Đến năm 2020 sẽ bỏ thi đại học?

ANTĐ - Chiều 10-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trả lời báo chí về kết quả kỳ thi ĐH 2011 cũng như hướng cải tiến thi cử.

Theo đó, đến năm 2020 cùng với việc mở rộng mạng lưới đào tạo đại học, cung cầu sẽ bằng nhau. Thi ĐH chỉ cần với những trường đào tạo bậc cao.

 Vẻ mệt mỏi của thí sinh và người nhà sau khi hoàn thành kỳ thi đại học (Ảnh chụp tại điểm thi vào ĐH Y Hà Nội tại trường Tiểu học Quang Trung, Đống Đa)
 Vẻ mệt mỏi của thí sinh và người nhà sau khi hoàn thành kỳ thi đại học
(Ảnh chụp tại điểm thi vào ĐH Y Hà Nội tại trường Tiểu học Quang Trung, Đống Đa)

- Phản ánh của thí sinh đề thi năm nay khá khó, vậy Bộ GD-ĐT có giảm mức điểm sàn các khối?
- Trước kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT đã đặt ra yêu cầu đề thi phân hóa cao để tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh một cách hợp lý hơn. Dư luận về đề thi 2 đợt thi năm nay đã đạt được mục tiêu này. Khi đề thi đã phân loại cao thì ít có thí sinh đạt điểm 10 cũng như giảm thí sinh bị điểm thấp 1, 2 điểm. Thí sinh đạt điểm trung bình 5, 6 điểm sẽ nhiều nhất. Cách phân hóa này sẽ tạo phổ đầu vào cho các trường rộng ra để các trường có thể dễ dàng lựa chọn đối tượng tuyển sinh đầu vào phù hợp với yêu cầu của trường.
Còn với điểm sàn, với cách thức ra đề như vậy thì khả năng điểm sàn sẽ không thấp hơn mọi năm. Tuy nhiên, cụ thể mức điểm sàn như thế nào sẽ do Hội đồng điểm sàn của Bộ quyết định khi có đầy đủ thông số điểm thi các trường báo về và dựa trên chỉ tiêu xét duyệt cho các trường.

- Thời gian thi mỗi đợt kéo dài 3 ngày ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của bộ phận lớn người dân. Theo Thứ trưởng có nên rút lại thời gian hoàn thành thủ tục và dự thi trong 2 ngày?
- Đây là kỳ thi quốc gia với phương án “3 chung” vì vậy chúng tôi phải đặt hệ số an toàn lên cao nhất. Việc có 1 ngày để làm thủ tục dự thi không phải chỉ đề dành cho thí sinh sửa chữa sai sót, bổ sung thông tin mà còn để cho các trường có thời gian khắc phục những sai sót này. Đơn cử nếu có nhầm lẫn về số báo danh của một thí sinh thì khi sửa lại sẽ xô lệch đi hàng nghìn thí sinh. Nếu không xử ký kịp thì sẽ ảnh hưởng tới nhiều hội đồng thi và như vậy sẽ ảnh hưởng tiến độ chung của cả nước với cả triệu thí sinh. Bởi vậy, việc bố trí thời gian thi như hiện nay đã là phương án tối ưu.

- Kỳ thi “3 chung” này đã được tiến hành 10 năm nay, tuy nhiên vẫn xảy ra những sự cố mà lỗi là ở giám thị hay khâu in sao đề. Phải chăng đã xuất hiện tư tưởng chủ quan ở các trường?
- Sự cố thi cử trong tuyển sinh như giám thị ký nhầm hay lẫn mã đề thi như đã xảy ra trong đợt 1 kỳ thi năm nay là sự cố kỹ thuật. Các trường dù có tập huấn kỹ nhưng có một vài giám thị không tập trung và thiếu trách nhiệm trong công việc thì vẫn có thể xảy ra sai sót. Các vụ việc nói trên đã không thành nghiêm trọng nếu giám thị có kinh nghiệm và trong đợt 2 Bộ đã rút kinh nghiệm yêu cầu cán bộ coi thi không được tự xử lý mà phải báo cáo về Bộ nếu có sai sót.
In sao đề thi cũng là nhầm lẫn kỹ thuật chỉ xảy ra ở một số túi đề thi với hơn 200 mã đề thi. Lỗi xảy ra có thể là do trục trặc ở một máy photo nào đó. Bộ đã xử lý và kéo dài thời gian làm bài hợp lý cho thí sinh. Với quy mô hơn 1 triệu thí sinh, sự cố như vậy có thể xảy ra nhưng quan trọng là các hội đồng thi dự phòng và lường trước được sự việc để xử lý kịp thời. Ngay với việc phải tổ chức thi lại cho 3 thí sinh ở Nha Trang thì có thể thấy sau 10 năm tổ chức kỳ thi này, đây là lần đầu tiên sử dụng đến đề thi dự bị và cho thấy quy trình về chuẩn bị đề thi vẫn đảm bảo đúng yêu cầu.

- Bộ vẫn luôn đề cập đến việc đổi mới kỳ thi ĐH. Vậy sau kỳ thi này Bộ có đưa ra phương hướng mới để giảm áp lực của kỳ thi này?
- Bộ luôn xác định cần phải đổi mới để kỳ thi này gọn nhẹ và hiệu quả nhất. Năm nay đổi mới công tác thi cử là công việc trọng tâm song song với đổi mới cách học và cách thi ở phổ thông. Bộ dự kiến đến năm 2015 sẽ bắt đầu có những đổi mới với kỳ thi này vì không phải cứ nói là đổi được ngay. Bộ sẽ từng bước công bố lộ trình đổi mới.
Hiện nay, với khoảng 2 triệu lượt thí sinh dự thi trong 3 đợt thi ĐH, CĐ trong khi chỉ tiêu vào khoảng 550.000 sinh viên thì có thể thấy nhu cầu cao gấp 3 lần khả năng đáp ứng của các trường. Vì vậy, việc thi ĐH sẽ phải kéo dài một thời gian nữa. Bộ đang thay đổi mạng lưới mở rộng đào tạo ĐH, CĐ để phấn đấu đến 2020 sẽ đạt quy mô 4 triệu sinh viên, như vậy mỗi năm sẽ tuyển 1 triệu sinh viên đủ chỗ cho 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT nếu các em có nhu cầu. Khi đó áp lực thi không còn và việc tổ chức thi đầu vào sẽ chỉ cần áp dụng với những trường đào tạo tinh hoa, bậc cao, nghiên cứu… Bộ sẽ chỉ cần tập trung giám sát quá trình đào tạo của các trường này thay vì kiểm soát tuyển sinh đầu vào. Như thế mới có thể giải quyết được vấn đề tuyển sinh như bây giờ.