Đi dạo chiều Ba mươi

ANTĐ - Lắm người có thói quen đi thong thả quanh phố phường chiều 30 tết. Bóng người một mình lững thững qua cái thời khắc tưởng như là sắp mất, lại như là sắp đến trong đời người lúc năm cùng tháng tận. Nó thật có vẻ riêng hay là cứ tưởng mờ ảo như thế, cũng không biết.

Ngày chợ áp tết vẫn còn mua bán muộn. Bây giờ khác, hôm nay khác. Nhiều nhà chỉ đi chợ một ngày đã sắm đủ các thứ và người ta chỉ ăn một bữa cúng là xong cái tết. Nhưng xem ra đi chợ mua sắm tết lối mì ăn liền cũng chưa nhiều, mà cái tết vẫn bận rộn như ngày xưa. Chợ đông từ gà gáy, đến chiều hôm mới vãn, còn cả chợ đêm.

Đoàn tàu hỏa ngoài ga Hàng Cỏ rúc còi như trông ngóng người về người qua lại. Đã một tháng nay cái tết rộn rã bốn phía, nhưng buổi chiều 30 như ngừng lại. Mâm cơm cúng tất niên, khói hương phảng phất trong mưa phùn. Có phải từ nghìn xưa, ông bà ông vải ở âm ty đương lọm khọm chống cây gậy mía đỏ trên con đường sống trâu lầy lội về, cho kịp ngày con cháu cúng cỗ lễ tiên thường mời về ăn tết với con cháu cả nhà.

Quả nhiên có những cái khác trước, nhưng có những cái như in vào tưởng tượng của người ta thì vẫn thế. Chẳng mấy nhà còn gói bánh chưng. Nhưng lá dong trong rừng trên Mường Lò, trên Thất Khê từ trong suối trở ra đưa lên xe tải về thành phố thì đi cao hàng núi. Những ống giang buộc bánh theo thuyền từ chợ Phương Lâm xuống xuôi chợ Bến Nứa cả đêm. Không còn phong tục đun bánh đêm 30, nhưng vẫn có người thửa bánh, đặt bánh, mua bánh. Chỉ một ngày 30 đã sắm được đủ, từ nải chuối xanh để bàn thờ đến con gà luộc.

Xe cộ trên đường ầm ầm ồn ã. Hoa tết vẫn trông thấy những cành đào to kềnh, những chậu cúc đại đóa vàng như hoa vẫy dọc đường.

Trông ra hồ, con mắt được tựa vào cái phẳng lặng bóng nước. Buổi chiều mặt nước long lanh làm cho con người ta có vẻ thong thả hơn.

Tiếng chuông chùa như thực như hư.

Bên vỉa hè, chiếc xe rác ba bánh vàng nhợt như con cánh cam, cánh quýt nhiều chân được đẩy lịch kịch qua. Cái lệ đổ rác, nhặt rác qua các ngõ phố vẫn như mọi khi. Những cái xe tải rác nối nhau qua lên Sóc Sơn vùng sâu vùng xa của Hà Nội.

Đầu tiên người ta đánh kẻng cho mọi nhà vác thùng và túi nilon ra đổ rác. Các xe rác đã túc trực ở đầu phố, bên mấy cô công nhân rác mặc áo dạ quang vàng sáng đẩy xe. Các cô là con em làm nghề rác đã mấy đời ở vùng Ô Chợ Dừa, bây giờ cha chú lại xin vào sở và truyền nghề cho.

Các cô tay đeo găng nhựa đã xúm lại từng xe, chọn ra, lấy lại các thứ lỉnh kỉnh của người ta bỏ đi. Đồ vứt đi, nhưng mỗi hôm mỗi khác, và ngày áp tết đến lại càng nhiều. Cái khung giường, cái ghế gãy kềnh càng được xếp ra men tường. Chai to, chai nhỏ, vỏ bia bày thành hàng.

Chốc nữa, thay kíp, các cô đạp xe đến lấy. Lại những người ở đâu đến lục lọi - tay chẳng cần mang găng, cứ thế sục vào đám rác đã nát như bùn. Có người giơ cái móc sắt gắp ra những túi, những mảnh nilon bỏ lên giỏ sau xe đạp. Cái xe rác con con đã đến trước cái xe tải há hoác cánh cửa, ồn ào ngoạm từng đống rác vào trong bể. Chuông leng keng báo hiệu xe chạy. Đoàn xe rùng mình chạy suốt vào đêm 30, sang đổ xuống các bể rác bên kia sông.

Ở Sóc Sơn có một cái phố liều chứa rác không biết mọc lên từ bao giờ. Mấy chục nhà sinh sống bằng những xe đem rác từ bên thành phố tới. Mỗi tối, cả trăm xe rác lên bãi đỗ, lại cả ngày cái xóm tấp nập, cặm cụi người ra bới, ra nhặt những cái vứt đi ở bên phố còn lại. Ấy thế mà vẫn còn lại. Nếu không, sao đã thành cái xóm sinh sống bên núi rác này.

Xin kể một đoạn trong phóng sự trên một tờ báo viết về mua bán chó ở bãi rác. Ở trong phố, thường nuôi chó nuôi mèo chơi, phải khi chó ốm hay mèo ăn phải bả, người ta chẳng dám ăn thịt cũng không đem chôn hay vứt ra đường ngại lôi thôi, mà ném xuống hố xuống sông cũng bị kêu rêu, lôi thôi. Chỉ có bọc lại, bỏ vào xe rác là tiện (!?).

Ở bãi rác đi thẳng vào nhà, một người lẳng trên vai xuống một con chó nằm còng queo - con chó chết từ bao giờ.

Người ấy nói:

- Thằng này bụng còn mềm, tươi đấy.

Người mua bảo:

- Cũng là cái của chết rồi. Ông ra giá bao nhiêu?

- Dưới một trăm không được.

Cái mẽ con chó toi này thì chỉ nửa đêm là lên mùi thối. Đừng ăn quá, mất toi. Năm mươi đồng đấy, một phát, chỉ một phát, không thì thôi.

Người bán vẫn lầu bầu nói, nhưng đã giơ tay cầm tờ bạc. Con chó chết được buộc ngang vào hông cái xe máy, bật đèn sáng choang, lập tức chạy vi vút vào phía Trung Giã, bên ấy có lò thịt. Chẳng bao lâu, con chó chết đã được phanh ra, chỗ để luộc, để nướng chả, chỗ làm sáo, sáng sớm các xe máy lại chạy đi các chợ. Ôi chao, nào biết được, bây giờ các hàng bán thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa, thịt chó con sống hay con chết đều được mua bán như nhau chăng.

Lại nghe tiếng chuông chùa văng vẳng. Vắng lặng và êm ả. Bên vệ hồ, một người đàn bà quần thâm áo bông hoa đương đi ra bờ cỏ. Ô hay, cái người này đi trẫm mình chăng. Xúi quẩy mình rồi. Tôi không quáng mắt hoảng hốt đâu, mới đây đọc báo thấy đăng tin chỗ cổng đầu hồ Gươm có một bà lão sáng sớm lội ra hồ. Các cụ tập thể dục trông thấy, hô hoán lên. Có người kéo được bà già lên. Mọi người mới đi khỏi, bà ấy lại phăng phăng lội ra hồ.

Lần này thì bà lão chết chìm thật. Tôi cố thoát khỏi những u ám. Nhớ một câu tuyệt đẹp trong bài thơ Tụng Tây Hồ của Nguyễn Hữu Lượng:

Liễu bờ kia tơ biếc phất phơ, thời oanh ghẹo hai phường dệt gấm

Sen vũng nọ nảy tiền sen lác đác, lửa đốm ghen năm xã gây lò.

Phải rồi, đây không phải là người tự tử. Bác nạ dòng chít khăn vuông đen lại quàng cái tạp dề xanh ngang bụng. Bác lội cả ống quần xuống nước, tay giơ cái vó lưới, như người kéo vó tôm. Cái lưới quăng ra, lại mải miết kéo vào. Sợi dây lòng thòng như thừng kéo lưới buổi sáng trên bãi biển Sầm Sơn. Nhưng sao lại kéo cá, kéo tôm vào lúc năm hết tết đến, trời đương rét mướt thế này.

Cái lưới nặng, lăn ra những cục bùn lóc nhóc như vỏ ốc nhồi, có cục to bằng quả bưởi.

Tôi bước lại, hỏi:

- Bác quăng lưới bắt cái gì đấy?

Bác ta vẫn chăm chú vào mắt lưới, nói ra:

- Tôi nhặt bình hương. Bây giờ rằm tháng 7 hay cuối năm, người ta hay bỏ bát hương xuống hồ như thả con cá con chim phóng sinh, phóng đãng ấy mà. Chẳng biết trời phật có phù hộ hay không, nhưng mà vứt đi thế phí của quá. Nhặt về, rửa cẩn thận, mấy ngày tết đem bán, lại là đồ cổ được tiền             đấy ạ.

Tôi nói:

- Mai mùng một rồi.

Nghe tiếng chép miệng:

- Ngày tết nhà nào cũng phải có cái bát hương, ở cơ quan cũng mua nhiều bát hương, mỗi phòng một cái.

Cái cảnh vớt bát hương trong hồ để bán cũng chẳng lạ. Năm qua, cái khi thành phố làm đẹp công viên cho đào lại hồ Thiền Quang, phải đưa các xe tải vét bùn quanh hồ, lấy lên hàng đống bình hương, bát hương, và bình vôi lẫn với hàng đống túi nilon, túi ca pốt và cơ man là kim chích cơm đen cơm trắng.

Không biết nên đặt tên cho những việc ấy, nghề ấy thế nào. Bóng cái bà đương mải miết quăng lưới nhặt bình hương cứ quanh quẩn mãi. Đời sống cạnh tranh và bon chen này sinh ra lắm nghề, lắm việc lạ lẫm. Không nói giỡn đâu, cái hồ Tây bây giờ đã bé nhỏ hơn nhiều, thế mà hồ Tây ngày nay nuôi được bao nhiêu người Thái Bình, người Thanh Hóa quanh năm ra Kẻ Chợ đi mò ốc, mò hến lấy tiền về nuôi bố mẹ già, nuôi con ăn học. Cái nghề không tên trong sổ hộ khẩu và mọi giấy tờ. Chẳng biết có ai mò ốc vặn, ốc mút ở hồ Tây về quê ăn tết, hay vẫn ngày ngày kiếm ăn dưới hồ.

Lại tiếng chuông ngân xa xa. Chuông chùa Trấn Quốc, hay chùa Ngũ Xã bên hồ Trúc Bạch, hay xa xa bên kia hồ những chùa xa lơ xa lắc như chùa Võng, chùa Sài ngày trước còn trông thấy cổng tam quan.

Chùa Thiên Niên có cây vọng cách

Chùa Bà Sách có cây đa lông

Cổng làng Đông có cây khế ngọt

Con gái kẻ Cót buôn dâm buôn xể

Con giai làng Nghè dệt cửi kéo hoa...

Ngày xưa chúng tôi vẫn hò hét ngô nghê thế. Từ lâu những tiếng động ầm ầm cả thành phố đã át tiếng óng nước, tiếng cá nhảy, tiếng con giang, con sếu bay và xa mờ cả những câu đồng dao ngẩn ngơ của lứa tuổi thơ kia.

Tôi vẫn lững thững đi.

Rồi thì những cái lo vẩn vơ, những lúc đợi sang đường, những lúc tránh xe làm cho tôi bối rối. Bây giờ đi một bước cũng phải tính, nhưng rồi tiếng chuông chùa đâu văng vẳng, tôi lại thấy trong người êm ả trở lại. Và vui vui nữa, bởi vì tôi trông thấy một cậu bé mặt mũi nhanh nhẩu đi như nhảy trên bờ hồ.

Tôi đương đoán về cậu bé và niềm vui của cậu ta, thì cu cậu đã đứng trước mặt tôi, giơ tay theo kiểu chào bộ đội.

- Chào ông, ông cho cháu đánh đôi giày tất niên.

- Mày đi chân tay không thế thì đánh đập gì?

- Cháu đi chơi tất niên tối nay, sáng mai đánh vài đôi giày mở hàng, trưa về quê ăn tết, quê cháu ở gần chùa Hương. Chỉ một giờ xe buýt về đến nhà.

Thằng bé lôi đằng sau lưng áo ra cái gói, trong có hai hộp xi, bàn chải, mảnh vải đánh bóng, tất cả nhét vào lưng. Thế này thì bao giờ người ta đuổi được hết những trẻ lang thang trong thành phố. Cậu bé quả là… người đương thời. Tôi còn lẩn thẩn đi, còn biết bao nhiêu chuyện đời người.