Đến năm 2025, hỗ trợ ăn trưa cho 1,26 triệu học sinh dân tộc thiểu số

ANTD.VN - Sáng 28-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu hỗ trợ ăn trưa cho hơn 1,26 triệu học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn học tập

Dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 gồm 9 điều, đặt ra một loạt mục tiêu cụ thể ứng với hai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo sinh kế giải quyết những vấn đề bức thiết của nhóm dân tộc rất ít người và dân tộc còn nhiều khó khăn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hàng năm trên 3%; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020;

Hỗ trợ, tạo điều kiện ăn trưa cho hơn 1,26 triệu em học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn học tập; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 

100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại thuận tiện bốn mùa; nhựa hóa, bê tông hóa hơn 2.600km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở 1.400 xã và 8.000 thôn đặc biệt khó khăn.

Nghị quyết định hướng mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân…

Về kinh phí thực hiện chương trình, Nghị quyết cho biết tổng vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 114.970 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 10.016 tỷ đồng.

Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030.

Nghị quyết giao Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì quản lý, giao HĐND và UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương, cùng với ngân sách trung ương và huy động tối đa các nguồn lực khác để thực hiện Chương trình.