Campuchia du ký:

Đi chợ côn trùng, ăn món... nhện chiên (P4)

ANTĐ - Những con nhện đen sì, thân to như quả nhãn lồng với 8 cái chân lông lá, không ngờ lại trở thành một món ăn “quốc hồn, quốc túy”.

Đi chợ côn trùng, ăn món... nhện chiên (P4) ảnh 1
Tại chợ côn trùng, người ta còn bán nhiều mặt hàng nông sản khác như:
Hành, tỏi, hoa quả...


Trên quãng đường dài 314km từ Siem Reap về Phnom Penh có một cảnh tượng rất quen thuộc: Hầu như nhà dân nào cũng giăng 1 tấm ni-lon màu trắng, dài chừng 3m phía trước cửa. Lại gần thì thấy bên dưới có một cái máng nước làm bằng bạt, phía trên treo mấy cái bóng điện nê-ông màu tím. Đó chính là những chiếc bẫy côn trùng rất hiệu quả.

Vào ban đêm, những vùng quê này có rất nhiều côn trùng như: cào cào, châu chấu, cà cuống, dế cơm… xuất hiện. Thấy ánh đèn bẫy mê hoặc thì chúng lao vào tấm ni-lon rồi rớt xuống máng nước, ướt cánh không bay được nữa. Chỉ với loại bẫy hết sức đơn giản này, mỗi hộ dân bắt được tới 5-7kg côn trùng/đêm.

Đi chợ côn trùng, ăn món... nhện chiên (P4) ảnh 3 Đi chợ côn trùng, ăn món... nhện chiên (P4) ảnh 4
Nhưng gây ấn tượng nhất chợ, là những con vật này

Thật ngạc nhiên là với cách bẫy kiểu tận diệt như thế nhưng côn trùng nơi đây không hề giảm sút số lượng mà ngược lại, thậm chí còn tăng lên. Chúng nhiều đến nỗi, có những đêm đổi giời các bác tài xế ô tô chạy được một đoạn đường lại phải dừng xe, lấy khăn lau xác côn trùng dính trên kính chắn gió, sau khi chúng thiêu thân lao vào ánh đèn xe. Ngay cả khi sử dụng gạt nước cũng không hết.

Côn trùng chính là nguyên liệu để làm nhiều món ăn khoái khẩu của người Campuchia: dế cơm bẫy được rửa sạch để nguyên con, cho vào chảo đảo dầu nóng, thêm các loại gia vị…dậy mùi thơm phức. Trên nhiều đường phố của Phnom Penh đều có những quán nhậu côn trùng kiểu này.

Món nhện chiên tại chợ côn trùng là đồ ăn khoái khẩu của người dân bản địa,
nhưng là thử thách thực sự đối với khách nước ngoài

Nhưng lớn nhất phải kể đến chợ côn trùng nằm cách Phnom Penh chừng 70km về phía Bắc. Ở đây, côn trùng các loại rang, chiên sẵn để đầy từng mẹt, trong các quầy ki-ốt bố trí thành 2 hàng. Ngoài ra còn có rất nhiều người đội thúng bán lẻ, đi qua đi lại. Cào cào và dế cơm ở đây được bán theo lon chứ không bán theo lạng hay kg. Cứ 15.000đ/lon, ăn…mệt nghỉ. Đắt nhất vẫn là cà cuống, tuy nhiên những con bán ở chợ hầu hết chỉ còn cái xác, túi hương đã được người bán rút ra từ trước, tập trung lại và bán với giá khá cao.

Đi chợ côn trùng, cần phải biết chọn mẻ côn trùng vừa rang, chiên thay vì lấy nhầm hàng lưu cữu từ hôm trước: Không lấy những con mềm oặt phủ trên mặt thúng, cần bới sâu xuống dưới để lấy con khô rang, nhưng không lấy vào những phần cháy đen. Một kinh nghiệm nữa là nhìn những lát ớt rắc lên côn trùng: Nếu nó đã mềm oặt có nghĩa là mẻ côn trùng đó đã được rang, chiên từ hôm trước.

Chỉ từ sáng tới trưa, khay nhện chiên này đã bán vơi quá nửa

Cà cuống là món ăn đắt nhất ở chợ côn trùng

Món ghê gớm nhất ở phiên chợ đặc biệt này phải kể đến món “nhện chiên”. Đó là một loại nhện lớn toàn thân màu đen, thân to cỡ quả nhãn lồng, với 8 cái chân dài lông lá và đặc biệt là… còn sống nguyên. Mấy đứa trẻ Campuchia, da đen cháy, tóc đỏ quạch, chân đi đất, tay bưng cái chậu nhôm trong chứa cả trăm con nhện bò lổm ngổm, dí vào mấy vị khách châu Âu tiếp thị, khiến ai nấy “chạy mất dép”. Tai quái hơn, có đứa còn cầm nhện trên tay, cho bò lên vai áo khách (rất may đây không phải nhện độc và chúng cũng không cắn) làm nhiều bà, nhiều chị hét như còi.

Những con nhện sống này được bán với giá khoảng 6-7.000 đồng tiền Việt/con, được nhiều người mua về ngâm rượu. Còn một cách khác để thưởng thức con vật ghê gớm này đó là… chiên chúng lên với các loại gia vị. Tôi cũng nhắm mắt nhắm mũi nhai thử 1 con nhỏ nhất. Thật bất ngờ, khi thịt của loài vật này tan trong cổ, không hề tanh mà khá đượm. Nhưng dù sao, chắc chắn tôi vẫn không thể nghiện ăn món này- như một số người dân bản địa.

(Phần 5: Những bộ rễ cây khổng lồ, đáng sợ ở đền Ta Prohm)