Đẹp như hoa cúc quỳ

ANTĐ - Giữa rực trời hoa cúc quỳ trên những con đường gập ghềnh đá vùng biên ải thuộc huyện Phong Thổ - Lai Châu, có một đơn vị kinh tế non trẻ mới được thành lập đang kiên cường bám trụ bảo vệ biên cương, giúp bà con đồng bào dân tộc xóa nghèo.

Bộ đội hướng dẫn dân bản trồng lúa nước


Nhiệm vụ đặc biệt

Theo đúng hẹn, 15h chiều chiếc xe U-oat do một anh lính trẻ có nước da ngăm đen đỗ xịch trên một con đường nhỏ tại thị xã Lai Châu. “Đi thôi anh, về nhanh không tối mịt, đường trơn khó đi lắm”, anh lính giục chúng tôi.

Xe lao trong giá rét vùng biên, nghiêng mình bò qua những con đường gấp khúc một bên là núi, một bên là vực thẳm. Chúng tôi không khỏi lo ngại, anh lính trẻ quay lại: “Yên tâm, em đi quen rồi không sao đâu”.

Phải mất 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới chạm chân tới doanh trại của Đoàn Kinh tế quốc phòng 356 (Quân khu 2) nằm trên một ngọn núi cao thuộc xã Pa Vây Sử huyện Phong Thổ. Đây là một vị trí đặc biệt hiểm trở và khó khăn, cả xã không tìm đâu ra được một quán hàng, dân thưa thớt… nên dù có đến doanh trại, không khí vùng biên vẫn lặng như tờ.

Đại tá Hoàng Trọng Trang, Chính ủy Đoàn cho biết: “Đây là đơn vị kinh tế quốc phòng trẻ nhất của nước ta và cũng là một trong những đơn vị quân đội đóng quân cao nhất (1.740m so với mực nước biển - PV)”.

Theo Đại tá Trang, đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt trong phát triển kinh tế, tất nhiên chủ yếu là giúp bà con dân tộc xóa nghèo và làm công tác dân vận trên địa bàn 8 xã biên giới với 65km đường biên, 11 cột mốc, 3 đồn biên phòng. Chỉ vào tấm bản đồ, Đại tá Trang bảo: “Ở đây, 3 hướng giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Mỗi chiến sỹ đều luôn được rèn luyện và luôn phải ý thức để làm tốt công tác”.

Phải nói thêm rằng, khí hậu ở Pa Vây Sử vô cùng khắc nghiệt, mây và sương mù có thể kéo đến bất kỳ lúc nào trong ngày. Người đứng cách 3m không nhìn thấy nhau. Không hàng quán, chợ búa… Muốn đi chợ phải xuôi xuống hàng chục kilomet về chợ Dào San hoặc ngược lên vài chục cây số đi chợ biên Sì Lờ Lầu.

Đoàn trưởng kiêm “4N”

Đại tá Ngô Văn Đang, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế quốc phòng 356 là người đặc biệt. Anh bảo: “Tớ mới được cấp trên điều động về đây. Nhiệm vụ khó khăn, trách nhiệm nặng nề nhưng đã là bộ đội Cụ Hồ thì không khó khăn nào không vượt qua được, không kẻ thù nào không đánh thắng, không nhiệm vụ nào không hoàn thành”.

Nói rồi, Đoàn trưởng đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ mới sáng tác về Pa Vây Sử. Hỏi ra mới biết, Đoàn trưởng Ngô Văn Đang được anh em chiến sỹ gọi thân mật là thủ trưởng “4N”, tức nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà thơ và nhà báo.

Xuất bản được gần chục đầu sách, viết hàng trăm bài báo, hàng trăm bài thơ, đọc cho anh em chiến sỹ nghe lúc vui lúc buồn cũng là cái thú của người lính miền biên ải. Những đêm lạnh giá, bên đống củi sưởi, hàng trăm người lính ngồi tụ lại nghe người anh cả của Đoàn đọc thơ. Có anh khóc, có anh buồn rơi lệ thương nhớ làng quê. Nhưng quan trọng hơn, họ được an ủi như Phùng Quán đã viết: “Có những lúc ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. 

Chưa hết, cùng với anh em lính tráng, Đoàn trưởng Ngô Văn Đang không ngừng tìm tòi “phát minh”. “Ở miền rừng này, nhiều thứ phải phát minh nhà báo ạ. Chúng tôi đã giúp được bà con trồng lúa nước, trồng rau cải, nuôi cá hồi, cá tầm”, Đoàn trưởng Đang cho hay.

Vui hơn nữa vì vừa qua, Đoàn Kinh tế quốc phòng 356 còn nhận được một giải thưởng tập thể khoa học trong việc chế tạo máy bơm oxy trong nước, giúp cho cá hồi nhanh phát triển.

Những người lính kinh tế nuôi được cá hồi, cá tầm vùng biên ải

Giúp dân làm giàu

Bà con vùng biên từ lâu đã trồng lúa theo tập quán riêng nên việc thuyết phục trồng lúa nước là vô cùng khó. Lãnh đạo Đoàn 356 đã phải làm đủ mọi cách mới thuyết phục được bà con trồng thử nghiệm, với cam kết “nếu mất mùa, Đoàn 356 sẽ chịu trách nhiệm chu cấp cái ăn cho cả bản”.

Bản Hoàng Thèn thuộc xã Vàng Ma Chải được chọn để trồng vụ đầu tiên. Trong khi lúa bén rễ, hồi xanh thì gặp nạn ốc bươu vàng, toàn bộ 9,9ha lúa mất trắng. Vụ đầu thất bại, lãnh đạo Đoàn 356 không nản, tiếp tục thuyết phục bà con trồng mới. Đất không phụ người, vừa qua Hoàng Thèn đã thắng lớn, thu hoạch lúa với sản lượng cao chưa từng có.

Ông Lý A Gì, Trưởng bản Hoàng Thèn mừng rỡ: “Bao nhiêu đời nay cả bản mới có nhiều thóc như vậy. Bây giờ nhờ bộ đội chỉ cho cái lối làm ăn thì không sợ đói nữa”.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng lúa nước, các chiến sỹ Đoàn 356 còn nghiên cứu tìm địa hình thích hợp để nuôi cá hồi, cá tầm. Trang trại cá hồi của Đoàn 356 hiện đang có hàng nghìn con lớn nhỏ. “Tương lai đây sẽ là một trong những nơi nuôi cá hồi lớn nhất Tây Bắc”, Đoàn trưởng Đang quả quyết.

Ngoài nhiệm vụ giúp bà con dân bản thoát cái đói cái nghèo, Đoàn 356 non trẻ còn thực hiện nhiệm vụ y tế trên địa bàn 8 xã biên giới. Trung úy quân y Nguyễn Đình Hân là người chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực này.

Qua tìm hiểu, Trung úy Hân cho hay: “Bà con theo tập quán địa phương, ốm đau đều chạy đến cúng ma rừng cho nó ra khỏi người. Chúng tôi đã phải lặn lội vào từng nhà tuyên truyền, thậm chí phải “rình” nhà nào có người ốm để thuyết phục họ khám bệnh”.