“Đẹp” cho cả đôi bên

ANTĐ - Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố hạ tiếp 1% lãi suất huy động, nhiều ngân hàng thương mại tuyên bố không chỉ hạ lãi suất huy động mà cả lãi suất cho vay. Hơn thế, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định gỡ những “nút thắt” tín dụng bằng cách mở “van” tín dụng cho bất động sản và cho vay tiêu dùng. Song, nhiều ý kiến cho rằng, như thế vẫn chưa đủ mà cần bỏ hẳn trần lãi suất tiền gửi và áp trần lãi suất cho vay mới thực sự mở cửa thoát hiểm cho cộng đồng doanh nghiệp.

Có một nghịch lý là, trong khi nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang “sống ngắc ngoải”, thì một số ngân hàng lại dư thừa tiền mà không dám cho vay. Một số chủ doanh nghiệp thẳng thắn nói, với lãi suất cho vay cao như hiện nay thì gần như không một doanh nghiệp nào có thể chịu đựng nổi.

Không chỉ khó vay vốn, lãi suất cao chẳng khác gì “uống độc dược” để chết từ từ vì hàng tồn kho không bán được. “Vay cũng chết mà không vay cũng chết”, một giám đốc công ty kêu trời. Trong khi đó, một số ngân hàng tầm cỡ như ACB, Sea Bank... tiết lộ họ dư tới vài tỷ USD mà không cho vay được. Về mặt thanh khoản, ngân hàng đang dư thừa nhiều tiền nhưng không dám cho vay vì lo sợ nợ quá hạn đã được Ngân hàng Nhà nước khống chế không quá 3%. Nếu cho vay mà không đòi được thì sẽ mất thanh khoản. Mất thanh khoản thì không được đứng trong nhóm 1 có “chỉ số đẹp”, có nghĩa là sẽ bị xếp vào nhóm chỉ được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí không được tăng trưởng trong năm nay. Nếu ngân hàng có tỷ lệ nợ quá hạn vượt quá 3% thì sẽ bị đánh tụt hạng khỏi nhóm 1, đồng nghĩa không được nhận... bằng khen, giấy khen, không được phép tăng trưởng tín dụng và nhiều thứ rắc rối khác.

Câu hỏi đặt ra là ai được vay ở mức lãi suất ưu đãi và tại sao nhiều doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ với việc giảm lãi suất? Khi tung ra các gói tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng thương mại “chọn mặt” gửi tiền là doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn. Dù là đối tượng nào thì khách hàng muốn vay với lãi suất thấp phải là những doanh nghiệp “khỏe mạnh”. Vậy có bao nhiêu doanh nghiệp được coi là “khỏe mạnh” để đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng? Với đối tượng “tam nông” càng khó khăn hơn khi đòi hỏi họ chuẩn hóa được các quy định về tài chính, quy mô hoạt động, chưa kể khả năng có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Còn các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, mặc dù mức lãi suất tương đối hấp dẫn, song để được vay họ phải đáp ứng các điều kiện về mua bán ngoại tệ của ngân hàng cũng như sử dụng trọn gói các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Đây là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước quyết định nới lỏng tín dụng phi sản xuất, mở lối thoát cho các ngân hàng thương mại. Mặt khác, cho vay chứng khoán, bất động sản hay tiêu dùng cũng phần nào bù đắp cho tăng trưởng tín dụng bị Ngân hàng Nhà nước hạn chế.

Theo các chuyên gia, “kịch bản” đẹp nhất cho cả đôi bên là ngân hàng thương mại vẫn huy động được tiền gửi dân cư ở mức trần quy định, tạo tiền đề để lãi suất cho vay tiếp tục giảm dần. Đồng thời doanh nghiệp vay được vốn, vực được sản xuất; lạm phát giảm, người dân sẵn sàng vay vốn để tiêu dùng và kích thích được sản xuất.