Dẹp bỏ dịch vụ đòi nợ thuê là cần thiết

ANTĐ - Tình trạng đòi nợ thuê dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến ANTT, đang gây nhức nhối trong dư luận ở nhiều địa phương. Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã bày tỏ quan điểm trước thực trạng báo động trên với phóng viên Báo ANTĐ.

PV- Tình trạng đòi nợ thuê diễn biến phức tạp, ông nhận xét như thế nào?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, phải dẹp bỏ dịch vụ đòi nợ thuê, không cho phép hành nghề là điều rất cần thiết hiện nay. Trước hết, khi đã xác định nợ, nếu hai bên không thống nhất được, đã có cơ quan xét xử là Tòa án. Cơ quan này có chức năng xử lý và biết rõ vấn đề có nợ hay không, trên cơ sở pháp lý nào… giữa các bên để phân xử.

ĐBQH TP Hồ Chí Minh - Trương Trọng Nghĩa


Hệ lụy từ việc đòi nợ thuê gây ảnh hưởng như thế nào cho từng cá nhân và xã hội, theo ông?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Nếu để dịch vụ đòi nợ thuê tồn tại, dẫn đến tình trạng bất chấp pháp luật và gây ra những hệ lụy khôn lường. Tình trạng lạm dụng, lợi dụng dịch vụ đòi nợ thuê để cưỡng đoạt tài sản diễn biến rất phức tạp, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thiếu nợ. Bởi lẽ, mặc dù thiếu nợ, nhưng người ta vẫn có một số quyền hợp pháp do luật định. Quyền đó được pháp luật che chở và Tòa án là cơ quan xử lý.

Một nhóm côn đồ đi đòi nợ thuê bị lực lượng Công an Hà Nội bắt giữ


Ở nhiều nơi đã xảy ra những vụ đòi nợ thuê gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Có những vụ giá trị tài sản cho vay thấp, nhưng tội phạm đã lợi dụng để gây ra những vụ xiết nợ mang tính chất cưỡng đoạt tài sản, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Ông có thể đưa ra cảnh báo gì sau những vụ việc trên?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Cần xem lại cấp nào quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ này và Nhà nước cần nhanh chóng có quy định cụ thể để dẹp dịch vụ đòi nợ thuê. Cách làm này không đảm bảo các yếu tố pháp luật và quyền con người và là hiểm họa để xảy ra tội phạm. Tôi đề nghị cần sớm có quyết định xóa bỏ loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

Với tư cách là ĐBQH - TP Hồ Chí Minh, ông sẽ đưa vấn đề này ra bàn thảo ở Quốc hội?

Ông Trương Trọng Nghĩa: Trước hết, tôi sẽ kiểm tra lại việc giải quyết thực trạng này thẩm quyền nằm ở đâu? Nếu thẩm quyền thuộc về Bộ, ngành hoặc cấp Chính phủ, tôi sẽ có ý kiến tới các cấp đó để xem xét. Nếu liên quan đến luật, tôi sẽ kiến nghị sửa luật.