Đến Huế, dạo phố bằng xích lô

ANTĐ - Ai một lần đến Huế cũng đều muốn được ngồi trên xích lô, để dạo quanh thành quách nguy nga, hay len lỏi vào những con ngõ nhỏ cổ kính. Xích lô từ lâu đã gắn liền với đất cố đô, với biết bao thăng trầm lịch sử.

Ở Huế, xích lô tràn ngập phố phường. Từ cầu Trường Tiền đến chợ Đông Ba, từ những con đường quê heo hút tới phố xá sầm uất… đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh chiếc xích lô sớm tối đi về. Xích lô tồn tại như một phần cuộc sống của người dân cố đô. Có lúc là phương tiện lam lũ trong cuộc mưu sinh, nhưng cũng có khi, người ta lại bắt gặp xích lô sang trọng, màu mè trong những đám cưới hỏi... hay thanh lịch bên tà áo nữ sinh Huế trên đường tới trường.

Trong xu hướng phát triển, xích lô Huế có thêm nhiệm vụ mới là chở khách du lịch và quảng bá nét đẹp vùng đất cố đô. Du khách muôn nơi đến với di sản văn hoá thế giới này đều mong muốn được một lần đi dạo bằng xích lô, để tận hưởng cái cảm giác vừa lãng đãng an nhàn lại vừa như được làm người sang ngay chốn kinh kỳ hoa lệ. Xích lô đưa ta đến từng ngõ ngách của Huế để cảm nhận thêm cái thanh bình của cố đô, thong thả qua những thành quách để hồi vọng một thời vàng son hay dạo trên những con đường ngoại thành để “tắm” trong những âm thanh dịu ngọt của tiếng kĩu kịt quang gánh ban sớm của các o, các chị trên đường ra chợ. Hay đôi khi, dạo xích lô dưới cơn mưa để cảm nhận rõ hơn vẻ trầm mặc, u hoài của mảnh đất cố đô cũng là một trải nghiệm độc đáo, thú vị với nhiều người. 

Giới yêu thơ Huế chẳng ai là không biết thi sỹ Nguyễn Văn Phương, còn gọi “Phương xích lô”. Chẳng biết có phải vì đạp xích lô mà ông làm thi sỹ hay không mà trong mỗi vần thơ ông đều chất chứa nỗi u sầu và cả số phận những kiếp người vất vả mưu sinh: “Làm tên phu xe qua ngày tháng/ Chở bao tiếng khóc lẫn nụ cười… Chở bao đau thương về nghĩa địa/ Chở bao hạnh phúc đến tuổi thơ”.

Ở Huế, xích lô là tài sản riêng, là công cụ kiếm sống. Nó được xem như một thành viên của gia đình, cũng có lai lịch, có tâm tư và cả những cơn đau ê ẩm. Nhiều người sau này kinh tế khá giả vẫn giữ lại chiếc xích lô cũ kỹ, như để nhớ lại một thời khó nhọc xưa kia, cũng là để răn dạy cháu con biết quý trọng sức lao động cha ông. Dân xích lô Huế thoạt nhìn chất phác, lầm lũi nhưng mỗi người lại như một từ điển sống. Chẳng thế mà không ít du khách đi xích lô phải trầm trồ khi được nghe họ kể cho biết đủ thứ chuyện buồn vui mới cũ của xứ này, thậm chí cả những chuyện được liệt vào hàng “thâm cung bí sử”. Đa phần những người hành nghề xích lô cho khách du lịch đều có vốn tiếng Anh giao tiếp rất khá, có thể chỉ đường cho khách nước ngoài qua vài ngã tư, mấy chỗ rẽ, thậm chí còn có thể tư vấn cho du khách các quán ăn ngon, các danh thắng hay di tích lịch sử như một hướng dẫn viên thực thụ.

Chất lượng sống tăng lên và đô thị ngày càng nhộn nhịp, nhiều cái cũ đã mất đi song chiếc xích lô vẫn tồn tại như một phần không thể tách rời của xứ Huế. Ngày qua ngày, trên mọi ngả đường vẫn còn đó hình ảnh chiếc xích lô sớm tối đi về như chở nặng nét thăng trầm và cả nỗi u hoài của mảnh đất cố đô.