Đi bộ và… nghĩ

ANTĐ - Hà Nội có phải là thành phố của đi bộ không? Đôi khi tôi tự hỏi như thế, và lại tự trả lời, có lẽ.

Có những chỗ đi bộ thú vị, khó tìm kiếm ở nơi đâu khác, ngoài Hà Nội. Như đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm chẳng hạn. Mỗi khi chiều muộn hay sáng sớm, những người dân sống quanh khu vực này lại đi dạo quanh hồ. Hồi tôi còn ở trên phố Trần Hưng Đạo cũng thường thức dậy sớm để ra hồ Gươm đi bộ vài vòng. Nhiều người như tôi, họ chạy từ các phố khác, khi lên đến hồ Gươm thì chỉ còn muốn đi bộ quanh hồ, để hít căng không khí trong lành. Nhất là những sáng hè, mặt nước hồ như một cái điều hòa cho toàn khu vực, giúp cho nhiệt độ ở quanh hồ luôn mát hơn nhiều nơi khác.
Hà Nội còn có hồ Thiền Quang và hồ Tây. Khi nhà văn Tô Hoài còn trẻ, còn khỏe và còn ở ngõ Đoàn Nhữ Hài, ông thường đi bộ quanh hồ mỗi sáng. Tô Hoài thích nhất là đi bộ quanh hồ vào những buổi sáng mùa hè nhưng trời chớm sang thu, có khi ông đi liền vài vòng cho khỏi “cuồng chân” sau rồi về mới ngồi vào bàn viết.
Nhiều người cũng chọn vỉa hè đường Thanh Niên để đi bộ, vì sự tiện lợi và “nên thơ”. Nhưng thường lối đó chỉ dành cho khách từ xa về Hà Nội. Đi bên này ngắm hồ Trúc Bạch xa xa là làng Ngũ Xã có món phở cuốn khá nổi tiếng. Vòng sang bờ bên kia ngắm hồ Tây bàng bạc trong sương, với những đôi tình nhân và những người câu cá. Nhưng người sống lâu năm ở Hà Nội, đặc biệt là cư dân sống ở mạn Thụy Khuê hay Võng Thị thì khúc đường mới ven hồ Tây với rặng dừa cao vút mới thực sự là nơi lý tưởng cho việc đi bộ.
Tôi thì vẫn không thích nơi ấy. Điểm đi bộ thú vị nhất ở khu hồ Tây, với tôi, phải là trên những con đường ven các đầm sen Tây Hồ. Ở đó không gian mênh mông, không khí trong lành. Mùa này sen hồ Tây đã nở rộ. Những đầm sen còn sót lại trên mạn Tây Hồ tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để trở thành nơi chốn thu hút nhiều người tìm đến. Tất nhiên giới trẻ tìm tới đây để thư giãn, để chơi với trăng thanh gió mát, để chụp ảnh bên những bông sen bung hoa rực rỡ. Nhưng tôi vẫn còn bắt gặp nhiều người, già có, trung tuổi có, tìm về đây như sắp phải chia tay một điều đang có nguy cơ trở thành kỷ niệm. Có ông tìm tới đây để mua bằng được chục bông sen về chơi trong mấy ngày cuối tuần. Ông già trước đây có nhà ở phố cổ, nhưng nay theo con cháu về khu Linh Đàm sống, vậy mà ông bảo cứ từ cuối tháng 5 trở đi, vài tuần một lần lại đi xe máy lên đây, mua sen về chơi. Sen năm nay không rẻ, lại chỉ cắm được vài ngày là cánh hoa nở rụng rơi lã chã. Nhưng ông vẫn thích. Ông thích vẻ đẹp cả khi những cánh sen hồng rụng xuống bàn nước. Ông thích cả những đài sen lơ thơ vài cái nhụy. Nhưng ông chỉ thích cắm sen hồ Tây, mà phải chắc chắn là sen hồ Tây, thì có đắt một chút ông cũng chơi. Vì thế, ông phải đích thân lên đây, hít căng lồng ngực mùi thơm thanh khiết của đầm sen, mắt nhìn ngắm về những đầm sen xanh hút. Và đến khi cầm chục bông sen trên tay, ông mới thấy mình thanh thản. Tôi nghĩ rằng, Hà Nội không còn nhiều người mê đắm với sen hồ Tây như ông nữa. Và, ông đang chơi sen Tây Hồ bằng một cảm giác thanh khiết hiếm hoi của nơi chốn đang quá nhiều xô bồ.
Khi đi bộ quanh những đầm sen ven hồ Tây, mới thấy Hà Nội cần thiết đến nhường nào những đầm sen như thế. Tất nhiên, lấp tất những đầm sen này để thực hiện việc giãn dân hay xây các khu trung tâm thương mại thì Hà Nội vẫn là Hà Nội, và là việc làm không quá khó đối với chính quyền. Nhưng sao lại có thể để mất đi những khoảng không thiên nhiên đô thị hiếm hoi và giá trị như thế, khi chúng ta sẵn sàng dành hàng trăm tỷ đồng để xây mới dựng mới những công viên, vườn hoa mà chắc chắn nó không giá trị như những đầm sen này.
Vừa đi vừa ngẫm nghĩ, không biết, rồi đây hoa sen có trở thành quốc hoa của Việt Nam hay không, nhưng nếu không được bầu chọn, thì những đầm sen ven hồ Tây cũng vẫn cần giữ lại. Giữ lại không phải vì nó có giá trị phục vụ cho mấy người làm nghề ướp trà sen mà đó thực sự là một phần của văn hóa Thăng Long. Mà mất mát văn hóa là cái mất mát to lớn nhất.