"Đẽo gọt" để Vạn Phúc - Bát Tràng thành "ngọc"

ANTD.VN - Nhằm chuyển hóa những mô hình làng nghề thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch quốc tế, Hà Nội đã tổ chức thi tuyển ý tưởng, quy hoạch dự án đầu tư Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc. Hai trong số rất nhiều ý tưởng từ các công ty thiết kế kiến trúc đã được UBND thành phố Hà Nội trao giải và giới thiệu trong sáng qua 30-11.  

Ý tưởng thiết kế của Công ty Arep Ville sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ cho làng lụa Vạn Phúc

Mở xưởng sản xuất quốc tế ngay tại làng nghề  

Đó là ý tưởng táo bạo của Công ty kiến trúc Pháp Arep Ville - đơn vị vừa giành giải Nhất cuộc thi tuyển ý tưởng, quy hoạch dự án đầu tư Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng dệt lụa Vạn Phúc.

Chia sẻ về sáng kiến này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Quản lý dự án Công ty Arep Ville cho biết: “Mọi người đều biết sản phẩm lụa Vạn Phúc từ lâu có tiếng trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên, mẫu mã lụa Vạn Phúc chưa thực sự hấp dẫn. Vì thế, chúng tôi muốn đưa ra một làng lụa Vạn Phúc sáng tạo bằng cách mở một xưởng thiết kế theo mô hình quốc tế (fab lab). Khi mở xưởng, các nhà thiết kế đến đây cùng suy nghĩ, sáng tạo mẫu mã để đưa vào sản phẩm, đồng thời trao đổi thông tin về nghề dệt lụa truyền thống”. 

Song song với việc tạo dựng một không gian sản xuất mang tính hiện đại, năng động vào trong làng, ông Nguyễn Tùng Lâm cho biết, nhóm thực hiện dự án cũng chú trọng đến công tác bảo tồn, trong đó không chỉ bảo tồn các công trình hiện hữu trong quần thể làng Vạn Phúc, mà dự án đi tìm những gia đình còn lưu giữ kinh nghiệm, bí quyết dệt lụa truyền thống của làng Vạn Phúc để khuyến khích họ xây dựng dịch vụ, tiện nghi đáp ứng nhu cầu du khách.

Từ đó, nhóm đề xuất xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng như đưa khách tham quan nhà cổ, trực tiếp theo dõi cách thức dệt lụa truyền thống và tham gia vào quá trình sản xuất. Cùng với đó là đưa du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa qua các hình thức sinh hoạt, đi chợ, mua sắm… Đại diện Arep Ville cho biết thêm, nếu cải tạo tốt cũng có thể tận dụng cảnh quan ven sông Nhuệ thành không gian mở để du khách đi dạo, khám phá đặc sản ẩm thực địa phương.

Mô hình làng nghề truyền thống mẫu mực 

Tại buổi lễ, ý tưởng của liên danh nhóm Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) và Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao Công nghệ xây dựng (Liên danh NSC - Đại học Kiến trúc Hà Nội) cũng xuất sắc đoạt giải Nhất về bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

Ông Tetsushi Fujita, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Nikken Sekkei Civil cho biết, ý tưởng “Finding Bat Trang” (Tìm lại Bát Tràng) mà nhóm thực hiện không nhằm mục đích tạo dựng công trình mới mà đi sâu vào kiến tạo nội dung, tìm lại những điểm hấp dẫn của làng nghề Bát Tràng trong sản xuất và du lịch.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa, phía công ty Nhật Bản hy vọng sẽ khắc phục 3 điểm yếu còn tồn tại của làng Bát Tràng hiện nay, đó là hệ thống giao thông, giao thương và vấn đề tạo dựng thương hiệu, nhằm củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo ra những giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch của Bát Tràng. 

Đánh giá cao ý tưởng của 2 đề án đoạt giải Nhất, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển đã giao cho các đơn vị nói trên tiếp tục lập quy hoạch chi tiết với 2 làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng.

Các đơn vị tư vấn thiết kế này sẽ được ưu tiên thương thảo và đàm phán để ký hợp đồng thực hiện lập quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 khi có đủ điều kiện năng lực thiết kế và các dịch vụ tư vấn phù hợp, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của UBND TP.

Trên cơ sở đó, thành phố cũng đề nghị UBND quận Hà Đông và huyện Gia Lâm tổ chức lập dự án để tiến tới cải tạo, xây dựng 2 làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng trở thành 2 làng nghề mẫu mực, vừa phát huy, gìn giữ giá trị truyền thống của 2 làng nghề, đồng thời kết hợp phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển du lịch. Phấn đấu từ nay đến 2019-2020 sẽ hoàn thành việc cải tạo, phát triển 2 làng nghề truyền thống nêu trên.