Đem trọn vẹn sức lực chiến đấu với dịch bệnh, làm tất cả vì sức khỏe của nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời tòa soạn: 24-7-2021. Dấu mốc mà đến nay Hà Nội đã có hàng chục ngày đêm sống trong sự nguy hiểm của dịch bệnh. Rất ít điểm chốt, khu vực, địa bàn nào có một giây một phút lơ là, chủ quan bởi dịch Covid-19 hoàn toàn có thể lướt tới. Thông tin về biến thể của virus SARS-CoV-2 càng phức tạp thì người dân càng hoang mang khi sức khỏe, tính mạng của bản thân, người thân và cộng đồng bị đe dọa. Trong bối cảnh ấy, thế trận tuyến đầu lập tức được hình thành với những lực lượng xung kích, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa là điểm tựa vững chãi cho từng mái ấm gia đình, mỗi cộng đồng dân cư. Hơn 60 ngày đêm, hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô xông pha nơi tuyến đầu mang theo một “MỆNH LỆNH”: “ĐEM TRỌN VẸN SỨC LỰC CHIẾN ĐẤU VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19; LÀM TẤT CẢ VÌ SỨC KHỎE CỦA NHÂN DÂN”. Không biết sẽ phải dùng bao nhiêu ngôn từ, giấy mực để chuyển tải cho hết, cho đủ những công việc, sự vất vả, hy sinh thầm lặng của Công an Hà Nội nói riêng, trong đó có lực lượng Công an cơ sở xã, phường; nhưng chắc chắn một điều, đến thời điểm này, khi mà đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã bớt phức tạp, thì trong tâm khảm của người dân Thủ đô luôn dành sự tri ân, biết ơn cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô - những người đã không quản hiểm nguy, gác niềm riêng gia đình để chăm lo, bảo vệ sự bình yên, an toàn của cộng đồng.
Công an phường Văn Chương, Hà Nội đi từng nhà dân tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19

Công an phường Văn Chương, Hà Nội đi từng nhà dân tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19

Đêm thứ 3 của chu kỳ 21 ngày phong tỏa tại 2 phường Văn Chương - Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận tin: 15 trên tổng số 23 cán bộ, chiến sĩ Công an phường Văn Chương trở thành F1 do tiếp xúc với một nhân viên y tế phường (ca F0) tại điểm xét nghiệm Covid-19. Mọi phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống dịch có nguy cơ bị đảo lộn. Quyết định đưa ra rất nhanh, đó là lập tức trưng dụng một số phòng học tại trường THCS Huy Văn để cách ly 15 đồng chí, để vừa ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm vừa sẵn sàng “tác chiến”, “diệt giặc… Covid-19”.

Người dân phải được chở che, bao bọc, an toàn trước dịch bệnh

Văn Chương - Văn Miếu là hai địa bàn giáp ranh và duy nhất ở Hà Nội qua 4 đợt dịch đến thời điểm này phải triển khai phương án phong tỏa toàn bộ. Nghe qua đơn giản, nhưng để đưa ra quyết định đó, lãnh đạo quận Đống Đa trong câu chuyện với phóng viên Báo An ninh Thủ đô chia sẻ rằng, trải qua giai đoạn dự lệnh, phong tỏa từng cụm dân cư nhỏ, nghe ngóng, đánh giá kỹ mọi tình hình, thuận lợi - khó khăn, đặc biệt công tác an sinh… rồi mới quyết định.

Một trong những yếu tố khiến lãnh đạo quận Đống Đa phải thận trọng khi đưa ra quyết định phong tỏa bởi riêng phường Văn Chương không chỉ đời sống người dân đa phần thu nhập thấp, lao động tự do, mà còn chiếm số lượng nhất nhì quận về số đối tượng hình sự, ma túy trong diện quản lý. “Người bình thường khi phải thực hiện yêu cầu giãn cách, ai ở đâu thì ở yên đó, khó một; thì với người nghiện ma túy, thậm chí, đối tượng có biểu hiện liên quan đến ma túy, việc chấp hành yêu cầu “ở yên đó”… khó gấp mười. Thách thức ấy, trước tiên đặt lên vai lực lượng Công an cơ sở” - đồng chí Đinh Trường Thọ, Bí thư Quận ủy Đống Đa nhìn nhận.

Có một thực tế hết sức tự hào được trải nghiệm đến đợt dịch Covid-19 lần thứ tư là càng “đánh trận”, cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội càng thêm tôi luyện. Những khó khăn, thách thức chỉ là vật cản, nhưng không ngăn được ý chí, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Từng cán bộ, chiến sĩ, từng vị trí, đơn vị trong “cuộc chiến” luôn tâm niệm về chia sẻ, mong muốn và cũng là mệnh lệnh được người thủ trưởng cao nhất của CATP Hà Nội truyền đạt: “Chúng ta hãy chung sức, đương đầu hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh, làm tất cả vì bình yên, an toàn cho nhân dân!”.

Hơn 60 ngày đêm của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư dai dẳng, phức tạp, đầy hiểm nguy nhưng tập thể nhỏ Công an phường Văn Chương nói riêng và toàn lực lượng Công an Thủ đô nói chung không một phút nao lòng, chẳng một giây sợ hãi, hay buông lơi vị trí do áp lực, mệt mỏi. Mỗi giai đoạn, mỗi “trận đánh” càng giúp tôi luyện thêm kinh nghiệm, bản lĩnh và đau đáu nhiệm vụ - người dân phải được chở che, bao bọc, an toàn trước dịch bệnh.

Trung tá Nguyễn Hữu Chung chia từng quả trứng, gói lạc, mớ rau cho người dân ở địa bàn gặp khó khăn

Trung tá Nguyễn Hữu Chung chia từng quả trứng, gói lạc, mớ rau cho người dân ở địa bàn gặp khó khăn

Chung sức, đồng lòng giúp dân “diệt giặc… Covid-19”

Hà Nội những ngày tháng 8 - 2021 chẳng thể nào quên, khi những con số “biết nói” ập đến mỗi ngày khiến nhiều người dân không tránh khỏi tâm trạng thấp thỏm, lo âu, sợ hãi. Bên trong các “vùng xanh”, cuộc sống dù có… dễ thở, cũng chẳng thể an yên như trước. Còn những “vùng đỏ” như Văn Chương thì khó khăn muôn trùng. Chính quyền và các lực lượng Công an, Quân đội, Y tế… luôn trong trạng thái căng 200% sức lực, vừa khẩn trương truy vết, khoanh vùng dập dịch, vừa đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân và đảm bảo an ninh trật tự… Nhiệm vụ nào cũng đều “nóng” và “căng”.

Chiều 21-8, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định ký Quyết định phong tỏa 14 ngày đối với toàn bộ 2 phường Văn Miếu - Văn Chương gồm hơn 21.000 dân cư. Trước đó, 2 phường này đã thực hiện phong tỏa cục bộ một số “vùng đỏ”. Tuy nhiên, diễn biến dịch ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều ca F0; việc phong tỏa toàn bộ 2 phường là quyết định phải làm, để kịp thời bóc tách F0 khỏi cộng đồng.

“Khi quyết định phong tỏa được ban hành, chúng tôi xác định, nhiệm vụ đầu tiên là phải nắm chắc tình hình, chủ động tuyên truyền, vận động người dân không hoang mang, lo sợ, thậm chí... “chạy” khỏi vùng phong tỏa. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ phối hợp với cán bộ cơ sở gấp rút tỏa đi các ngõ ngách, động viên, vận động nhân dân. Cùng với đó, chúng tôi khẩn trương chuẩn bị phương án thiết lập rào phong tỏa. 19h ngày 21-8, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, người dân đã chấp hành “ai ở đâu thì ở yên đó”, Trung tá Nguyễn Trọng Tùng - Trưởng Công an phường Văn Chương nhớ lại.

Trọn vẹn hơn 1 tháng trời, nhật ký công việc Công an phường Văn Chương - toàn đơn vị bám chốt không về nhà. Điện thoại lúc nào cũng nóng ran và sạc dự phòng cắm 24/24h để tiếp nhận, xử lý mọi thắc mắc của nhân dân. Từng cán bộ, chiến sĩ thường xuyên ngủ đêm chỉ chợp mắt 2-3 tiếng, khi có thông tin về ca “F”, tất cả bật dậy, định hình rõ những phần việc cần làm, chạy đua từng giây, từng phút…

Ngày thứ ba của chu kỳ phong tỏa, Trung tâm chỉ huy tiền phương đặt tại trường Tiểu học trên địa bàn phường Văn Chương nhận tin: 15 cán bộ, chiến sĩ Công an phường Văn Chương, trong đó có 3 chỉ huy Công an phường trở thành F1. Nguồn lây là 1 nhân viên y tế phường, trong quá trình xét nghiệm, tiêm phòng dịch cho nhân dân.

Đưa tất cả đi cách ly tập trung ở cơ sở thuộc Bệnh viện CATP Hà Nội thì đơn giản, gọn quá. Nhưng như thế, mọi phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống dịch sẽ bị đảo lộn. Và, xuất phát từ chính nguyện vọng của 15 cán bộ, chiến sĩ, quyết định đưa ra thật nhanh chóng: trưng dụng một số phòng học tại trường THCS Huy Văn (nằm trên địa bàn phường Văn Chương) phục vụ cách ly để vừa ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm, vừa… sẵn sàng “chiến đấu” với dịch bệnh.

“Trước khi lấy ý kiến đồng chí, đồng đội và thống nhất cao đề nghị Ban chỉ huy tiền phương cho cán bộ, chiến sĩ được cách ly ngay tại địa bàn để tiếp tục “đánh giặc”, tôi gọi điện liên lạc chỉ huy Công an quận đề xuất duy nhất 1 điều là chưa thông tin với người thân, gia đình về việc cán bộ, chiến sĩ phải cách ly. Tất cả chỉ mong hậu phương mình không lo lắng, để tiếp tục yên tâm “diệt giặc… Covid-19” - Trung tá Nguyễn Trọng Tùng trùng xuống khi kể lại thời khắc khó khăn.

Không nơi nào đơn độc trong “trận đánh” với “giặc… Covid-19”

Tinh thần quả cảm của 15 cán bộ, chiến sĩ được tiếp thêm sức mạnh của hơn 200 đồng đội tăng cường từ các đội nghiệp vụ Công an quận Đống Đa cho Văn Chương - Văn Miếu, ở toàn bộ các điểm chốt cứng, chính ra vào địa bàn và hàng chục chốt kiểm soát ngay tại địa bàn dân cư. Từ khu phong tỏa, thông tin về dân cư, địa hình, đối tượng được trao đổi thường xuyên với đồng đội, lực lượng bên ngoài. Ánh sáng đèn và tiếng chuông điện thoại không mấy khi ngưng trong điểm trường THCS Huy Văn. Những cái “bắt tay” ở khoảng cách xa hàng chục mét, qua chấn song cửa sổ, dưới cái nắng oi nồng ban ngày hay màn sương lạnh trong đêm đã tiếp thêm nghị lực, sức mạnh cho những người lính Văn Chương, Đống Đa bước tiếp.

Văn Chương những ngày này đã “thắng… giặc”. Về địa bàn “nóng” hôm nào, về Tổ dân phố số 2 và số 8, chúng tôi nghe bà con thân thiết kể nhiều về đồng chí Cảnh sát khu vực có biệt danh “Chung bạc”. Đó là Trung tá Nguyễn Hữu Chung - người đã hơn 5 năm gần gũi, gắn bó với người dân Tổ dân phố số 2 và số 8. Biệt danh do chính người dân đặt, bởi đồng chí Cảnh sát khu vực với khuôn mặt hiền hậu, giọng nói ấm có mái đầu bạc “thương hiệu”. Anh “Chung bạc” là nhân vật chính trong bức ảnh đồng chí Công an đang tận tình chia từng quả trứng, túi lạc, mớ rau cho người dân ở vùng phong tỏa Văn Chương đã được người dân chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội thời gian qua.

Tại khuôn viên hẹp trụ sở Công an phường, nhớ lại những ngày “đánh giặc… Covid-19”, Trung tá Nguyễn Hữu Chung chia sẻ: “Là Cảnh sát khu vực với nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Covid-19 cộng đồng, tôi luôn xác định rõ trách nhiệm với 2.100 công dân ở 2 địa bàn dân cư, với khối lượng công việc hàng ngày cực lớn, đặc biệt trong mùa dịch. Và để hỗ trợ người dân một cách hiệu quả nhất, tôi đã phối hợp với cán bộ cơ sở thành lập các nhóm Zalo, hướng dẫn và mời chủ hộ ở từng địa bàn vào nhóm. Qua đây, người dân và lực lượng Công an có thể trao đổi mọi thông tin một cách nhanh và hiệu quả nhất. Cũng rất thuận lợi cho chúng tôi trong việc thông báo các thông tin cho toàn bộ người dân ở địa bàn mình”.

Hai địa bàn dân cư số 2 và số 8 mang tính đặc thù nhất của Văn Chương, đa số người dân là lao động nghèo, nhiều người lao động, người ngoại tỉnh, sinh viên thuê trọ bị mất việc, mắc kẹt lại. Không việc làm, không tích lũy, phong tỏa nhiều ngày khiến không ít hộ dân thiếu thốn lương thực, thực phẩm. Xuất phát từ thực tế đó, Trung tá Nguyễn Hữu Chung đã chủ động vận động người thân và bạn bè góp những phần quà gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu để trao tặng tận tay các trường hợp này. Trong suốt đợt giãn cách xã hội, anh “Chung bạc” đã vận động và trao 3 đợt với hàng trăm suất quà đến các trường hợp người dân khó khăn.

Tấm lòng, tình cảm của người Cảnh sát khu vực tận tụy ấy được bà Phạm Thị Vinh - Tổ phó Tổ dân phố 6, phường Văn Chương cảm phục: “Những ngày qua, khi người dân gặp khó khăn nhất thì lực lượng Công an, đặc biệt là Cảnh sát khu vực đã luôn quan tâm, giúp đỡ, đồng hành vượt qua đại dịch. Những việc làm của các đồng chí đã và đang sáng ngời hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân tận tụy vì nhân dân phục vụ. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Hữu Chung là điển hình trong việc phát huy tốt công tác dân vận, luôn lắng nghe và kịp thời hỗ trợ nhân dân”.

Không chỉ sẵn sàng vượt khó, sát cánh, cùng nhân dân “chiến đấu” vượt qua dịch bệnh; trong quá trình làm nhiệm vụ tại các điểm chốt, Công an phường Văn Chương đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Hay như câu chuyện đồng chí Lê Sơn Tùng, cán bộ Công an phường trong quá trình ứng trực, khi phát hiện một sản phụ đang chuyển dạ, đã nhanh chóng cùng gia đình hỗ trợ, giúp đỡ đưa đi sinh em bé an toàn trong đêm. Mỗi chiến công đạt được, mỗi phần việc đã qua sẽ mãi là kỷ niệm đẹp với người dân và từng cán bộ, chiến sĩ trong “cuộc chiến” không thể nào quên với đại dịch Covid-19.

Trung tá Nguyễn Trọng Tùng - Trưởng Công an phường Văn Chương, Hà Nội chia sẻ về các nhóm trên mạng xã hội được sử dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ nhân dân

Trung tá Nguyễn Trọng Tùng - Trưởng Công an phường Văn Chương, Hà Nội chia sẻ về các nhóm trên mạng xã hội được sử dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ nhân dân

“Khi quyết định phong tỏa được ban hành, chúng tôi xác định, nhiệm vụ đầu tiên là phải nắm chắc tình hình, chủ động tuyên truyền, vận động người dân không hoang mang, lo sợ, thậm chí... “chạy” khỏi vùng phong tỏa. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ phối hợp với cán bộ cơ sở gấp rút tỏa đi các ngõ ngách, động viên, vận động nhân dân. Cùng với đó, chúng tôi khẩn trương chuẩn bị phương án thiết lập rào phong tỏa. 19h ngày 21-8, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, người dân đã chấp hành “ai ở đâu thì ở yên đó”.

Trung tá Nguyễn Trọng Tùng (Trưởng Công an phường Văn Chương, Hà Nội)

Trung tá Nguyễn Hữu Chung trong 1 ca trực thời điểm phường Văn Chương bị phong tỏa

Trung tá Nguyễn Hữu Chung trong 1 ca trực thời điểm phường Văn Chương bị phong tỏa

“Là Cảnh sát khu vực với nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Covid-19 cộng đồng, tôi luôn xác định rõ trách nhiệm với 2.100 công dân ở 2 địa bàn dân cư, với khối lượng công việc hàng ngày cực lớn, đặc biệt trong mùa dịch. Và để hỗ trợ người dân một cách hiệu quả nhất, tôi đã phối hợp với cán bộ cơ sở thành lập các nhóm Zalo, hướng dẫn và mời chủ hộ ở từng địa bàn vào nhóm. Qua đây, người dân và lực lượng Công an có thể trao đổi mọi thông tin một cách nhanh và hiệu quả nhất. Cũng rất thuận lợi cho chúng tôi trong việc thông báo các thông tin cho toàn bộ người dân ở địa bàn mình”.

Trung tá Nguyễn Hữu Chung (Cảnh sát khu vực, Công an phường Văn Chương, Hà Nội)

“Những ngày qua, khi người dân gặp khó khăn nhất thì lực lượng Công an, đặc biệt là Cảnh sát khu vực đã luôn quan tâm, giúp đỡ, đồng hành vượt qua đại dịch. Những việc làm của các đồng chí đã và đang sáng ngời hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân tận tụy vì nhân dân phục vụ. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Hữu Chung là điển hình trong việc phát huy tốt công tác dân vận, luôn lắng nghe và kịp thời hỗ trợ nhân dân”.

Bà Phạm Thị Vinh (Tổ phó Tổ dân phố 6, phường Văn Chương, Hà Nội)

(Còn nữa)

Bài 2: Bát Tràng 30 ngày đêm “đánh giặc… Covid-19” không nghỉ