Đến thăm nhà thủ khoa “kép” xứ Thanh

ANTĐ - Xóm nghèo tổ 4 Hoàng Thịnh- Hoằng Hóa- Thanh Hóa vốn yên tĩnh hiền hòa bỗng như chộn rộn tất bật hẳn lên khi nghe tin xóm mình có thủ khoa của hai trường Đại học danh tiếng. Thủ khoa đó là Lê Xuân Hoàng - Thủ khoa ĐH Thủy Lợi (28,5 điểm) và Thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội (29,5 điểm).  Một học sinh thi hai trường với hai khối thi khác nhau nhưng kết quả đều đỗ cao nhất khiến cho nhiều người ngưỡng mộ. Và cũng vì sự ngưỡng mộ ấy, chúng tôi đã tìm đến nhà thủ khoa “kép” xứ Thanh.

“Hai anh em nhà bác sĩ”

Vừa mới đến đầu xóm, khi nhìn thấy chúng tôi là người lạ đến, người dân ở đây đã đoán ngay ý định của chúng tôi đang đến tìm Thủ khoa của xóm. Mấy đứa trẻ trong xóm còn lăng xăng chỉ đường cho chúng tôi. Ngôi nhà của Thủ khoa Lê Xuân Hoàng là một ngôi nhà 3 gian, sạch sẽ khang trang. Điều làm chúng tôi ấn tượng là góc học tập của Hoàng. Một chiếc bàn nhỏ, với những chồng sách cao, xếp gọn gàng ngăn nắp, chỉ có điều ở góc học tập đó không thấy treo, dán những tấm bằng khen bởi tôi biết Hoàng đã có rất nhiều thành tích cao, bằng khen, giấy khen trong học tập. Chỉ có sách và sách. Có những quyển bìa đã sờn cũ, có những quyển còn mới nhưng đều được sắp xếp cẩn thận ngăn nắp.

Lê Xuân Hoàng là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Bố Hoàng là bộ đội về hưu mất sức, mẹ làm nội trợ nền kinh tế gia đình cũng không mấy dư dả, lại phải nuôi bốn đứa con ăn học nên cũng gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bàn, mẹ Hoàng chia sẻ trong niềm xúc động và tự hào: “Thú thực trước đây gia đình khó khăn, điều kiện kinh tế không có, nuôi bốn đứa con ăn học vất vả lắm, nhưng được cái đứa nào cũng ngoan, đứa nào cũng học giỏi vì thế mà tôi cảm thấy mừng lắm. Đối với tôi mấy đứa con là tài sản vô giá, dù vất vả đến mấy nhưng nhìn công sức mình bỏ ra và những gì các con  đạt được thì tôi cũng thấy đáng lắm.” 

Được biết các anh chị của Hoàng cũng đều học hành chăm chỉ và đỗ đạt cao. Chị cả đang làm giáo viên cấp hai trường THCS Hoằng Thanh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, Chị thứ hai đang học tiến sỹ còn anh ba thì cũng là sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội năm thứ ba. Anh trai Hoàng cũng đã từng  đỗ hai trường thuộc tốp đầu đó là ĐH Ngoại Thương và  ĐH Y.

Mặc dù có đôi chút phân vân trong khi chọn trường, nhưng Hoàng bảo ước mơ của em là muốn trở thành một bác sĩ cứu người. Khi còn nhỏ mới  5  tuổi, Hoàng đã bị  một trận ốm nặng khiến di chứng để lại sau đó làm sức khỏe của em luôn không tốt, Hoàng gầy yếu và bé nhỏ nhất lớp nhưng  nhiều bạn bè khi nói về Hoàng vẫn đùa rằng: “Hoàng tuy nhỏ nhưng trí không nhỏ, dù trong lớp cậu là học sinh nhỏ nhất nhưng kết quả học tập luôn luôn tốt”. Cũng có lẽ vì là một học sinh ốm yếu nến  trong suy nghĩ cũng như ước mơ của Hoàng luôn muốn trở thành bác sĩ. Hơn thế Hoàng lại có anh trai cũng đang “nuôi” ước mơ lớn này. Được sự giúp đỡ của gia đình, thầy cô và nhất là người anh - một bác sĩ tương lai đã giúp Hoàng rất nhiều trong việc hướng dẫn, tìm kiếm nguồn tài liệu để Hoàng có được kết quả 29,5 điểm và trở thành một trong 17 thủ khoa của trường Đại học Y Hà Nội năm 2013. Có lẽ sự phấn đấu của người anh cũng là một tấm gương, một động lực giúp Hoàng theo đuổi ước mơ của mình. Rất có thể, rồi đây trong ngôi nhà nhỏ ở xóm nghèo Hoằng Hóa kia sẽ có hai anh em là bác sĩ.

“Không cần luyện “lò”

Trong khi có nhiều bạn học sinh chọn cách đến “lò” luyện, thậm chí có những bạn “đốt” tiền của cha mẹ đua đòi đi học theo chúng bạn, có những bạn lại đến “lò” chỉ để chứng minh với bố mẹ là mình có đi học, mặc dù đến “lò” chỉ để nói chuyện và ngủ gật, rồi cũng đăng ký thi hết trường nọ đến trường kia để vừa lòng phụ huynh. Không phản đối việc tới các lò luyện thi, bởi vẫn có những lò luyện thi nghiêm túc nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con đi học như vậy. Kỳ thi Đại học năm 2013 cũng đã cho thấy có rất nhiều bạn học sinh nghèo, không tới các “lò luyện” nhưng vẫn đạt kết quả cao, thậm chí là các Thủ khoa. Có thể kể tên thủ khoa: Nguyễn Trần Thành Danh (ĐH ngoại thương); Nguyễn Thành Trung (ĐH Bách Khoa Hà Nội)…Lê Xuân Hoàng cũng là một trong những thủ khoa không cần lò luyện.  

Khác với nhiều bạn học khác, Hoàng không có lối học “học ngày cày đêm”, em tự sắp lịch học cho mình, tự phân bổ thời gian học và chơi. Hoàng chia thời gian học trong ngày, sáng sớm dậy ôn bài khoảng 2 đến 3 tiếng, sau đó đến trường học, buổi tối em học từ 7 giờ đến 10 giờ và luôn chủ động sắp xếp thời gian học tập. Hoàng  không ủng hộ việc học thụ động vì cho rằng thụ động trong học rất bất lợi với mình và kết quả đạt được sẽ không cao. Chính vì thế Hoàng luôn để mình được thoải mái và tìm thấy sự hứng thú trong học tập. Ngoài giờ học Hoàng dành thời gian chơi cầu lông, vừa để rèn luyện sức khỏe vừa làm đầu óc mình sáng suốt có thể tập trung vào việc học nhiều hơn. Hoàng khẳng định em luôn kiểm soát được việc học của mình. Tuy nhiên cũng có lúc cảm thấy nản lòng khi gặp những bài khó. Những lúc như vậy, Hoàng tự cho phép mình nghỉ ngơi và nhanh chóng tìm lại được niềm đam mê của mình: “có lúc gặp bài khó em cũng thấy nản, nhưng mà nghĩ đến tương lai, nghĩ đến kỳ thi sắp tới thì em sẽ vui và tiếp tục cố gắng học”. Hoàng còn chia sẻ: ngoài giờ học trên lớp và tự học ở nhà thì Hoàng không học thêm ở bất cứ trung tâm nào. 

Trong các bộ môn thì Hoàng yêu thích nhất là môn toán. Thầy giáo Nguyễn Văn Bảo, giáo viên dạy toán trường THPT Lương Đắc Bằng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa là người thầy đã dìu dắt Hoàng trong quá trình ôn luyện đã nhận xét về cậu học trò cưng của mình: “Hoàng là một học sinh ngoan ngoãn, hiền lành, lại có tư chất thông minh thêm tính hiếu học nên thành tích học rất tốt, đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi của trường, huyện, tỉnh. Những buổi học nào mà tôi bận không dạy được thì Hoàng lại chủ động xin học bù. Trong quá trình học ở trường Hoàng được thầy cô quý mến và giúp đỡ, được các bạn tin cậy và hay hỏi bài Hoàng. Hoàng cũng rất niềm nở giúp đỡ các bạn trong lớp. Hoàng hiền mà ngoan lắm, cứ tiếp xúc với bạn ấy là biết ngay”. 

Trong câu chuyện với chúng tôi, Hoàng rất khiêm tốn, rất ngại nói về mình và luôn tự nhủ, những gì mình đạt được vẫn còn bé nhỏ, mình còn phải cố gắng rất nhiều. Sự khiêm tốn ấy chúng tôi đã nhận ra khi vào thăm góc học tập của Hoàng. Hoàng không hề treo trên tường những tấm bằng khen, giấy khen mặc dù chúng tôi được nhà trường cho biết Hoàng đã từng  đạt Giải 3 môn Lý cấp huyện lớp 9; giải nhì môn Sinh cấp huyện lớp 9; Giải nhất môn Toán - tin cấp huyện lớp 9; Giải khuyến khích môn Toán - Tin cấp tỉnh lớp 9 ; Giải nhì Toán cấp tỉnh lớp 9; Giải nhất Toán cấp tỉnh lớp 12, trong năm học lớp 12 Hoàng cũng là học sinh giỏi toàn diện với điểm tổng kết các bộ môn đều trên 9.0.