Dẹp nỗi lo cháy trong mùa lễ hội

ANTĐ - Hỏa hoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ đều giảm mạnh (trên 50%) so với cùng kỳ năm 2012; toàn TP Hà Nội đến giờ chưa ghi nhận vụ cháy nào xảy ra ở các lễ hội.

Đang mùa lễ hội, người dân cần hạn chế thắp hương, đốt vàng mã bừa bãi tránh hỏa hoạn

Ảnh: PHÚ KHÁNH

Tâm lý “tháng ăn chơi”

Không rõ số lượng các kế hoạch, phương án phòng ngừa hỏa hoạn mà lực lượng Cảnh sát PC&CC Thủ đô triển khai trước, trong và sau Tết, nhưng nhìn chồng tài liệu dày cộp mà Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Hướng dẫn về phòng cháy, Sở Cảnh sát PCCC lật giở để tìm những số liệu, nội dung giải đáp các câu hỏi của chúng tôi, có thể cảm nhận phần nào khối lượng công việc của Cảnh sát PC&CC Hà Nội đã và đang triển khai thời gian qua. Từ kế hoạch PCCC, bảo vệ an toàn các lễ hội, Tết Nguyên đán Quý Tỵ; PCCC nhà cao tầng, kho hàng và cơ sở sản xuất... đều được thực hiện ráo riết. Dựa trên đặc thù từng địa bàn, nội hay ngoại thành, nơi đông dân hay thưa vắng, mỗi kế hoạch có một phương án, cách làm phù hợp, song điểm chung xuyên suốt, yêu cầu cao nhất được Ban Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC đặt ra cho 10 phòng khu vực, các phòng nghiệp vụ: “phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền”. Nhờ làm tốt “mảng” này, trong 9 ngày Tết vừa qua, toàn Hà Nội chỉ xảy ra 5 vụ cháy, giảm 6 vụ so với cùng kỳ Tết Nhân Thìn 2012, không xảy ra cháy lớn, không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản không đáng kể.

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi” - nắm bắt tâm lý đó, Sở Cảnh sát PC&CC đã chỉ đạo Phòng nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn an toàn PCCC tại các lễ hội, khu di tích, đình, đền, chùa đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân đến tham quan, trẩy hội. Theo đó, các phòng khu vực được yêu cầu chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương có lễ hội, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, cảnh báo cháy nổ tại các đình, đền, chùa khi thắp hương thờ cúng ban đêm, hóa vàng mã; xây dựng phương án, giả định tình huống chữa cháy, phân công lực lượng ứng trực, đảm bảo dập nhanh gốc lửa khi không may hỏa hoạn xảy ra. 

Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, trước các lễ hội lớn như Đền Sóc - Thánh Gióng (Sóc Sơn); hội đền Cổ Loa (Đông Anh)..., lực lượng kiểm tra an toàn PCCC đã phối hợp với chính quyền, công an các địa phương, Ban quản lý các khu di tích để kiểm tra, kịp thời phát hiện các nguy cơ cháy nổ trong và ngoài khu vực diễn ra lễ hội, đôn đốc, khắc phục vi phạm. Với những lễ hội lớn, xe chữa cháy và CBCS được yêu cầu ứng trực, bảo vệ tại chỗ để đảm bảo an toàn. 

Khách lữ hành phải có ý thức

Là lễ hội lớn và dài nhất trong năm - chùa Hương luôn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trẩy hội, nguy cơ hỏa hoạn vì thế cũng tăng cao. Thượng tá Đặng Duy Hưng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC Hà Đông thông tin: năm 2012, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, tại khu vực chùa có xảy ra cháy nhỏ, nhưng lực lượng cơ sở đã kịp thời dập tắt. Để đảm bảo tốt công tác PCCC mùa lễ hội năm 2013, ngay từ đầu năm, Phòng Cảnh sát PC&CC Hà Đông đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra, tuyên truyền PCCC tại khu vực chùa Hương. Ngoài các đình, đền, chùa nằm trong khu di tích, Phòng Cảnh sát PC&CC Hà Đông còn mở rộng địa bàn kiểm tra các phòng trọ, bến xe và khu vực tập trung đông người, hạn chế nguy cơ cháy lan từ bên ngoài vào trong di tích. Để công tác PCCC đạt hiệu quả, đơn vị cũng tham mưu cho BTC lễ hội, chính quyền địa phương, Trụ trì chùa Hương tăng cường phát loa phóng thanh, khuyến cáo nguy cơ cháy nổ khi thắp hương thờ cúng, sử dụng ngọn lửa trần, khuyến cáo khách đi cáp treo không hút thuốc lá, ném tàn lửa qua cửa sổ gây hỏa hoạn ở rừng đặc dụng.

Với phương châm “lấy phòng để chống”, năm qua, Phòng Cảnh sát PC&CC Hà Đông đã tham mưu cho BTC lễ hội, chính quyền địa phương trang bị nhiều máy bơm chữa cháy, dẫn nước từ bến Yến lên chùa Thiên Trù; bố trí máy bơm chữa cháy ở khu vực động Hương Tích, nhằm kịp thời khống chế, dập hỏa hoạn khi mới bùng phát.