Đi bơi ngày nắng nóng, bạn có biết những điều này?

ANTD.VN - Tắm sông, bể bơi là cách giải nhiệt được nhiều người ưa thích khi thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, đa số mọi người lại không biết rằng tắm ở sông, hồ hay bể bơi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người.  

Mùa hè, được bơi lội, dầm mình trong nước là sở thích của nhiều người.

Ngoài các bể bơi còn có môi trường nước tự nhiên như: biển, sông, hồ, ao...Tuy nhiên, ở môi trường nào cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh, thậm chí đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người, nếu không được xử lý kỹ càng.

Thực tế cho thấy, ngoài nguy cơ lớn nhất là tử vong do đuối nước, đã có nhiều trường hợp bị nhiễm độc do nước bể bơi, hay bị đỉa, vắt chui vào “vùng kín” cơ thể. "Nhẹ nhàng" hơn, người tắm còn có thể mắc các bệnh da liễu, lây nhiễm nhau tại bể bơi hoặc do nước sông hồ ô nhiễm.

Nguồn nước mất vệ sinh tại các ao hồ, sông ngòi còn tiềm ẩn nhiều bệnh ngoài da, gây dị ứng, mẩn ngứa

Hiểm họa khi tắm sông hồ

Trong những ngày nắng nóng, nhiều người tìm đến sông, hồ.… để tắm mát. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiếp nhận nhiều nước thải từ khu dân cư, khu công nghiệp chưa qua xử lý.

Khi bơi, tắm, thời gian ngâm nước dài, khả năng mắc bệnh càng cao. Các bệnh điển hình là viêm da tiếp xúc, dị ứng, nhiễm nấm… Bệnh thường chỉ bắt đầu với triệu chứng ngứa, xuất hiện mụn nước… Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời có thể gây viêm da nặng.

Các bệnh về tai mắt: Khi bơi lội tại sông, hồ, hầu hết người bơi không đeo kính. Việc này có thể khiến mắt phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước ô nhiễm và mắc bệnh. Ngoài triệu chứng đỏ mắt, nước bẩn có thể gây bệnh mắt hột, lậu mắt,… Những nơi càng ô nhiễm, khả năng mắc bệnh càng cao.

Tai cũng là nơi dễ dàng bị ứ đọng nước bẩn, nấm và vi khuẩn. Nếu không có biện pháp giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, chúng có thể gây đau nhức, viêm nhiễm, ảnh hưởng xấu đến thính giác.

Bệnh đường tiêu hóa: Trong nước hồ, sông có thể tồn tại ấu trùng giun, sán và E. coli. Nếu không may uống phải, bạn sẽ mắc các bệnh về tiêu hoá như tiêu chảy, nhiễm giun, sán, viêm ruột. Ngoài ra, trong nước bẩn cũng tồn tại ký sinh trùng Giardia gây tiêu chảy cấp, Norwalkvirus gây viêm dạ dày, viêm gan vi rút A.

Bệnh đường sinh dục: “Vùng kín” là nơi dễ tổn thương. Khi bị ngâm lâu trong nguồn nước ô nhiễm, cơ quan sinh dục có thể bị tổn thương, mắc các bệnh phụ khoa, nam khoa. Ngoài ra, nếu trong vùng bơi có người mắc bệnh, mầm bệnh có thể lây nhiễm sang người xung quanh. Chúng không chỉ đem đến sự khó chịu mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ sinh sản của người bơi.

Đuối nước: Tuy mới đầu hè nhưng tình trạng đuối nước đã trở thành vấn đề nhức nhối của nhiều tỉnh, thành. Bởi các điểm bơi trên sông, hồ thường tự phát, không có nhân viên cứu hộ túc trực. Do đó, khi tắm, bơi, một chút sơ sẩy có thể khiến người bơi bị đuối nước, dễ tử vong.

Nhìn nước bể bơi trong xanh thế này, nhưng thực chất lại không hề sạch

Nước bể bơi rất bẩn

Nhiều chuyên gia nghiên cứu về nguồn nước tại các bể bơi nhận xét: “Nước bể bơi rất bẩn!”.

Cụ thể, 60% bể bơi chứa các vi khuẩn độc hại, trong đó 58% chứa vi khuẩn ecoli – thủ phạm chính gây ra tiêu chảy và các bệnh đường ruột. Ngoài ra, bình thường mỗi người vào bể bơi mang theo rất nhiều vi khuẩn khiến cho bể bơi trở thành một nơi cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Bể bơi càng đông càng bẩn và dễ gây bệnh. Hơn nữa, trong số những người đi bơi, có nhiều người vốn đã mang bệnh sẵn nhưng không có ý thức tránh lây bệnh cho người khác.

Hiện nay các bể bơi đều sử dụng clo để làm sạch nước. Tuy nhiên, khi cho clo vào sẽ có hai hiện tượng xảy ra.

Một là clo gặp amoni sẽ phản ứng rất nhanh và tạo thành chất mà khả năng sát khuẩn kém clo tới hàng trăm lần gọi là monocloramin. Thế nên nhiều bể bơi thấy bẩn cứ đưa clo xuống càng nước càng bẩn thêm.

Hai là, một số bể bơi dùng mẹo (dùng kinh nghiệm dân gian), cho rất nhiều phèn vào. Buổi tối, khi khách bơi về hết, họ sẽ có một đội quân vớt hết phèn lên, hôm sau nước rất trong và sẽ có màu xanh da trời như chúng ta thấy. Mà phèn sẽ làm giảm độ PH trong nước, dẫn đến tình trạng nhiều người đi bơi về thấy mắt cay sè, hoặc da rát bỏng, nhất là những vùng da bị trầy xước.

Nói về vấn đề này, TS.BS Ngô Hồng Phong, chuyên ngành Da liễu, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội khuyến cáo nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm như mụn cóc, trùng roi nếu nước ở bể bơi không được sát khuẩn tốt.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trưởng phòng khám sản khoa - nam khoa, Trung tâm Y tế Thái Hà) lại đặc biệt khuyến cáo nguy cơ viêm nhiễm âm đạo và các bệnh phụ khoa khác khi chị em tắm ở bể bơi. Ngoài ra, chúng ta cũng có nguy cơ nhiễm trùng bàng quang khi thường xuyên tắm ở bể bơi có nguồn nước bị ô nhiễm.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng bể bơi bẩn còn làm các mầm bệnh như đau mắt đỏ, tiêu chảy, lỵ, viêm não mô cầu, lây lan và phát triển nhanh, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Vậy bơi sao cho an toàn

Bơi lội là một nhu cầu không thể thiếu của rất nhiều người nhưng phải có biện pháp dự phòng sao cho vẫn thỏa mãn sở thích mà vẫn an toàn. Trước hết, người đi bơi phải có ý thức chấp hành các biện pháp giữ vệ sinh chung của bể bơi như tắm gội sạch sẽ trước khi xuống bể, không khạc nhổ, tiểu tiện ra bể, không nên đi bơi khi đang ốm mệt, đang có các bệnh ngoài da, bệnh lây nhiễm, thời kỳ “đèn đỏ” của chị em. 

Khi đi bơi nên chọn những bể bơi sạch, đủ tiêu chuẩn vệ sinh, số lượng người bơi vừa đủ và mang đủ các phương tiện phòng hộ như kính, mũ bơi... 

Về phía các cơ quan quản lý bể bơi, cũng nên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ bể bơi, thay nước thường xuyên, không nên lạm dụng hóa chất sát khuẩn nước, cung cấp đầy đủ nước tắm, xà phòng... cho người bơi tắm rửa sạch sẽ trước và sau khi bơi.

Đồng thời, nên lấy các mẫu nước bể bơi để xét nghiệm kiểm tra nồng độ hóa chất, nuôi cấy hoặc soi tươi tìm vi khuẩn, nấm... định kỳ thường xuyên để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho người đi bơi.

Đối với những trường hợp tắm sông tắm suối thì cần phải hết sức chú ý vì hiện nay, nguồn nước tự nhiên đang bị ôi nhiễm nghiêm trọng nên rất dễ sinh bệnh.

Ngoài ra, việc bị côn trùng, đỉa và các sinh vật dưới nước chui vào cơ thể là rất lớn. Vì thế, cách tốt nhất để bảo vệ mình là nên từ bỏ sở thích tắm sông suối.