Đẹp dễ đi với độc

ANTĐ -  Chị Nguyễn Thị Trang (22 tuổi, Trung Tự, Hà Nội) bức xúc vì chuyện hoa quả ngoại nhập không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan, thậm chí giả làm hoa quả Việt Nam.

- Việt Nam có lợi thế về nông sản, sao hàng ngày chúng ta vẫn phải nhập từ củ hành, cà chua đến hoa quả?

- Vì chúng ta sản xuất theo mùa, nhập khẩu thì mùa nào cũng có. Bên cạnh vấn đề mẫu mã thì giá cả là yếu tố khiến rau quả Việt Nam thua ngay trên “sân” nhà. Nghe mấy bác đại lý hoa quả nói chuyện thì: nho, dưa vàng và cam Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Tân Thanh giá rất rẻ nên mặc dù biết thông tin về dư chất bảo quản trên trái cây Trung Quốc nhưng giá rẻ dễ bán nên nhiều tiểu thương vẫn nhập. Mà nhập rồi bán lẫn lộn ai phân biệt được?

- Lâu nay, nhiều người tiêu dùng vẫn lo ngại dùng hàng rau, củ quả Trung Quốc chứa chất độc hại, chị nghĩ thế nào?

- Vừa qua, ngay ở Trung Quốc người ta còn lo lắng về  an toàn của thực phẩm từ những vụ như trong sữa có melamine, cải thảo có formaldehyde, táo có chứa chất arsen và thiram. Rồi, có 2 mẫu nho nhập từ Trung Quốc (qua cửa khẩu Lào Cai) có dư lượng chất difenoconazole và cypermethrin, gấp 3-5 lần so với quy định; 1 mẫu khoai tây cũng của Trung Quốc, nhập qua cảng Sài Gòn, có dư lượng 

cholorpyrifos ethyl gấp 3 lần quy định. Liệu bao lâu nay người dân đã ăn phải bao nhiêu thực phẩm loại này? Lo lắm chứ.

- Trong khi không thể không ăn rau quả được, làm thế nào để kiểm soát tình trạng này?

- Nan giải lắm, bao năm nay vẫn chưa có cách làm hiệu quả. Theo tôi việc kiểm soát chất lượng rau quả được nhập vào thị trường Hà Nội cần bắt đầu từ các cửa khẩu, vì khi đã len được vào các chợ nội thành thì dù có đi lấy mẫu phân tích cũng khó có thể kiểm soát hết được. Ở các cửa khẩu phải có phòng thí nghiệm, nhân lực để có thể phân tích kỹ những chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng nên tránh các loại hoa quả đẹp mã, to, trông bắt mắt. Đẹp quá dễ đi kèm với độc, chẳng béo bở gì đâu.