Đẹp nhưng nhạt
(ANTĐ) - Uy tín và mang tầm cỡ quốc gia đã khiến cho Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc 2008 trở thành sân chơi lớn nhất trong năm dành cho những người yêu mến nhiếp ảnh. Các ngôi vị cũng đã được phân định với 4 HCB không có HCV. Nhưng dường như người ta chưa thỏa mãn với cái đẹp mà triển lãm này mang lại. Có rất nhiều bức ảnh đẹp - một vẻ đẹp quá chỉn chu, nhưng phần nào thiếu đi tính hấp dẫn và bề sâu tư tưởng.
Hội đồng Nghệ thuật cân nhắc, lựa chọn tác phẩm |
Đẹp nhưng lại nhanh quên
308 tác phẩm được chọn ra từ 4.500 bức ảnh dự thi đều rất đẹp, chất lượng đồng đều, đạt được đầy đủ tiêu chí của cuộc thi. Đây là một điều đáng mừng đối với nền nhiếp ảnh nước nhà nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì hình như vẫn thiếu đi một sự bứt phá trong cách thể hiện và một tầm tư duy sâu sắc.
Hẳn là chẳng ai có thể phủ nhận vẻ đẹp êm đềm và yên bình của làng quê Việt Nam, một phong cảnh núi non hùng vĩ của miền sơn cước. Thế nhưng, người xem sẽ cảm thấy chưa vừa lòng với ngồn ngộn những môtíp đã trở nên quá quen thuộc, thiếu đi tính tìm tòi, khám phá.
Nói như thế, không có nghĩa là không nên khai thác các mảng đề tài đã cũ nhưng điều cần đòi hỏi ở người sáng tác là phải biết làm mới nó, phải biết phát hiện vấn đề trên cái chất liệu đã cũ kỹ, đưa đến một thông điệp, một điển hình trong nhiếp ảnh.
Người ta sẽ thích thú khi ngắm nhìn các tác phẩm ảnh diễn tả được sự đổi thay của đất nước Việt Nam trên đà đi lên phát triển chứ không phải là các hình ảnh mà họ đã nhìn thấy cách đây mấy thập kỷ.
Quá đẹp nhưng lại ít có giá trị về nội dung là điều dễ nhận thấy ở Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 25. Các tác giả dường như mới chỉ mô tả vẻ đẹp một cách thuần túy mà chưa nâng tầm tư tưởng cho tác phẩm của mình.
Bố cục, ánh sáng đường nét rất chỉn chu, đẹp vậy thôi khiến cho người ta chỉ dừng lại ở việc chiêm ngưỡng tác phẩm rồi lại lãng quên ngay, mà ít để lại ấn tượng đặc biệt.
Mọi người hẳn là vẫn còn nhớ, bức ảnh mang tên “Nụ cười mới” của tác giả Vũ Thị Tịnh đã khiến cho bao người xem phải xúc động và cảm thấy vui lây với niềm vui của em bé mới được phẫu thuật hở hàm ếch.
“Lấp lánh trên sông” (Nguyễn Văn Khánh) - Huy chương Bạc |
Về ánh sáng và bố cục thì không có gì là nổi bật nhưng rõ ràng là bức ảnh đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng công chúng. Trong các tác phẩm ảnh nghệ thuật toàn quốc 25 khó tìm được những ấn tượng mạnh như thế, phần lớn các tác giả bám đuổi một cái đẹp khuôn mẫu, đẹp một cách nhàm chán.
Một điều đáng nói nữa là chủ đề của cuộc thi khá rộng, nhưng tựu chung lại đều là nhằm ca ngợi vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Vẻ đẹp ấy, người ta vẫn sẽ nhìn thấy cái đẹp ở trong cái xấu, ở trong cái lem luốc, ở các mặt trái của đời sống xã hội nhưng phải được thể hiện rất khéo léo và tinh tế, còn không nó sẽ trở thành “hình ảnh bẩn”.
Thế nhưng ở cuộc thi này, các đề tài gai góc, mang tính thời sự nóng hổi lại rất thiếu vắng. Ngay như trong các sự kiện lở đất, bão lụt... có rất nhiều hình ảnh đẹp và có ý nghĩa, thì người sáng tác hình như luôn đến sau khi sự kiện đã xảy ra.
Chưa đi tới cùng...
Dấu chân của các tác giả đã in trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Họ cũng đã cất công đi tìm kiếm cái đẹp nhưng lại chưa đi sâu vào đề tài mà mình đang theo đuổi, mới chỉ dừng lại ở việc ghi chép cảm xúc của cá nhân mình trước sự vật hiện tượng.
Để chụp được bức ảnh vừa mang nội dung tư tưởng lại vừa đảm bảo được tính nghệ thuật là một điều khó, buộc người sáng tác phải cất công hơn nữa, phải lăn lộn vào đời sống thực tại hơn nữa. Có lẽ chính vì thế mà Triễn lãm ảnh toàn quốc năm nay không có Huy chương Vàng mà chỉ có Huy chương Bạc.
Giải thích về điều này, ông Chu Chí Thành - Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cho biết: “Hội đồng Nghệ thuật quyết định cuộc thi năm nay sẽ không có Huy chương Vàng để đánh giá đúng chất lượng ảnh dự thi, đồng thời cũng nhắc nhở các tác giả cần phải thay đổi về phương pháp sáng tác, tìm tòi hơn nữa về đề tài và cách thức thể hiện nội dung.
Và để định hướng sáng tác cho đội ngũ nhiếp ảnh nước ta, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam sẽ hướng các anh em nghệ sĩ đi theo thể loại ảnh tài liệu nghệ thuật, không còn là nghệ thuật chung chung nữa.
Ảnh mang tính chất tài liệu nghệ thuật là ảnh có địa chỉ, có tên tuổi, có con người cụ thể, nhưng phải chụp đẹp nói lên những vấn đề mà xã hội cần quan tâm. Nếu đi theo hướng này thì nhiếp ảnh của chúng ta sẽ có nhiều bứt phá hơn”.
Phạm Thu Hương