Đem trọn vẹn sức lực chiến đấu với dịch bệnh, làm tất cả vì sức khỏe của nhân dân (Bài 2): Bát Tràng 30 ngày đêm “đánh giặc... Covid-19” không nghỉ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bát Tràng, buổi sáng một ngày cuối tháng 9-2021, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tá Đỗ Xuân Đức, Trưởng Công an xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Anh chính là những cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy đầu tiên về nhận nhiệm vụ ở làng nghề nghìn năm tuổi nằm ở tả ngạn sông Hồng. Thiếu tá Đỗ Xuân Đức tất tả trở về để gặp gỡ chúng tôi vì anh cùng cán bộ xã vừa đi thắp hương, chia buồn với một nữ công dân trên địa bàn. Thiếu tá Đỗ Xuân Đức giọng chùng xuống nói rằng: “Chị không may qua đời do dịch bệnh Covid-19!”…

Thiếu tá Đỗ Xuân Đức - Trưởng Công an xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Thiếu tá Đỗ Xuân Đức - Trưởng Công an xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Câu chuyện buồn của gia đình chị M.

Bát Tràng là làng nghề truyền thống cổ nhất trong những ngôi làng ven sông Hồng ở Hà Nội. Đến giờ, dù kinh tế có phát triển đến mấy, đời sống người dân có khấm khá ra sao, thì những phong tục, tập quán, lễ nghĩa nghìn năm vẫn được gìn giữ, trân trọng. Nhất là khi những gia đình trong làng gặp chuyện buồn, việc hiếu. Cả làng, cả thôn xúm vào san sẻ, hỏi thăm, gánh vác như chính việc của gia đình mình.

Ấy vậy mà đám ma chị M., người thôn 2, lại không được đủ đầy như vậy!...

Thiếu tá Đỗ Xuân Đức lý giải với chúng tôi vì việc trễ cuộc hẹn 15 phút. Thông thường, những gia đình có chuyện buồn như nhà chị M., sẽ kèn trống ngày đêm, người ra người vào tấp nập. Chưa kể lúc còn sống, chị M. được nhiều người ở thôn 2 quý mến. Chồng chị M. từng công tác ở xã, huyện.

Chị M. mất giữa những ngày “nóng” nhất của dịch bệnh Covid-19, do virus SARS-CoV-2 biến chứng trên cơ sở nhiều bệnh nền. Thời gian dài trước ngày chị M. ra đi, không chỉ thôn 2, mà cả xã ngóng, mong, chờ đợi, sốt ruột theo dõi, quan tâm tiến triển sức khỏe. Cứ gặp nhau là hỏi han bệnh tình chị M. trong sự lo lắng hớt hải.

Ngày 24-7, Hà Nội áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Giãn cách xã hội. Hơn ai hết, Bát Tràng thấm thía bài học của xã Kim Sơn cùng huyện, bên kia sông Đuống, nơi mà hồi tháng 5 vừa rồi, liên tiếp xuất hiện gần 10 trường hợp F0, do lây nhiễm từ địa bàn giáp ranh thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bài học ở đây là gì? Là mối quan hệ giao thoa giữa thôn - xóm - làng - xã; là sự chủ quan, thiếu chặt chẽ trong kiểm soát việc đi lại của người dân giữa các địa bàn giáp ranh; là tâm lý dịch bệnh “rơi” vào ai đó chứ “trúng” sao được mình… Nếu để xảy ra dịch bệnh, không chỉ sức khỏe, tính mạng người dân bị ảnh hưởng, mà hoạt động của làng nghề gốm sứ với giao dịch kinh tế lớn nhất huyện Gia Lâm sẽ bị đe đọa.

Bát Tràng có F0!

Nhưng dịch bệnh phức tạp như Covid-19 hoành hành đúng là không nói trước được điều gì. Ngay trong ngày 24-7, trên cơ sở điều tra cơ bản, Công an xã Bát Tràng tham mưu và chủ động triển khai lực lượng cắm chốt kiểm soát toàn bộ 7 lối thông sang xã Xuân Quan thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Toàn bộ các ngõ, xóm, thôn giáp ranh trên địa bàn đều triển khai các tổ, chốt với đội ngũ cán bộ cơ sở ứng trực 24/24h. Trục đê chính có 1 chốt kiểm soát cơ động của thành phố… Vậy mà vẫn lọt!

Chủ tịch xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi nhớ lại, ngày 27-7-2021, sau rất nhiều ngày Gia Lâm tương đối yên trước đại dịch, thì xã nhận được thông báo từ huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội: “Bát Tràng có F0!”. Trường hợp đầu tiên này là một phụ nữ trung tuổi người thôn 2, bị lây nhiễm F1 từ F0 là người con rể về chơi trước đó mấy ngày.

“Trận đánh” kéo dài 30 ngày đêm với “giặc… Covid-19” tại xã Bát Tràng là từng ấy thời gian 100% cán bộ, chiến sĩ không về nhà. Áp lực của xã Bát Tràng, của lực lượng Công an cơ sở luôn được Ban chỉ huy Công an huyện quan tâm, chia sẻ. Hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ từ các Đội nghiệp vụ Công an huyện về tăng cường, cắm chốt ngay tại xã. Tầng 2, tầng 3 trụ sở xã được trưng dụng, phục vụ công tác “chống… giặc Covid-19”. Thiếu phòng đã có giường bạt, đồ ăn, thức uống được xã, thôn hỗ trợ, bố trí. Nhiều hộ dân quanh trụ sở xã cũng thành nếp mỗi khi có đồ ăn lại mang biếu tặng lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Virus SARS-CoV-2 âm thầm xâm lấn thôn 2, qua những buổi chuyện trò bên hè nhặt rau, thái dưa, rửa hành của các bà, các cô. Từ 1 - số ca F0 ngay hôm sau tăng lên 3, cũng đều là thành viên của gia đình đó. Những ngày sau, Bát Tràng chìm trong không khí hoang mang, lo lắng, khi những con số như biết “nhảy múa”. Tất cả đều rơi vào thôn 2. Đỉnh điểm và cuối cùng, nó dừng lại ở con số 12, trong đó có chị M., người phụ nữ 51 tuổi, mắc nhiều bệnh nền.

11 ca F0 của Bát Tràng đều qua khỏi. Riêng chị M. không bước qua được sự thử thách ác nghiệt của dịch bệnh. Với cán bộ cơ sở xã Bát Tràng, còn có phép thử khác, là việc hậu sự của chị M. sẽ tổ chức ra sao? Chủ tịch xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi chia sẻ, trường hợp chị M. lần đầu xã gặp. Không tính bà con, hàng xóm, chỉ riêng họ hàng nội ngoại hai bên, nếu tập trung đông đủ, chắc chắn sẽ vi phạm quy định giãn cách xã hội. Chưa kể khi ấy, liệu còn bao nhiêu ca “F” chưa được kiểm soát. Ai dám chắc hậu đám tang, sẽ không nối dài sự lo lắng khi những ca “F” lại “nhảy múa”.

“Bài học dân vận được chúng tôi tập trung cao độ thời điểm ấy. Dân vận phải thật có tình, có lý, trên cơ sở của sự chia sẻ, cảm thông. Giúp từng cá nhân, gia đình liên quan thấy được mối nguy, nếu hình thành việc tập trung đông người. May mắn là, tất cả người dân đều nhận thức tốt và ủng hộ tuyệt đối” - Thiếu tá Đỗ Xuân Đức kể lại. Sau khi Thiếu tá Đỗ Xuân Đức và đoàn công tác của xã đến chia buồn với gia đình chị M., chồng chị trong buổi tổ chức tang lễ hôm ấy, rưng rưng nước mắt bắt tay cảm ơn từng người và không quên lời nhắc đến thật nhanh, đừng nói chuyện gần.

Thiếu tá Đỗ Xuân Đức - Trưởng Công an xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) trình bày các phương án bố trí điểm chốt trên sơ đồ địa hình của xã Bát Tràng

Thiếu tá Đỗ Xuân Đức - Trưởng Công an xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) trình bày các phương án bố trí điểm chốt trên sơ đồ địa hình của xã Bát Tràng

Gần dân, sát dân và vì dân

Công an xã Bát Tràng tuy có số lượng cán bộ, chiến sĩ không đông, nhưng tất cả đều là Công an chính quy thuộc CATP Hà Nội được điều động về nhận nhiệm vụ, từ năm 2019. Nếu ai đó còn băn khoăn, thậm chí hồ nghi về chủ trương của tính hiệu quả khi đưa Công an chính quy về xã, thì nay mọi vấn đề đều được giải tỏa khi biết những câu chuyện xảy ra ở xã Bát Tràng. Đặc biệt, khi nghe cách xử lý mọi tình huống của lực lượng Công an cơ sở này, trong “trận đánh” với “giặc… Covid-19”.

Lần gặp đầu tiên với Thiếu tá Đỗ Xuân Đức, chúng tôi đã đưa ra câu hỏi: “Trước khi về nhận nhiệm vụ tại xã Bát Tràng, anh có gắn bó hay tìm hiểu gì về nghề gốm sứ?”. “Tôi trưởng thành từ Cảnh sát khu vực ở khu phố cổ, được phân công làm Phó trưởng Công an phường cũng trong địa bàn ấy, rồi được bổ nhiệm, điều động làm Trưởng Công an xã Bát Tràng từ năm 2019. Tất cả cán bộ, chiến sĩ còn lại cũng thế, đều từ nơi khác về” - Thiếu tá Đỗ Xuân Đức cho biết.

2 năm, quãng thời gian không ngắn, cũng chưa dài và nhất là chưa đủ đối với bất kỳ ai không quan tâm sâu sát đến công việc, chểnh mảng với địa bàn. “Chỉ có thể làm tốt nhiệm vụ, khi mình hiểu tốt về nó, hiểu về con người, đặc tính, tập tính sinh hoạt” - Thiếu tá Đỗ Xuân Đức nhìn nhận. Chẳng vậy mà Thiếu tá Đỗ Xuân Đức biết khá tường những nghệ nhân gốm sứ ở 2 thôn Giang Cao và Bát Tràng của xã Bát Tràng, hiểu cơ bản những kỹ thuật giúp họ nổi danh, trở thành nghệ nhân với men hỏa biến, men rạn, men thủy tinh, men kết tinh, men kim sa…

39 tuổi, không còn trẻ, nhưng với nhiều người, có lẽ sẽ cảm thấy “ngợp” khi chuyện trò với các nghệ nhân nhiều người ở tuổi xưa nay hiếm, nhất là về chủ đề gốm sứ. Nhưng Thiếu tá Đỗ Xuân Đức đã từng bước vượt qua bằng sự chân thành, cầu thị, gần dân, sát dân và vì dân. Thậm chí, sự nhiệt thành của người chỉ huy trẻ đã từng hóa giải cả sự chưa hiểu nhau là điều khó tránh khỏi giữa một vài nghệ nhân của hai thôn Giang Cao - Bát Tràng.

Những đêm trắng đánh “giặc” Covid-19 tại Bát Tràng

Những đêm trắng đánh “giặc” Covid-19 tại Bát Tràng

Công an xã - lá chắn vững vàng cùng nhân dân chống dịch

Cũng với sự nhiệt thành, quyết tâm ấy, Thiếu tá Đỗ Xuân Đức cùng tập thể Công an xã mang nguyên tinh thần ấy vào “trận đánh” với “giặc… Covid-19”. Đám tang chị M. với việc thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, không tập trung đông người, đúng như đánh giá của Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Nguyễn Phúc Công có vai trò tham mưu tốt của Công an xã.

“Trong “trận đánh” với “giặc… Covid-19” vừa qua, điều khó khăn nhất và vượt qua chính là hội tụ được đầy đủ các yếu tố: sự thống nhất về chủ trương, phương pháp của cấp ủy, chính quyền cơ sở; sự chính xác, quyết liệt trong các biện pháp, giải pháp; nhận thức, quyết tâm vượt khó của cán bộ, chiến sĩ và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn. Hiệu quả để đạt được nhanh nhất, cao nhất, từng địa bàn đòi hỏi phải có sự vận dụng hết sức linh hoạt, với mấu chốt là nhận thức - “đánh giặc” và “thắng giặc” không phải thuộc trách nhiệm của riêng ai!”.

Thiếu tá Đỗ Xuân Đức (Trưởng Công an xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Trong “trận đánh” đằng đẵng với “giặc… Covid-19”, tập thể Công an xã Bát Tràng vừa thể hiện tốt vai trò tiền phong, vừa đảm đương hiệu quả là lá chắn vững vàng, cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân trên địa bàn vượt qua đại dịch. Tất cả cán bộ, chiến sĩ với cả núi công việc đã làm và làm rất hiệu quả, tính riêng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này là không đếm xuể.

Ngay sau khi phát sinh ca F0 ở thôn 2, Công an xã lập tức phối hợp tổ chức điều tra, truy vết F1, F2, F3, khoanh vùng, xử lý ổ dịch theo đúng quy định. Toàn bộ thôn 2 có hơn 500 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu được triển khai quyết định phong tỏa trong vòng 14 ngày, cũng như kiểm soát chặt toàn bộ xã Bát Tràng. Ngay sau đó, 9 chốt kiểm soát được thiết lập trên tinh thần nội bất xuất ngoại bất nhập với lực lượng Công an xã làm chủ công.

Những ngày đỉnh điểm Covid-19 hoành hành, hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống dập dịch là 5 Tổ Covid-19 cộng đồng tại các thôn, trong đó Tổ trưởng là lực lượng Công an xã chịu trách nhiệm thực hiện các mặt công tác phòng, chống dịch. Cũng là Công an xã xây dựng, triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về tài sản cho nhân dân trên địa bàn, nhất là các hộ đi cách ly tập trung.

“Trận đánh” kéo dài 30 ngày đêm với “giặc… Covid-19” tại xã Bát Tràng là từng ấy thời gian 100% cán bộ, chiến sĩ không về nhà. Áp lực của xã Bát Tràng, của lực lượng Công an cơ sở luôn được Ban chỉ huy Công an huyện quan tâm, chia sẻ. Hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ từ các Đội nghiệp vụ Công an huyện về tăng cường, cắm chốt ngay tại xã. Tầng 2, tầng 3 trụ sở xã được trưng dụng, phục vụ công tác “chống… giặc Covid-19”. Thiếu phòng đã có giường bạt, đồ ăn, thức uống được xã, thôn hỗ trợ, bố trí. Nhiều hộ dân quanh trụ sở xã cũng thành nếp mỗi khi có đồ ăn lại mang biếu tặng lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ.

Ngày và đêm ở các điểm chốt ra vào xã Bát Tràng đều có lực lượng Công an xã ứng trực, kiểm soát 24/24h

Ngày và đêm ở các điểm chốt ra vào xã Bát Tràng đều có lực lượng Công an xã ứng trực, kiểm soát 24/24h

“Đánh giặc” và “thắng giặc” không phải thuộc trách nhiệm của riêng ai!

“Trong “trận đánh” với “giặc… Covid-19” vừa qua, có điều gì anh cảm thấy khó khăn nhất và làm thế nào để vượt qua nó?” - chúng tôi hỏi chuyện Thiếu tá Đỗ Xuân Đức, Trưởng Công an xã Bát Tràng thì được anh đáp: “Khó nhất là hội tụ được đầy đủ các yếu tố: sự thống nhất về chủ trương, phương pháp của cấp ủy, chính quyền cơ sở; sự chính xác, quyết liệt trong các biện pháp, giải pháp; nhận thức, quyết tâm vượt khó của cán bộ, chiến sĩ và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn”.

“Công thức” phòng, chống “giặc… Covid-19” gần như đã có “phom” chung, từ phát hiện, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, an sinh xã hội. Nhưng hiệu quả để đạt được nhanh nhất, cao nhất, từng địa bàn đòi hỏi phải có sự vận dụng hết sức linh hoạt, với mấu chốt là nhận thức - “đánh giặc” và “thắng giặc” không phải thuộc trách nhiệm của riêng ai! Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Nguyễn Phúc Công; Chủ tịch xã Phạm Huy Khôi; Thiếu tá Đỗ Xuân Đức, Trưởng Công an xã Bát Tràng đều toát lên tinh thần này. Và chắc chắn một điều rằng, lực lượng Công an xã là một trong những nhân tố quan trọng giúp hội tụ đầy đủ những yếu tố ấy!

Bát Tràng vượt qua đại dịch nhờ bởi sự hết sức rõ ràng trong thực hiện các nguyên tắc, quy định. Bất kỳ cá nhân nào vi phạm yêu cầu giãn cách xã hội đều bị xử lý nghiêm tùy theo mức độ. Biên bản phạt hành chính chưa hết; vi phạm còn bị nêu lên hệ thống loa truyền thanh của xã, để nhắc nhở, cảnh báo chung. Tập quán, mối quan hệ làng xã vốn là câu chuyện muôn thuở ở nhiều địa bàn, nhất là đối với cán bộ, lực lượng chức năng trong công tác xử lý vi phạm. Không ít nơi, không ít cán bộ thường ngại, né khi phải chạm đến những mối quan hệ làng xã kiểu này.

Nhìn nhận rõ điều ấy và để hóa giải phức tạp chắc chắn sẽ hình thành, trước “trận đánh” với “giặc… Covid-19”, trong cuộc họp với Thường vụ lãnh đạo xã, chỉ huy Công an xã Bát Tràng nhấn mạnh: “Nếu thiếu sự cương quyết, nếu vẫn để những mối quan hệ thôn - xóm - làng - xã lấn át yêu cầu công việc, chúng ta sẽ thua trong “trận đánh” đầy cam go với kẻ thù vô hình SARS-CoV-2”.

(Còn nữa)

Bài 3: Sắc xanh ở vùng 4 lần xanh