Đến trang trại tiền tỷ của kẻ đã từng chìm trong nghiện ngập

ANTĐ - Men theo những triền đê dài hun hút ở đất Thái Bình chúng tôi tìm đến trang trại của anh Phạm Đình Chiểu ở thôn 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư. Ven đê, cánh đồng ngô xanh rờn, ngút ngàn bờ bãi, trang trại của anh cơ man nào là vườn cây, ao cá, chuồng trại... Mấy ai ngờ được trang trại với cơ ngơi tiền tỉ này lại là của một con nghiện từng được tình yêu cứu vớt ra khỏi “nàng tiên nâu”.
Đến trang trại tiền tỷ của kẻ đã từng chìm trong nghiện ngập ảnh 1

Quá khứ lầm lạc

Anh Phạm Đình Chiểu (SN 1965) đã có những năm tháng tươi đẹp được rèn luyện qua quân ngũ. Ra quân năm 1985 ở tuổi đời 20, người bộ đội phục viên trở về đất lúa gây dựng cơ nghiệp. Lúc bấy giờ cuộc sống khó khăn, làm lụng vất vả mà chẳng khá khẩm, đúng lúc đó anh được các bạn bè cùng trang lứa rủ đi làm ăn. Chàng trai trẻ ôm mộng làm ăn xa lấy vốn về xây dựng cơ nghiệp trên quê hương. Năm 1986 anh quyết định lên Lai Châu đãi vàng. 

Ở mảnh đất Tây Bắc này vào những năm 80 của thế kỷ trước đây là xứ sở của cây thuốc phiện. Thuốc phiện hồi đó người dân tộc trồng nhan nhản, cây còn tươi thì người ta cạo lấy mủ. Đến mùa thu hoạch người ta chất hàng kho quả để tích trữ nấu cao thuốc phiện mà hút dần. Phu đãi vàng rảnh rỗi không có gì tiêu khiển thường đổi đồ đạc lấy thuốc phiện của người dân mà hút. Hồi đó một, hai lạng mì chính (bột ngọt) đổi lấy thuốc hút cũng được cả tuần. Chả vậy mà dân đãi vàng nghiện như ngả rạ. 

Mấy ai lên cái xứ này mà không bị “nàng tiên nâu” quyến rũ, ai nguyên lành trở về thì ấy được gọi là kỳ tích. Tuy từng là bộ đội, nhưng phải đối mặt với cuộc sống “ăn rừng ở rú”, đối mặt với bao gian nan, nguy hiểm bởi sự tranh giành lãnh địa của các ông chủ bưởng vàng đã khiến chàng trai quê lúa trở nên lì lợm. Trong những ngày tháng giam chân ở bãi vàng, không ngoại lệ anh đã bập vào “nàng tiên nâu” như một thứ ma lực khó cưỡng. Ném cả tuổi trẻ ở các bãi vàng nhưng khi trở về quê hương, Chiểu chỉ có hai bàn tay trắng và thân hình tàn tạ. 

Từ một tràng trai sức dài vai rộng, là niềm hi vọng của cả gia đình sau 5 năm lăn lộn trên những bãi vàng ở Lai Châu lúc trở về “tay trắng vẫn hoàn trắng tay”. Không chỉ thế, những cơn nghiện đã làm Chiểu mất đi niềm thương yêu, tin tưởng từ gia đình, hàng xóm. Năm 1990, chàng thanh niên mang thân xác gầy còm về quê hương trong sự ruồng rẫy, ghẻ lạnh của gia đình, bạn bè. Một mình không đủ nghị lực và quyết tâm để cai nên nhiều lần anh vẫn phải “mò” lên Lai Châu mang thuốc về hút dần. Thấy không thể như vậy mãi, chất lính trong anh vẫn còn và trỗi dậy, anh quyết tâm lên kế hoạch cai nghiện cho bằng được. 

Tình yêu cứu rỗi

Việc đầu tiên trong kế hoạch làm lại cuộc đời của chàng trai nghiện ngập là… lấy vợ. Trong thôn, ngoài làng ai cũng biết Chiểu là một tay nghiện ngập thế nên chả cô gái nào muốn theo anh ăn đời ở kiếp. Ở gần không được anh quyết định “đánh bắt xa bờ”. Thế rồi phải duyên phải số, cộng với tài ăn nói, anh “hạ” được chị Tạ Thị Bích Liên (SN 1969) ở xã Vũ Hợp, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Lúc yêu Chiểu giấu không cho chị Liên biết mình bị nghiện. Một năm sau ngày yêu nhau đôi trẻ làm đám cưới. Cho đến lúc lấy nhau về chị Liên mới biết chồng mình là con nghiện. Thế nhưng mọi sự đã an bài. “Lúc ấy phần vì yêu anh ấy, phần vì “ván đã đóng thuyền”. Là thân con gái, lấy chồng thì phải theo chồng, nên cũng cố gắng cùng làm mọi việc với anh”. - chị Liên kể.

Cuộc sống ngày càng thiếu thốn cơ cực khi đứa con gái đầu lòng ra đời năm 1991. Anh Chiểu vẫn nghiện ngày một nặng, thân làm chẳng đủ hút hít chứ đừng nói đến chăm lo cho vợ con. Lúc ấy, gia đình, xóm làng vẫn ruồng rẫy, anh Chiểu rơi vào tình thế khốn cùng. Vợ con cũng vì thế mà vạ lây, nhìn vợ con tiều tụy, anh biết mình phải quyết tâm dứt khỏi nàng tiên nâu thì mới có thể làm lại cuộc đời. Anh giam mình trong phòng tối, vật vã trong cơn thèm thuốc, đau đớn như có muôn ngàn mũi kim cắn dứt khắp cơ thể. Cứ như vậy, những “cơn vật” thuốc giảm dần và cuối cùng anh đoạn tuyệt được hẳn với thuốc phiện. 

Cai được nghiện không phải đơn giản, cứ mỗi lần lên cơn anh lại quằn quại, đau đớn. Bàn tay thô ráp vì lao động nặng nhọc của người vợ lúc này lại đấm bóp giúp anh làm dịu cơn đau. Những lời động viên an ủi, những giọt nước mắt khóc thương anh những lúc như vậy đã tiếp thêm cho anh Chiểu nghị lực để “dứt tình” với ma túy. Một vài năm sau thi thoảng anh vẫn nhớ thuốc, vẫn thèm lắm cái cảm giác đê mê, nhưng lúc này tình yêu của vợ và trách nhiệm của người cha không cho phép anh đi vào con đường cũ.  

Đất nghèo nở hoa

Trang trại hơn 10 mẫu của anh ngày hôm nay không phải tự dưng có được, nó là mồ hôi nước mắt của cả hai vợ chồng qua bao tháng ngày vất vả. Với hai bàn tay trắng, anh Chiểu đã làm lại cuộc đời bằng những ngày tháng không thể quên như thế. Không tiền bạc, không sự giúp đỡ, không niềm tin của gia đình. Vợ chồng anh quyết định đấu thầu dải đất cạnh triền đê trước đấy là trại tằm khi đó đã bỏ chỉ là bãi đất hoang vu, toàn lau lách. Sau thời hoàng kim của những năm tháng quan liêu bao cấp, khu sản xuất nhộn nhịp ngày xưa ấy giờ hoang vắng, tiêu điều. “Khoảng đầu những năm 1990, khi tôi đặt chân ra đây, dựng nhà, khai hoang để phát triển sản xuất, nhiều người nghĩ đầu óc tôi có vấn đề. Bởi đã rất lâu rồi, không ai dám đặt chân ra nơi ấy”, anh Chiểu nhớ lại. 

Mới đầu ra đây chỗ ở còn chẳng có, anh nói khó với bà con làm đồng quanh đấy là mình ở đây thi thoảng trông coi trâu bò, đồng áng giúp nên mỗi người đóng góp cho bó rơm, bó rạ, cây tre… Cùng với sự giúp đỡ ban đầu hai vợ chồng anh đã có mái nhà tranh che mưa, che nắng. Ấy thế mà nó cũng tồn tại được ba năm, khi điều kiện khá hơn hai vợ chồng anh Chiểu xây nhà cửa dần dần rồi tạo nên cả cơ ngơi tiện nghi như hôm nay. 

Với suy nghĩ nếu chăm chỉ làm ăn, đất sẽ không phụ công người, từ sáng sớm đến tối mịt, anh Chiểu lăn lộn ngoài đồng bãi. Lấy ngắn nuôi dài, cuộc sống của anh dần ổn định, diện tích trang trại cũng mở rộng lên đến 11,6 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2). Giờ thì toàn bộ khu đất ấy đã mang lại thu nhập ổn định, không phụ công những ngày tháng vất vả của hai vợ chồng. Một số diện tích không sử dụng hết, anh cho bà con thuê lại để trồng ngô. 

Nghĩ lại những ngày đầu gian khó, anh Chiểu tâm sự: “Với một thằng từng nghiện ngập như tôi, chả ai dám cho vay tiền. Thế là hai vợ chồng đành tự khai hoang, vỡ đất để trồng cấy, sản xuất, đói thì ăn khoai sắn. Lúc mới ra đây vợ tôi chỉ được có 34 kg. Chỉ tội con Huyền (con gái lớn của anh - PV), mới được mấy tháng tuổi, khát sữa nên khóc đến khản cổ. Tôi đành xuống đầm tuốt mấy hạt lúa nếp non đem về giã, nấu bột cho con ăn. Mới đó mà đã hơn 20 năm, giờ thì cái Huyền đã xây dựng gia đình rồi”.

Đi lên từ quá khứ lầm lạc, Phạm Đình Chiểu vẫn không quên những ngày tháng gian khó ấy. Anh lấy những điều đó để tự răn dạy mình và khuyên bảo lũ trẻ hãy biết sống, làm việc bằng chính sức lực và đất đai của quê hương... Nhìn trang trại ngút ngàn xanh của anh mới thấy rằng dù là ai đi chăng nữa nếu có nghị lực, yêu lao động thì đất sẽ nở hoa…