Đến Lâm Hà xem “voi tắm thác”

ANTĐ -  Đến Lâm Đồng, thăm Đà Lạt, bên cạnh những rừng thông ngút ngàn xanh, những sớm mai bồng bềnh sương khói, những chiều lãng đãng với hoa, không ai lại bỏ lỡ cơ hội đi thăm những con thác đẹp nhất, lắng nghe trong tiếng thác những câu chuyện huyền thoại về tình yêu đôi lứa ở nơi mà tình yêu luôn gắn liền với tên gọi của một vùng đất, Đà Lạt thành phố tình yêu.

Đến Lâm Hà xem “voi tắm thác” ảnh 1

Thác Voi cách thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chừng 25km, thuộc huyện Lâm Hà. Đây là một trong những con thác hùng vĩ, đẹp và hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hài hòa, sự đan xen giữa thiên nhiên, cây cỏ, thác suối và đặc biệt là những tảng đá lớn có hình thù đặc biệt như một đàn voi đang nô đùa, tắm mát bên dưới dòng thác trắng, phun lên những làn bụi nước mờ ảo. Huyền thoại kể rằng, ngày xưa, một vị tù trưởng người K’Ho của vùng núi Jơi Biêng có cô con gái rất đẹp. Mỗi khi sơn nữ cất giọng hát thì lá rừng thôi xào xạc, đàn chim ngừng tiếng hót để lắng nghe. Người yêu của nàng là con trai của tù trưởng làng bên. Họ đã trao lời hẹn ước nên duyên chồng vợ. Song một ngày, chàng trai phải lên đường đánh giặc.

Nhiều mùa trăng trôi qua mà chàng chưa quay về. Cô gái đau khổ tìm đến ngọn núi hoang vắng mà trước kia họ từng hò hẹn, cất tiếng hát tha thiết, sầu thảm với hy vọng người trong mộng tìm về chốn xưa. Tiếng hát khiến loài chim B'ling xúc động. Chúng rủ nhau bay đi thật xa để dò la tin tức rồi về báo cho nàng biết là chàng trai đã hy sinh ngoài chiến trận. Thế nhưng, sơn nữ vẫn không chịu chấp nhận sự thật phũ phàng đó. Nàng cứ hát, hát mãi cho đến khi kiệt sức, ngã quỵ và không bao giờ gượng dậy được nữa. Có đàn voi phủ phục nghe nàng hát bấy lâu nay cũng hóa đá lặng câm. Bỗng có tiếng nổ lớn, trời đất rung chuyển khiến ngọn núi gãy ngang và một dòng thác đột ngột tuôn chảy, tung bọt trắng xóa. Tiếng thác nước rì rầm hòa cùng tiếng xào xạc của rừng cây, tiếng líu lo chim hót như tiếp nối lời ca của người sơn nữ xinh đẹp, thủy chung. Người K'Ho bèn đặt tên thác là Liêng Rơwoa Jơi Biêng, cũng có nghĩa là thác của những con voi phủ phục hóa đá trước tình yêu nồng nàn, son sắt. Bởi vậy mà ngày nay thác Liêng Rơwoa còn có tên gọi là thác Voi.

Đến thác Voi, nhìn dòng nước suối Cam Ly đổ từ trên đỉnh cao vài chục thước xuống những tảng đá xếp chồng như hình ảnh đàn voi đá đang quỳ dưới thác. Bụi nước tung lên trắng xóa cả một khoảng rừng. Tiếng nước suối đùa khe đá, tiếng chim rừng hòa ca, âm thanh núi rừng hòa quyện như kể câu chuyện tình đẹp vọng về từ trong quá khứ. Phía sau dòng thác còn có một hang động nhỏ kỳ bí. Hang ăn sâu xuống lòng đất chừng 50m với những vách đá có các hình thù, màu sắc rất lạ mắt mà người dân địa phương gọi là hang Dơi, hang Gió. Rễ cây và dây leo đan xen chằng chịt, càng xuống sâu, hang càng tối và lạnh lẽo như động của phù thủy, lối vào rất hẹp nhưng bên trong khá rộng tạo nên khoảng không hún hút, khi gió lùa qua cửa hang tạo ra âm thanh vi vu hệt tiếng sáo trời.

Một điều đặc biệt khác đối với những du khách từ Hà Nội khi đến thăm thác Voi, chặng đường hơn hai chục cây số từ thành phố Đà Lạt sẽ đi qua rất nhiều địa danh với tên gọi vô cùng quen thuộc. Gia Lâm, Liên Hà, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Mê Linh… là những địa danh xã hình thành do quá trình di dân, khai hoang làm kinh tế mới giai đoạn sau giải phóng. Ở những xã này hầu hết là người dân đến từ Hà Nội và một vài tỉnh phía Bắc. Cũng bởi vậy nên, khi đến huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, những du khách từ Hà Nội sẽ không chỉ có những cảm nhận thú vị về vùng đất, phong cảnh thiên nhiên và con người vùng cao Tây Nguyên, mà còn có cảm giác khác thật gần gũi, thân quen như đang được trở về nhà của mình.