Di chỉ Vườn Chuối: Bảo tồn lịch sử hay ưu tiên phát triển kinh tế?

ANTD.VN -Sáng nay, 22-10, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức báo cáo kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Đây là một trong số các di chỉ của Hà Nội được giới khoa học nhận định là đặc biệt quan trọng thế nhưng lại cận kề nguy cơ "xoá sổ" bởi nằm lọt trong lòng dự án phát triển giao thông và kinh tế- xã hội của Thành phố.

Có một Hà Nội cổ dưới lòng đất

Di chỉ Vườn Chuối gồm một cụm di chỉ khảo cổ thời đại kim khí phân bố ở các gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn, gò Chùa Gio, gò Đình Lỗ, gò Cây Muỗng, gò Chiền Vậy. Trước năm 2007, các khu gò trên là những khu ruộng cao trồng màu xen lẫn các khu nghĩa địa của người dân Lai Xá. Từ sau năm 2007, cảnh quan khu vực có nhiều thay đổi, gò Chùa Gio và gò Đình Lỗ được sử dụng làm nghĩa trang Lai Xá, gò Cây Muỗng trở thành một phần của khu dân cư thôn Lai Xá. Các gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn, gò Mỏ Phượng và khu vực ruộng trũng xung quanh nằm gọn trong mặt bằng dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch của thành phố Hà Nội do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng làm Chủ đầu tư.

Toàn cảnh khu vực khai quật 

Di chỉ gò Vườn Chuối không xa lạ gì với giới nghiên cứu lịch sử, từ những năm 1969 đã được biết đến và tiến hành khai quật nghiên cứu. Tính đến trước cuộc khai quật "chữa cháy" vào đầu 2019 này, đã có 7 cuộc khai quật được thực hiện vào các năm 2001, 2009, tháng 6-7/2011, tháng 12/2011, tháng 12/2012, tháng 12/2013 và tháng 12/2014. Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất ba tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. Là một địa điểm quan trọng, chứa đựng nhiều giá trị nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là Khảo cổ học Tiền - Sơ sử khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, góp phần làm sáng tỏ lịch sử Hà Nội thời tiền sơ sử.

Ở lần khai quật mới nhất- năm 2019, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện nhiều loại hình di tích gồm: mộ táng, vết tích bếp, lò nấu đồng, hố chôn cột, hố đất đen, dải gốm đất nện, cụm gốm, vết tích ao hồ cổ và vết tích động thực vật. Trong đó đáng chú ý là việc phát hiện 10 mộ táng Đông Sơn được chôn cất trong các giai đoạn khác nhau phân bố đậm đặc trong một phạm vi chưa đầy 30m2 ở hố H2 di chỉ Vườn Chuối; các vết tích thực vật, hiện vật tre, gỗ và nhuyễn thể nằm dưới đáy ao hồ cổ.

Hệ thống mộ táng được tìm thấy qua đợt khai quật năm 2019

Nghiên cứu những di tích, di vật ở cụm di chỉ Vườn Chuối có thể nhận định, cư dân cổ Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn đã nắm vững và phát huy đến trình độ rất cao những nghề thủ công chế tác đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm…

Các nhà nghiên cứu sở dĩ đánh giá cao giá trị của di chỉ Vườn Chuối là ở chỗ, đây là một trong số rất ít các di tích có sự phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn văn hóa từ Tiền Đông Sơn - Đông Sơn. Sự xuất hiện của các địa điểm khảo cổ có sự phát triển liên tục các giai đoạn văn hóa từ Tiền Đông Sơn - Đông Sơn ở các khu vực khác nhau càng góp phần củng cố nền văn minh Việt cổ là nền văn minh có nguồn gốc bản địa, có sự phát triển tự thân bằng nội lực của dân tộc. Trong sự phát triển đó, vùng đất Hà Nội cổ có một vị trí đặc biệt quan trọng.

Tương lai nào dành cho Vườn Chuối?

Có 3 phương án bảo tồn được các nhà khảo cổ đưa ra. Phương án 1 là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối (Vườn Chuối tổng diện tích phân bố di tích gần 12.000m2; Dền Rắn phần diện tích còn lại gần 3.200m2; và Mỏ Phượng phần diện tích còn lại gần 500m2). Khoanh vùng khu vực bảo tồn bằng các mốc giới. Trong khu vực di tích không xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào. Trong phạm vi khu vực bảo tồn, các cơ quan chuyên môn tiếp tục thăm dò, khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích và xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hoá.

Phương án này được nhận định là khó vì có sự xung đột, thậm trí là xung đột gay gắt giữa di sản văn hóa với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của thành phố Hà Nội. Bởi vị trí phân bố di tích Vườn Chuối hiện đang nằm trong khu vực thi công đường Vành đai 3.5 của thành phố Hà Nội. Nếu con đường được thi công theo phương án đã được phê duyệt như hiện tại thì 1/2 diện tích phân bố, tương đương với 6.000m2 di chỉ Vườn Chuối sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Phần diện tích còn lại của di chỉ Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng là đất dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch.

Phương án 2: Dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện. Thông báo cho các đơn vị Chủ đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.5 và Chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần phải thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng theo Luật DSVH. Phương án này không chú ý bảo tồn di sản văn hóa, mà chỉ chú trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội đạt được lợi ích trước mặt nhưng phá hủy hoàn toàn một nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý báu của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung.

Phương án 3bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000m2 nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối. Đồng thời với việc khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích là xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật DSVH. Ngoài ra, đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng, Chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần phải thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng theo Luật Di sản văn hoá.

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia cho biết, cá nhân ông ủng hộ phương án 1, bảo tồn toàn bộ: " Nói là khó thì nó khó, nhưng nếu Hà Nội quyết tâm giữ Vườn Chuối, biến nó thành một công viên di sản thì không có gì khó cả. Một đô thị hiện đại cần có nhiều khoảng không gian xanh. Nếu bây giờ chúng ta chỉ nghĩ đến phát triển kinh tế thì chỉ một thời gian nữa thôi ngoảnh lại nhìn, chúng ta chẳng còn g cả".

Phó trưởng Cục Di sản Văn hóa Trần Đình Thành đưa ra đề nghị, trong thời gian tới, Sở VHTT Hà Nội cần tập hợp quá trình khai quật để làm rõ giá trị khoa học, giá trị di tích để xếp hạng; cấp TP hay cấp quốc gia có thể chưa bàn tới nhưng chắc chắn với di sản này chúng ta phải xếp hạng.