Di căn “bệnh” giả dối

ANTĐ - Thành thật mà nói, tối hôm vừa rồi ngồi theo dõi Chương trình Đối thoại chính sách trên VTV 1, tôi cảm thấy choáng váng như đang đi trên đường sa xuống “hố tử thần”.

- Ông cứ hay “bi kịch hóa” mọi chuyện. Cái gì cũng có căn nguyên, nguồn gốc sâu xa của nó. Chuyện gì khiến ông bỗng dưng ngã xuống hố?

- Hai vị khách mời là ông Bộ trưởng và Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đều kêu trời trước những phi lý trong cơ chế, chính sách đối với các nhà khoa học nước ta.

- Các vị học vấn đầy mình, ngồi trong tháp ngà lắp điều hòa, lại được trang bị phương tiện hiện đại, “ngâm cứu”, nghiền ngẫm cả chục năm mới “đẻ” ra một đề tài. Rốt cuộc cũng đút vào tủ khóa hoặc cho vào ngăn kéo, thì kêu ca nỗi gì?

- Ông gần dân quá nên xa nhà khoa học. Ở trong tháp ngà nhưng lương nhà khoa học chỉ có 2,6 triệu đồng/tháng. Có lẽ không bằng anh “xe ôm” hay người bán trà chanh, ốc luộc vỉa hè.

- Chết thật, thế mà tôi cứ tưởng lương họ cao ngất ngưởng như tháp ngà; suốt năm, tháng đi hội thảo, hội nghị nước ngoài như đi dạo công viên.

- Phóng viên truyền hình cận cảnh chiếc bàn phím máy tính cổ lỗ của một vị phó giáo sư - tiến sĩ. Ấy vậy mà hai nhà khoa học mới được “quyền” dùng chung một máy.

- Cái “hố sâu” khoa học ấy chắc là chưa tới đáy? 

- “Cái đáy” đã được ông bộ trưởng chỉ ra. Đó là nhà khoa học phải nói dối mới thanh toán được tiền làm đề tài hoặc đi dự hội thảo.

- Không phải nói dối mới là chuyện lạ. Một tờ báo lớn đang mở ra cả một diễn đàn “Nói không với giả dối”. Theo tôi, khi nhà khoa học nói dối tức là bệnh đã rất nặng, di căn sang làm, ăn gian dối.