Đèn vi khuẩn

ANTĐ - Theo hãng Philips, trong vòng vài năm tới, chúng ta sẽ sử dụng một khối vi khuẩn phát quang sinh học làm đèn thắp sáng.

Có lẽ chúng ta sẽ tiết kiệm được thêm tiền điện nhưng sẽ phải chăm sóc đám vi khuẩn bằng một số chất thải trong nhà để chúng có thể phát ra ánh sáng màu xanh đủ soi sáng vào ban đêm. Đây là công nghệ sinh học tạo ra các hiệu ứng ánh sáng cho môi trường xung quanh bằng sử dụng vi khuẩn phát quang sinh học vốn sống dựa vào khí mêtan.

Các nhà nghiên cứu đã lập ra một bức tường gắn các “bóng đèn” chứa vi khuẩn phát sáng trong đó. Mỗi một ô được nối với ống silicon để cung cấp thức ăn tạo ra hệ thống khép kín cho các sinh vật sống này.

Phát quang là hiện tượng ánh sáng được sản xuất ở nhiệt độ thấp, trái ngược với sự cháy đỏ khi ánh sáng được tạo ra từ nhiệt độ cao.

Do vậy, ánh sáng kiểu này có cường độ thấp, chỉ phù hợp cho nhu cầu ánh sáng yếu, không được bằng đèn chiếu sáng huỳnh quang thông thường. Nhưng ưu điểm của nó là không cần dây dẫn nên không phụ thuộc vào điện lưới và cũng là cách bảo vệ môi trường. Các nhà thiết kế cho biết, “đèn sinh học” này có thể ứng dụng cho biển cảnh báo trên đường giao thông, cầu thang, đèn cần ánh sáng yếu ở nhà hát, rạp chiếu phim, câu lạc bộ đêm…