Đi công chứng, chứng thực vớ phải văn phòng công chứng...giả

ANTD.VN -Vừa qua, Sở Tư pháp TP.HCM phát hiện văn phòng công chứng (VPCC) giả tại phường Hiệp Phú, quận 9. Đến thời điểm kiểm tra, các cá nhân, tổ chức đã thực hiện công chứng, chứng thực giả khoảng 600 vụ việc.

Liên quan đến sự việc này, điều được người dân quan tâm là những văn bản, giấy tờ đã được công chứng, chứng thực tại VPCC giả này có bị vô hiệu? Trách nhiệm pháp lý đối với đối tượng có hành vi vi phạm?

Hành nghề công chứng trái phép, làm giả con dấu

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, tạị VPCC giả có treo biển hiệu, quảng cáo nơi đây là trụ sở của Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu. Các văn bản công chứng, chứng thực bản sao sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng quận 12 do công chứng viên Nguyễn Thế Thành ký tên. Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy, tại VPCC ở phường Hiệp Phú, cá nhân, tổ chức có hành vi hoạt động hành nghề công chứng trái phép, làm giả và sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng quận 12, công chứng viên Nguyễn Thế Thành.

Về tính pháp lý của các loại giấy tờ đã được công chứng, chứng thực từ VPCC giả, theo một công chứng viên có thâm niêm 5 năm hành nghề công chứng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, việc công chứng, chứng thực tại VPCC giả đương nhiên không có giá trị về mặt pháp lý, các văn bản đã được công chứng là vô hiệu, song cần xem xét tính chất của từng hợp đồng để có biện pháp xử lý phù hợp. Trường hợp xảy ra tranh chấp, các bên có thể khởi kiện ra tòa,. Khi đó TAND sẽ tuyên hợp đồng công chứng, chứng thực vô hiệu và bên gây thiệt hại là VPCC giả phải bồi thường thiệt hại (nếu có).

Người dân khi đi công chứng cần đến các địa chỉ có uy tín

Cũng theo công chứng viên này, việc thành lập một VPCC phải tuân thủ theo quy trình rất chặt chẽ. Trước tiên, cần phải có tối thiểu 2 công chứng viên với ít nhất 2 năm kinh nghiệm hành nghề công chứng. Sau đó, công chứng viên sẽ lập đề án thành lập VPCC hợp danh trình Sở Tư pháp, trình UBND Thành phố ra quyết định thành lập. Sau khi có quyết định của UBND Thành phố, Sở Tư pháp sẽ cấp giấy phép hoạt động cho VPCC. Một trong những điều kiện tiên quyết để thành lập VPCC là phải có địa điểm rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định. Do đó, việc tồn tại một VPCC giả hoạt động trong một thời gian khá lâu mới bị phát hiện cho thấy sự buông lỏng quản của chính quyền địa phương và cơ quan liên quan.

Cá nhân vi phạm có thể phải ngồi tù

Về trách nhiệm pháp lý của đối tượng thành lập và hành nghề lại VPCC giả, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội điều 74 Luật Công chứng 2014 quy định: “Các cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Hành vi sử dụng thẻ công chứng viên giả sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được. Ngoài ra, tổ chức vi phạm phải hủy bỏ giấy tờ đã công chứng giả và bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-2 năm. Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở  lên…thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Việc VPCC giả công chứng, chứng thực hàng trăm văn bản, hợp đồng sẽ làm phát sinh nhiều hệ lụy. Trong trường hợp giao dịch là các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản không ít khách hàng sẽ bị thiệt hại khá nặng nề. Điều này cũng sẽ xảy ra khi một bên không hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ gây thiệt hại cho bên kia chỉ vì hợp đồng được công chứng, chứng thực từ VPCC giả.

“Do vậy, để tránh rủi ro, người dân khi đi công chứng, chứng thực các hợp đồng,  văn bản, giấy tờ có giá trị cần tìm đến các VPCC, các công chứng viên có uy tín, địa chỉ rõ ràng, không nên đến các cửa hàng dịch thuật, công chứng nhỏ lẻ, mới xuất hiện kẻo vừa mất tiền vừa rước họa vào người” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa khuyến cáo.