Dẹp động vật treo móc ở chùa Hương

ANTĐ - 100% các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở khu vực bến Trò, chùa Thiên Trù đã tự nguyện đóng tủ kính, bày bán thịt thú vào trong, không treo móc động vật ra “mặt đường” như trước đây - Thượng tá Nguyễn Văn Quân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường - CATP Hà Nội cho biết.

Lực lượng công an tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không treo móc thịt thú ra đường...

Mềm dẻo trong vận động, thuyết phục

Thực hiện quyết định của Giám đốc CATP Hà Nội về việc điều động, tăng cường CBCS đến nhận nhiệm vụ tại CAH Mỹ Đức, tham gia giữ gìn, đảm bảo ANTT lễ hội chùa Hương, ngay từ sáng 13-2 (tức mùng 4 Tết), 26 CBCS Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường đã có mặt ứng trực, làm nhiệm vụ. Qua khảo sát, nắm tình hình, hàng loạt các tồn tại gây ô nhiễm môi trường quanh khu di tích này đã được lực lượng công an kiến nghị giải quyết. Với việc nước suối Yến vẩn đục, Cảnh sát PCTP về môi trường đã yêu cầu đơn vị thu gom, xử lý rác nạo vét lòng sông, thả vôi cục, hóa chất xử lý, qua đó cải thiện đáng kể tình trạng “bốc mùi”. Rút kinh nghiệm mùa lễ hội trước, phòng nghiệp vụ đã lên kế hoạch, phân công các tổ công tác tuần tra công khai vào giờ cao điểm để đôn đốc, nhắc nhở các chủ đò, cơ sở kinh doanh tự giác thu gom, nhắc khách bỏ rác đúng quy định, tránh để rác thải tràn ra khuôn viên di tích, dòng suối gây ô nhiễm, qua đó cải thiện đáng kể cảnh quan môi trường lễ hội chùa Hương 2013. 

Ngay từ những ngày đầu khai hội, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cũng tham mưu cho UBND huyện Mỹ Đức và BTC Lễ hội chùa Hương, thành lập các tổ công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường, ATTP với thành phần gồm lực lượng Kiểm lâm, Thú y, QLTT… Các tổ công tác liên ngành đã kiểm tra, nhắc nhở, ký cam kết tới 125/125 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về VSATTP, VSMT, không giết mổ, kinh doanh động vật rừng. Tuy nhiên, “mảng” việc trọng tâm nhất của Cảnh sát PCTP về môi trường mùa lễ hội năm nay là giải quyết, “hạ nhiệt” tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống treo móc động vật.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quân: Trong số 41 cơ sở kinh doanh ăn uống ở khu vực bến Trò và chùa Thiên Trù, chỉ có 14 cơ sở bán hàng đúng cam kết, theo quy hoạch của Ban tổ chức, các cơ sở còn lại tự ý chuyển đổi từ nhà trọ, quán nước sang kinh doanh hàng ăn uống. Qua công tác trinh sát, nắm tình hình, lực lượng công an xác định: Hươu, nhím bày bán tại chùa Hương đều là các loài động vật rừng nuôi nhốt, nhân giống tại các trang trại, buôn bán có sự giám sát của cơ quan kiểm lâm, hoàn toàn hợp pháp. Muốn loại bỏ tình trạng treo móc động vật tại nơi thờ tự, khu danh thắng chùa Hương, cách làm hữu hiệu nhất là tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, thói quen kinh doanh lâu đời này - đại diện phòng nghiệp vụ nhận định.

...Kết quả đến nay cho thấy, 100% các cửa hàng ăn uống đã chấp hành, bày bán thực phẩm trong tủ kính

Chuyển biến tích cực

100% các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở khu vực bến Trò, chùa Thiên Trù đã tự nguyện đóng tủ kính gắn máy lạnh, bày thịt thú, thực phẩm vào trong, đảm bảo quy định về VSATTP - Thượng tá Nguyễn Văn Quân - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, ký cam kết, từ ngày 13-2 đến 5-3, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan đã tập trung lực lượng ra quân, kiểm tra xử lý 99 trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực VSATTP, thương mại và bảo vệ rừng, răn đe những cá nhân cố tình vi phạm.

Cuối tháng 2-2013, trước thông tin một số cơ quan báo chí phản ánh tình trạng thịt thú rừng vẫn xuất hiện ở chùa Hương, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội thống nhất, mời Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - cơ quan có chức năng giám định động vật rừng, cùng tham gia kiểm tra, xác định toàn bộ số động vật treo bán tại chùa Hương. Trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua, các tổ công tác đã đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở khu vực bến Trò và chùa Thiên Trù, ghi nhận các cơ sở này đều bày bán thịt bò, chó, thỏ, lợn trong tủ kính theo quy định, trong đó có 30 cơ sở bán kèm thêm thịt nhím, 2 cơ sở bán thịt hươu sao, 2 cơ sở bán thịt đà điểu. “Toàn bộ số nhím, hươu sao, đà điểu bày bán tại đây là động vật hoang dã thông thường, có nguồn gốc hợp pháp từ nuôi sinh sản, không có việc các cơ sở này bán cá thể, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm và động vật hoang dã” - Thượng tá Nguyễn Văn Quân khẳng định. Tuy nhiên, qua kiểm tra, lực lượng chức năng cũng ghi nhận 3 cơ sở niêm yết trên thực đơn có “đặc sản thịt thú rừng”, 1 nhà hàng thiếu thủ tục hành chính trong công tác quản lý động vật rừng. Các vi phạm này đều bị xử phạt nghiêm theo quy định - đại diện cơ quan công an cho biết.      

Kiểm tra tình trạng bán thịt thú rừng trái phép

Ngày 6-3, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép tại lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) theo phản ánh của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên - ENV (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam). Cụ thể, theo thông tin từ ENV, có đến 46 trên tổng số 50 nhà hàng, quán ăn (92%) được khảo sát tại khu vực vẫn công khai bày bán và quảng cáo các loại ĐVHD (theo lời của các chủ nhà hàng, quán ăn). Các loài động vật này bao gồm cả loại đã chết, được mổ treo lên móc và loại còn sống (nai rừng, lợn rừng, cầy hương và nhím – tên gọi theo giải thích của chủ nhà hàng). Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, không có chuyện bán thịt thú rừng ở chùa Hương năm nay. Thịt “lợn rừng” và “nhím rừng”... được bày bán ở chùa Hương chỉ là những động vật được nuôi sinh sản trong dân.