Đi chợ chứng chỉ, bằng cấp dễ như mua... rau

ANTĐ - Chưa bao giờ cái chuyện mua chứng chỉ, bằng cấp lại dễ như bây giờ: Từ bằng đại học, đến chứng chỉ tin học, tiếng Anh, rồi ngay cả luận văn, tiểu luận đều có thể mua bán như ngoài chợ. Có tiền là mua được, mua bằng dễ như mua rau. Có giá cả, cứ theo thế mà làm…

Học giả, bằng thật

Có đi chợ chứng chỉ, bằng cấp mới thấy việc đó còn dễ hơn mua miếng thịt, mớ rau.  Thế mới thấy cái nạn học giả, bằng giả đang tràn lan như một thứ dịch bệnh. Chẳng cần học vẫn có bằng, ai cũng có thể dùng bằng giả, thậm chí, khối quan chức cũng sử dụng bằng giả. Đóng vai một người đang cần các chứng chỉ về tiếng Anh và Tin học để hoàn thiện bộ hồ sơ xin việc ở một khu công nghiệp gần Hà Nội, chúng tôi đã dạo qua những chợ chứng chỉ được nhiều người biết đến ở Hà Nội. Hầu hết nhưng nơi tập trung mua bán chứng chỉ Tin học, tiếng Anh đều ở gần các trường đại học lớn như khu ĐH Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân, khu Đại học KHXH&NV, Đại học Hà Nội, Đại học Quốc Gia Hà Nội,…

Dưới chiêu bài nhận làm hồ sơ đăng ký học và thi chứng chỉ các loại, những nhân viên này sẽ trực tiếp rao bán, mặc cả giá với người mua. Một nhân viên của trung tâm đào tạo Tin học, tiếng Anh ở khu vực Đại học Hà Nội tên Thủy quảng cáo: “Anh thích đi học thì bọn em có thầy, cô giáo dạy. Nhưng vừa mất công, tốn thời gian, tiền bạc của cả anh và bọn em. Anh cứ bỏ ra vài trăm nghìn, sau 2 ngày có ngay tấm bằng, đỡ phải đi học, đỡ phải tốn kém”.

Khi chúng tôi thắc mắc, không học thì sao thi được, một chữ bẻ đôi tiếng Anh tôi cũng không biết thì nhận được câu trả lời gọn lỏn: “Nó chỉ là cái thủ tục, là cái điều kiện cần ở trong tập hồ sơ. Một chữ anh cũng không biết thì học đến sang năm cũng chưa có bằng đâu. Hay đợi đến năm sau mới đi làm?”. “Thế có đắt không chị?” - tôi dè dặt đặt câu hỏi với vẻ mặt ngơ ngác. Người phụ nữ ốm yếu than thở: “Dạo này làm ăn khó khăn, người ta kiểm tra gắt lắm. Giá cả cũng vì thế mà có tăng đôi chút. Anh chỉ cần nộp 2 ảnh 3x4, lấy chứng chỉ tiếng Anh thôi thì 230.000 đồng, chứng chỉ Tin học 50.000 đồng, làm cả hai thì tổng cộng 250.000 đồng”.

Lấy lý do không mang chứng minh thư, tôi định thoái thác thì chị động viên: “Không cần chứng minh thư, em có điều kiện photo cho chị thì tốt, không thì chỉ cần ghi lại thông tin và gửi cho chị. 2 ngày sau vẫn có bằng bình thường”. Bỏ ra 250.000 đồng, tôi đăng ký mua hai chứng chỉ dưới cái tên Nguyễn Văn Đỗ, với một loạt các thông tin tự nghĩ ra khác. Không chỉ chứng chỉ Tin học, tiếng Anh, rất nhiều các loại chứng chỉ khác cũng được rao bán công khai như, chứng chỉ may, chứng chỉ nghề, thậm chí chứng chỉ ngoại ngữ đủ loại Nga, Hàn, Nhật, Trung,… cũng đều có bán nhưng với giá khác nhau tùy loại.

Quay trở về khu vực trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN), ở đây xuất hiện nhan nhản các bàn đăng ký học và luyện thi các loại chứng chỉ. Tôi còn giật mình hơn khi giá chứng chỉ ở đây chỉ bán với giá 180.000 đồng cả bộ (tiếng Anh + Tin học). Và thậm chí, nếu muốn mua chứng chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp cũng có, giá vào khoảng 600.000 đồng một bộ. Theo quảng cáo của những người bán, chứng chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng không lo bị ai sờ đến, có hồ sơ gốc trên trung tâm, hàng độc nên giá cao và phải mất khoảng 15 ngày mới có bằng. Thậm chí, những người bán còn cam đoan, 1 đền 10 nếu bị phát hiện là giả: “Có dấu giáp lai trên ảnh, của Bộ cấp mà giả làm sao được. Nếu em đi nộp mà họ bảo giả thì cứ mang trở lại đây chị trả lại em gấp 10 số đấy. Yên tâm chưa?”.

Thi giả, học giả… chứng chỉ cũng giả

Gần đây, do yêu cầu bắt buộc, nhiều công ty đòi hỏi khắt khe về trình độ tiếng Anh, sinh viên có ý định đi du học nhưng thiếu chứng chỉ Toefl ITP - Toefl IBT- Toeic - Ielts cũng tìm đến những dịch vụ kiểu này. Giá của loại chứng chỉ này cao hơn so với các chứng chỉ loại bình thường bởi rất khó làm giả. Chính vì thế, theo một cò chứng chỉ chuyên nghiệp ở khu vực Thái Thịnh cho biết: “Có hai dạng chứng chỉ Toefl ITP - Toefl IBT- Toeic - Ielts, một là loại làm giả, trung tâm có thể tự cấp nhưng mà không có giá trị đối với những người đi du học, vì hầu hết các trường đại học ở nước ngoài không chấp nhận loại này. Loại thứ 2 tốn kém hơn, có hẳn một đường dây đi thi hộ, bằng cấp xịn do các tổ chức có thẩm quyền cấp.

Cụ thể, các chứng chỉ IELTS do một trong ba đơn vị đồng điều hành Hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế là Đại học Cambridge (University of Cambridge ESOL), Hội đồng Anh (British Council) và tổ chức giáo dục IDP của Úc cấp. Các chứng chỉ TOEFL do Cơ quan khảo thí giáo dục Mỹ (Educational Testing Servicr - ETS) và các tổ chức được ủy quyền cấp. Loại này giá đắt hơn rất nhiều. Tùy thang điểm yêu cầu mà giá dao động từ 6 triệu đồng cho tới 15 triệu đồng”. Thật khó mà kiểm chứng được những lời quảng cáo có cánh này liệu có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Nhưng tôi bỗng tự vấn, những kiểu chợ chứng chỉ, bằng cấp này đã tồn tại từ bao năm qua, đã có biết bao nhiêu học viên có thể không biết một chữ tiếng Anh cũng cầm cái chứng chỉ đó đi khắp nơi xin việc mà xin được việc đàng hoàng hẳn hoi. Vậy lỗi là ở đâu? Ai là người dung túng cho những thứ giả dối này tồn tại?

Mua cả luận văn tốt nghiệp

Có một thị trường mà ít người biết đến nữa, đó là nơi chuyên mua bán những loại luận văn, tiểu luận. Từ khóa luận môn, tiểu luận cho tới luận văn tốt nghiệp, tất cả đều được rao bán. Đây đúng là tìm gì cũng có, tâm huyết bao năm của những sinh viên đi trước đều được các anh, các chị hàng photo lưu lại một bản đề phòng sau này có sinh viên khóa dưới hỏi đến. Mà kể cũng lạ, cái nào càng cũ thì càng được sinh viên ưa chuộng. Bản mềm, bản cứng có cả, thậm chí cửa hàng photo còn bao luôn cả công in ấn, đóng bìa. Các sinh viên vẫn thường kháo nhau, ra ngoài mua, về sửa chữa lại đôi chút là có bài nộp đỡ mất công tìm kiếm, lên thư viện, thời gian đó đi chơi cho sướng. Những chợ luận văn như vậy hiện nay cũng được đầu tư công nghệ hiện đại.

Khách tìm mua luận văn, đồ án chẳng cần phải lật giở từng tập như ngày xưa mà chỉ cần nói đại khái chủ đề cần tìm, chủ cửa hàng sẽ gõ ngay lên công cụ tìm kiếm trong word hoặc exel để tìm kiếm thay khách hàng. Tôi lần mò đi mua luận văn ở khu vực Đại học Kinh tế Quốc dân. Đưa tôi đến chiếc máy tính đã bật sẵn, anh chủ cửa hàng nhập hai chữ “ngân hàng” vào phần tìm kiếm, nhấn enter. Tôi thật sự bất ngờ khi có đến hàng trăm luận văn hoàn chỉnh của các sinh viên nhiều khóa trước với đủ các hướng nghiên cứu cụ thể mà nếu sinh viên nào lười biếng chắc chỉ cần thay tên “chủ cũ” của luận văn thay bằng tên mình là xong kỳ tốt nghiệp. Giá của những bộ luận văn, tiểu luận như thế này siêu rẻ, 30.000 đồng đến 50.000 đồng một bộ. Có nơi còn ra giá 500 đồng một trang, cứ thế mà nhân lên. Có cung ắt có cầu, những sinh viên cần mua luận văn thì sẽ có những người bán cho họ.

Hơn nữa, việc mua bán luận văn, tiểu luận, khóa luận không thể áp vào một hình thức xử lý nào. Bởi người mua chỉ cần nói, mua về để tham khảo, thì khó ai có thể cấm họ. Nhưng nếu nhìn ở góc độ chất lượng giáo dục, những sinh viên như vậy chẳng qua chỉ là những kẻ ăn cắp kiến thức. Song điều đặt ra là, đã có rất nhiều cuốn luận văn được bán, và đương nhiên rất nhiều cuộc “vượt vũ môn” tốt nghiệp một cách trót lọt. Không biết các trường đào tạo, những thầy cô giáo hướng dẫn và phản biện luận văn tốt nghiệp có phát hiện ra điều này? Một là họ cũng bị sinh viên… lừa, hai là họ cũng là những người thiếu trách nhiệm dễ dàng dung dưỡng cho những trò “đạo kiến thức” hoành hành. Và nguy hiểm hơn là việc giáo dục như vậy sẽ cho ra xã hội một thế hệ học sinh méo mó cả về nhân cách lẫn tri thức.

Có cầu thì ắt có cung

Thị trường mua bán bằng, chứng chỉ tràn lan cho thấy nhu cầu để có được những tấm bằng này là rất cao. Phần lớn trong số đó là để hoàn thiện hồ sơ xin việc, hoặc học nghề, đi nước ngoài… Có cầu ắt có cung, người mua còn thì thị trường bán chứng chỉ, bằng cấp, giấy chứng nhận, luận văn sẽ còn tồn tại. Dư luận đặt dấu hỏi về nguồn gốc của những loại bằng cấp và chứng chỉ này. Hầu hết các loại chứng chỉ trên đều là “hàng xịn”, do các trung tâm cấp. Như vậy có thể khẳng định một cách rõ ràng là  có sự móc ngoặc của các trung tâm đào tạo tin học, ngoại ngữ trong việc cấp chứng chỉ, học viên không cần tham dự khóa học, không tham dự bất kỳ một kỳ thi nào vẫn được cấp chứng chỉ. Để  giải quyết tình trạng này không khó, song vấn đề là chúng ta có muốn giải quyết tận gốc hay không. B

ởi nếu các trường đại học cao đẳng yêu cầu các sinh viên phải phỏng vấn trình độ tiếng Anh giao tiếp nếu đạt mới được cấp bằng; các nhà tuyển dụng (nhất là các công ty Nhà nước) thay vì bắt nộp chứng chỉ khi đăng tuyển dụng bằng việc phỏng vấn trực tiếp. Hãy giảm bớt đi những thủ tục, điều kiện hình thức không đáng có, hãy tuyển dụng thực chất, kiểm tra chất lượng học tập thực chất thì đương nhiên sẽ không còn “đất sống” cho nạn bằng giả, chứng chỉ mua. Thật không ngoa khi nói rằng nạn bằng giả, chứng chỉ giả tồn tại là do chính cơ chế bằng cấp của chúng ta. Hoặc nhìn xa hơn đó chính là từ ngành giáo dục nước nhà.