Đêm thấp thỏm ở Mường Khương

ANTĐ - Cả thị trấn phố núi nhỏ bé, giờ đã tan hoang, một cảnh tượng đổ nát đến ghê người. Sức tàn phá của thiên nhiên sao lại khốc liệt đến thế, khốc liệt tới mức ai cũng thấy bàng hoàng.

Những gì còn lại của gia đình chị Vàng Pha San mấy ngày mưa đá dội xuống

Đêm kinh hoàng ở phố núi

“Tôi tưởng rằng đêm kinh hoàng đã qua đi, vậy mà đêm qua lại tiếp tục trận mưa đá nữa. Những viên đá lần này không lớn nhưng cũng đủ khiến gia đình tôi hoảng sợ. Thấy tiếng lộp bộp dội xuống tấm bạt mới căng tạm trên mái nhà, tôi hô hào chồng con chui xuống gầm giường trú tạm. Khi ngớt tiếng mưa cũng là lúc cả nhà tôi ướt sũng nước trong đêm”- chị Vàng Pha San, ở thị trấn Mường Khương hoảng hốt.

Giờ cả thị trấn phố huyện Mường Khương đã tan hoang, đổ nát. Thay vào cảnh chợ phiên mua sắm nhộn nhịp là cảnh tất bận dọn dẹp những mảnh đổ, vỡ sau trận mưa đá vừa xảy ra. Ở đâu đó, đã xuất hiện mùi xú uế của xác con vật bị chết còn kẹt trong đống đổ nát đang bốc mùi. Mường Khương hiện với những nóc nhà đang được cất lợp lại, khiến ta mường tượng về một đại công trường hay vùng di dân tái định cư nào đó. Chỉ có điều trái với niềm vui về nơi ở mới, là nỗi buồn trùm lên phố huyện tiêu điều. Những gương mặt thất thần, âu sầu, những ánh mắt buồn rười rượi ngồi trước cửa nhà đưa ánh mắt nhìn vào đống đổ nát, thất vọng...

Chị Linh Trang, chủ cửa hiệu làm tóc ở trung tâm phố huyện Mường Khương, mắt còn đỏ hoe, ngồi ôm con bên bậu cửa không nói nửa lời, ngay cả khi được hỏi. Tôi xin phép được bước chân vào căn nhà để cảm nhận và chia sẻ những tổn thất, chị Trang chỉ lặng lẽ gật đầu. Trong cửa hiệu toàn kính gương vỡ vụn, mái đã vỡ tan, chỉ còn mấy tấm hình mẫu tóc treo trên tường nghiêng ngả là còn nguyên vẹn. Chị buồn bã: “Tôi vừa ra nghề, mới có tiền lợp mái xi măng, tất cả đều nhờ cậy anh em để lập nghiệp, giờ thì...”. Câu nói bỏ lửng của người phụ nữ trẻ, và cách bỏ mặc chưa muốn đụng tay vào thu dọn đống đổ nát, cũng đủ hiểu nỗi thất vọng mà người mẹ trẻ chưa biết sẽ gượng dậy như thế nào để tiếp tục cuộc sống. Thiên tai thật tàn khốc!

“Chỉ trong một giờ thôi, nó tàn phá khủng khiếp đến thế, chúng tôi khảo sát sơ bộ, toàn tỉnh có 3 huyện bị ảnh hưởng là Si Ma Cai, Bắc Hà và Mường Khương. Trong đó huyện Mường Khương bị ảnh hưởng nặng nhất, với 7.000 hộ bị thiệt hại. Hiện tại tỉnh đã chỉ đạo các huyện hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại tấm lợp, bạt... để tạm thời bà con có nơi ăn ở sinh hoạt. Đối với gia đình chính sách, người có công bị thiệt hại do mưa đá chúng tôi đã hỗ trợ 100 tấm lợp, gia đình thuộc diện nghèo được hỗ trợ 50 phần kinh phí làm lại mái nhà. Trước mắt dự tính ban đầu thiệt hại này vào khoảng 70 tỷ đồng, tuy nhiên con số chính xác chúng tôi tiếp tục thống kê trong những ngày tới, giờ điều quan trọng là công tác khắc phục hậu quả để bà con sớm ổn định cuộc sống”- ông Bùi Văn Thìn, Phó Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết.

Kỷ niệm buồn mà anh Tăng nhặt để cất vào tủ lạnh

“Đội mũ bảo hiểm... đi ngủ”.

Nỗi sợ về thiên tai đang còn tiếp diễn ở phố huyện Mường Khương. Những chuyến xe cấp nước đến cho người dân sử dụng của những anh lính cứu hỏa chạy đỏ đường càng khiến cho người ta cảm thấy vội vã. “Mấy ngày nay, các chú công an, bộ đội tập trung dọn dẹp hàng nghìn xe phế thải nhưng chú nhìn xem, con phố huyện vẫn ngổn ngang, bừa bãi” - bà Bùi Thị Huyền, ở thị trấn Mường Khương cho biết. Hôm nay, gia đình bà Huyền cũng như hàng nghìn hộ dân khác ở nơi bị mưa đá tàn phá trên địa bàn tỉnh Lào Cai, họ đều dọn dẹp và phơi phóng. Sân vận động trung tâm phố huyện hôm nay như “siêu thị” lớn về chăn màn, quần áo. Đó là cách khắc phục hậu quả cần thiết trước mắt để có quần áo mặc, chăn màn ngủ đêm.

“Tôi cố giữ chậu đá này trong tủ lạnh cho đến khi nào tự nó tan chảy, tôi không vứt đi, mà cũng không thể cho ai, từ hôm xảy ra mưa đá đến nay nhiều người biết tôi giữ đã xin nhưng tôi không thể cho đi được...”- anh Nguyễn Văn Tăng, ở thị trấn huyện Mường Khương, bưng chậu đá với những cục to bằng nắm tay từ trong tủ lạnh ra cho chúng tôi xem. Anh Tăng bảo: “Đó là kỷ niệm buồn của người dân phố huyện này, vì thế tôi lưu giữ nó lại”. Những viên đá đó đã làm riêng huyện Mường Khương có khoảng 30 người bị thương, trong đó có 23 người phải nhập viện điều trị, 2 người bị thương nặng, 1 học sinh bị gẫy tay, 1 học sinh bị chấn thương sọ não. Đó chỉ là thiệt hại về con người, chứ chưa tính đến nhà ở bị hư hỏng và nhiều diện tích cây cối hoa màu bị hư hại; các công trình nhà cửa công cộng, như trường học, trạm xá, trụ sở cơ quan ở các xã đều bị thiệt hại nặng nề. 

Chiếc mũ bảo hiểm của một gia đình để trên nóc tủ lạnh đã bị mưa đá “khoét” thủng

Khi tôi trở về phòng trọ viết bài này, cả phố huyện Mường Khương bao trùm bóng tối, thứ cảm nhận dễ nhất trong bóng đêm lúc này là tiếng của lưỡi xẻng xúc gạch, ngói vỡ quẹt xuống nền nhà. Bất chợt có ánh đèn pin lia ngang dọc chiếc xe máy bên đống đổ nát. “Anh đang tìm gì thế?”. “Tôi tìm chiếc mũ bảo hiểm, để mang vào cạnh đầu giường phòng đêm nay có mưa đá thì đội”- anh Phền Sỷ Hùng, ở thị trấn Mường Khương buồn bã nói. 

Đêm nay, đã là đêm thứ 3 người dân bản ở Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà coi như không có giấc ngủ trọn vẹn. Tất cả co rúm lại vì lo sợ tai họa của trời sẽ còn ập xuống...