh Hóa, tôi viết hợp xướng “Bài ca trường ĐHSP Vinh“ gần 3 chương, đến nay các em SV vẫn hát. Hồi nhỏ, anh em tôi tự học nhạc, lớn lên, chỉ anh Lân Tuất theo âm nhạc chuyên nghiệp. Anh Lân Cường và tôi vẫn duy trì sáng tác, công bố, là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hà Nội. Tôi viết trăm ca khúc, từ thời SV đến nay, một số bài phổ thơ. Có âm nhạc, biết yêu nghệ thuật, cuộc sống đẹp hơn, nhiều cảm hứng hơn.

- Vâng, tôi đã nghe các đĩa nhạc của ông và xem tập ca khúc “Trên những nẻo đường quê hương“, ông còn viết lời Việt cho quốc ca Nga và sáng tác “Khải hoàn môn Paris“. 

- Tôi đã có dịp đi công tác qua Mỹ, Mexico, Úc, Pháp, Nga, Trung Quốc, Thái Lan... Chất thơ trữ tình không bao giờ hết trên mặt đất này. Đài Truyền hình Hà Nội vừa ghi hình chương trình “Âm nhạc của tôi”, giới thiệu chân dung tôi với 5 ca khúc do NSƯT Hồng Liên, ca sĩ Hoàng Tùng, Trần Hồng Nhung, Thu Huyền thể hiện. Đặc biệt, NSND Quang Thọ hát “Tạm biệt nước Nga”.

- Ông người to con nhất nhà, ông chăm tập thể dục?

- Làm gì có thời gian tập. Ở tuổi tôi, cao 1m70, 73kg cũng là “tạm được” rồi (cười). Cả ngày bận, đêm viết, sáng 4h 30 đã dậy. Tôi lên Đài Truyền hình Việt Nam, ghi hình để phát 2 phút trong chương trình Chào buổi sáng hàng ngày lúc 5h50, riêng Chủ nhật là 10 phút, giải đáp các thắc mắc của bà con về nuôi trồng, làm kinh tế nông nghiệp. Lại bảo đảm bài cho tổ chức Trang trại Việt mỗi tháng. Năm nào triển lãm nông nghiệp ở số 2 Hoàng Quốc Việt tôi đều trong Ban chủ trì, mới tham gia sáng 21-8 hội thảo khai mạc về chăn nuôi, trồng trọt, chế biến của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn.

Trước kia, tôi đã giữ mục “Nông dân cần biết“, “Cùng nông dân bàn cách làm giàu“ (VTV2). Sau này các phóng viên tự làm được thì tôi ngừng. Tôi từng giữ mục “Cách thức làm ăn“ trên báo Nhân dân, Mỗi tuần một nghề -báo Nông nghiệp Việt Nam (NNVN). Chiều 23-8, tôi đến tòa soạn báo, bàn về bài viết cho số đặc biệt 2-9: Vấn đề tại sao nông dân bỏ ruộng? Chiều 28-8, lại đến Đài Tiếng nói Việt Nam ở Bà Triệu thu thanh trực tiếp, nói về cây chòm ngây (dùng lá ăn, làm thuốc), nhằm nhân rộng cây này. 

- Trở lại câu chuyện đại gia đình trí thức, ông có thể cho biết về thế hệ cháu, chắt GS Nguyễn Lân?

- Cha tôi có 18 cháu, trong đó 4 cháu ngoại. Hệ cháu nội, nổi bật có thể kể 2 con của anh Lân Dũng đều là TS: Nguyễn Lân Hiếu (Viện phó Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), TS Hiếu Thảo giảng viên ĐH Y. Cháu nội út Nguyễn Ngọc Lưu Ly là TS. Phó chủ nhiệm khoa tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ, tiếp nối sự nghiệp bố Lân Trung. Tôi có 3 con, 2 trai 1 gái. Con út Hằng Giang (1978) đang làm việc về tài chính cho một số tổ chức quốc tế.

Con cả Nguyễn Lân Hùng Quân, 2 lần tu nghiệp tại Pháp, hiện là phiên dịch cao cấp của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Nga, vợ Sơn - bạn học thời sinh viên khoa Pháp, hiện làm cho Alcatel (Pháp). Sơn có 2 con gái, cháu Nga Nhi học lớp 7 trường Amsterdam. Cháu đứng thứ 4 cuộc thi Toán châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Singapore, gần 400 thí sinh từ 13 quốc gia, trao giải hôm 1-6. Hôm nay 25-8, cháu dự trao giải cuộc thi “Nhật ký xanh” viết về môi trường, do Panasonic tổ chức. 

Cháu trai đích tôn của GS Lân Dũng có trí thông minh tuyệt vời, nhưng bố và ông nội lại “giấu” báo chí. 10 chắt nội, 8 chắt ngoại của GS Nguyễn Lân, vẫn có gen sáng láng học hành, thật may mắn!

- Ông đi công tác, sống cùng bà con đưa giống mới vào môi trường, và chính mình cũng ươm nở bao xúc cảm sáng tạo?

- Tôi nhớ kỷ niệm 20 năm trước, bà con Tủa Chùa (Điện Biên) đi bộ suốt đêm hơn 30km đường rừng chia tay tôi, người cho túi thổ cẩm, người đưa củ sắn, nắm gạo, tấm lòng nhân dân thương quý tôi từ đất liền ra đảo Phú Quốc, Phú Quý... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng giao cho tôi giúp nhân dân Trường Hà (Pác Pó, Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), Nam Đàn (Nghệ An) cách làm ăn thoát nghèo. Tôi không giàu tiền bạc, nhưng nỗ lực uy tín bao năm dùng để giúp mọi người. Tôi nhiều lần xin doanh nghiệp giống cây vật nuôi để tặng bà con. Tôi xin 20 con trĩ đỏ, 2.000 gà giống cho Trường Hà, làm mẫu hầm biogas, trồng cây ăn quả.

- Hà Nội có nông thôn, nhưng ruộng đồng đang mất dần, nên phát triển rộng cơ cấu cây trồng thế nào để nâng tầm nông nghiệp Thủ đô?

- Trồng hoa, nhưng phải đầu tư công nghệ nhà kính như Đà Lạt. Rùa là giống thích phơi mình trên cát. Tôi đã đề nghị làm “đảo cát“ hình nấm đẹp trên hồ Hoàn Kiếm, cho rùa lên nằm, có cát, mái che, mà thành phố không triển khai? Tôi cũng qua Cămpuchia, Lào đưa doanh nghiệp VN, phân bón 5 sao, Vinamit, Amfarco (Mỹ) giúp nông dân bạn. Nghề trồng hoa Hà Nội cần phát triển như Đà Lạt. Việt Nam có thể phát huy tour du lịch nông thôn, cần có bánh trái Việt Nam, thực phẩm sạch, đồ lưu niệm mang bản sắc Việt Nam, thế mới là trọn bộ.

- Ông lại sắp đi nước ngoài?

- Từ 1 đến 10-9, sang Trung Quốc, đến Vân Nam, Nam Ninh tìm hiểu về cây mac ca, loại cây lấy quả khô ăn hạt, đưa về trồng ở Tây Bắc, Tây Nguyên. Về, lại lên tỉnh đoàn Tuyên Quang nói chuyện với thanh niên về canh tác nuôi trồng ở miền núi. Tôi vẫn thường xuyên nói chuyện về cách làm giàu từ nghề trồng trọt chăn nuôi trên VOV, VTV và đi khắp nước. 68 tuổi, tôi chưa hề nghĩ đến nghỉ ngơi. Tháng 10 sẽ đi Ấn Độ. Tôi muốn đến nơi khó khăn, nơi nông dân cần tôi và tôi sẽ đóng góp cho họ đến sức lực cuối cùng mà không bao giờ khoe thành tích.

- Ông thực sự xứng đáng là “anh hùng lao động”, người có công đóng góp cho nông nghiệp nước nhà.

- Cảm ơn, tôi không bất ngờ khi chưa được Nhà nước phong là do nông dân cả nước đã phong cho tôi danh hiệu này lâu rồi (cười tươi).